Cần ưu tiên nguồn vốn cho giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bắc-Nam

Các đại biểu đoàn Hà Tĩnh, Khánh Hòa cho rằng cần ưu tiên bố trí nguồn vốn để sớm thực hiện giải phóng mặt bằng Dự án cao tốc Bắc-Nam; kiến nghị xem xét cơ sở pháp lý khi chuyển nhượng thu phí dự án.
Cần ưu tiên nguồn vốn cho giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bắc-Nam ảnh 1Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu, Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh phát biểu thảo luận tại tổ. (Ảnh: Hoàng Ngà/TTXVN)

Chiều 6/1, Kỳ họp bất thường, Quốc hội khóa XV tiếp tục chương trình làm việc, thảo luận tại tổ về Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Các đại biểu đoàn Hà Tĩnh, Khánh Hòa đã bày tỏ thống nhất cao với tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Quốc hội; cho rằng cần ưu tiên bố trí nguồn vốn để địa phương sớm thực hiện giải phóng mặt bằng Dự án cao tốc Bắc-Nam; kiến nghị xem xét cơ sở pháp lý khi chuyển nhượng thu phí dự án.

Hà Tĩnh chủ động chuẩn bị các điều kiện để triển khai dự án

Hà Tĩnh có 109km đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông đi qua, trong đó có 4,84km thuộc đoạn Diễn Châu-Bãi Vọt đã bàn giao mặt bằng sạch và đang triển khai thi công; đoạn Bãi Vọt-Hàm Nghi dài khoảng 36km; đoạn Hàm Nghi-Vũng Áng dài khoảng 54km; có 14km trong tổng 58km đoạn Vũng Áng-Bùng.

Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu, Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đánh giá dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong kết nối hoạt động kinh tế-xã hội của tỉnh, nhất là giữa Khu kinh tế trọng điểm Vũng Áng với các địa phương trong cả nước, tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho Hà Tĩnh cũng như khu vực miền Trung.

Để hoàn thiện báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, theo đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh đã thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan của Bộ Giao thông Vận tải, trước mắt đã tập trung chỉ đạo thực hiện một số việc như: rà soát, đánh giá mức độ ảnh hưởng của dự án đối với công tác quản lý đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng các chương trình, dự án trên địa bàn; chủ động thực hiện việc điều chỉnh hoặc báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh cho phù hợp; giữ nguyên hiện trạng, không bố trí thực hiện các công trình, dự án của địa phương nằm trong phạm vi hướng tuyến dự án.

Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường công tác quản lý nhà nước về xây dựng, cấp phép xây dựng; không để các tổ chức, cá nhân xây dựng, cơi nới các công trình trong phạm vi hướng tuyến dự án, kịp thời chấn chỉnh và xử lý các trường hợp vi phạm; tổ chức rà soát, kiểm đếm sơ bộ, xác định khối lượng/kinh phí thực hiện giải phóng mặt bằng.

[Bộ GTVT lý giải suất đầu tư cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025]

Tỉnh Hà Tĩnh cũng đã chủ động lập kế hoạch di dời các công trình nằm trong phạm vi hướng tuyến Dự án; phối hợp với các đơn vị tư vấn thỏa thuận phương án kỹ thuật phù hợp tại các vị trí hướng tuyến cao tốc giao cắt với các tuyến đường dây điện, đặc biệt là các đường dây 500kV, 220kV, 110kV và lưới điện trung, hạ áp để đảm bảo khoảng cách an toàn và các tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành.

Theo đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu, thời gian tới, Hà Tĩnh sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung thêm các mỏ vật liệu đất đắp nền đường; đẩy nhanh các thủ tục cấp giấy phép khai thác, nâng công suất khai thác các mỏ vật liệu đất đắp nền đường để đảm bảo tiến độ triển khai dự án đường cao tốc Bắc-Nam nhánh phía Đông, đoạn Bãi Vọt-Kỳ Anh.

Xây dựng thêm các cơ chế chính sách đặc thù

Để đảm bảo tiến độ, chất lượng triển khai dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, trong đó có đoạn qua địa bàn Hà Tĩnh, đại biểu Trần Đình Gia, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh nêu một số kiến nghị nhằm tăng cường giám sát, bảo đảm chất lượng công trình, quản lý và phát huy hiệu quả công trình đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phục vụ dân sinh.

Liên quan đến hình thức đầu tư, ông Trần Đình Gia cho rằng do hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công-tư thiếu ổn định; một số hạn chế của các dự án giao thông theo hình thức xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT) giai đoạn trước vẫn chưa được xử lý dứt điểm; thị trường vốn còn hạn chế, tiềm ẩn nhiều rủi ro và không hấp dẫn các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng, do đó, việc Chính phủ đề xuất đầu tư dự án theo hình thức đầu tư công là phù hợp.

Đại biểu Trần Đình Gia cũng đồng tình với phương án tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập và giao cho địa phương tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, theo đại biểu, các địa phương có đường cao tốc đi qua lại có quy mô ngân sách rất hạn hẹp, chưa thể cân đối nên ngân sách nên Trung ương cần ưu tiên bố trí nguồn vốn để địa phương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

Đồng thời, cần tạo cơ chế đặc thù như áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ và gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư; kèm theo yêu cầu tiết kiệm dự toán giá trị gói thầu; gắn với đó là hình thức thưởng tiến độ từ kinh phí tiết kiệm.

Cần ưu tiên nguồn vốn cho giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bắc-Nam ảnh 2Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh thảo luận tại tổ. (Ảnh: Hoàng Ngà/TTXVN)

Hiện nay, Quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã bắt đầu hư hỏng, xuống cấp và bị quá tải, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông và hạn chế khả năng lưu thông hàng hóa trên trục dọc Bắc-Nam, nhất là đoạn qua Khu kinh tế Vũng Áng.

Ông Trần Đình Gia cho rằng việc sớm đầu tư hoàn thành đoạn cao tốc Bãi Vọt-Vũng Áng để phục vụ vận chuyển nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm cho Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II, Tổ hợp dự án của Tập đoàn Vingroup tại Khu kinh tế Vũng Áng… là hết sức cần thiết và cấp bách.

Đại biểu Trần Đình Gia đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sớm hoàn thiện các thủ tục đầu tư để hoàn thành đoạn cao tốc Bãi Vọt-Vũng Áng trước năm 2025; chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải sớm bàn giao mốc giải phóng mặt bằng vào đầu năm 2022 và bố trí nguồn vốn để địa phương chủ động triển khai công tác giải phóng mặt bằng, đáp ứng tiến độ dự án.

Về các nội dung liên quan đến phương án kỹ thuật, thiết kế sơ bộ, đại biểu cơ bản thống nhất với báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Trong các bước tiếp theo, đại biểu đề nghị chủ dự án nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến mà tỉnh Hà Tĩnh đã tham gia ý kiến với Bộ Giao thông vận tải về phương án thiết kế sơ bộ tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam, đoạn Bãi Vọt-Vũng Áng và Vũng Áng-Bùng.

Riêng đối với vị trí kết nối đường cao tốc với thành phố Hà Tĩnh, đại biểu Trần Đình Gia đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với tỉnh để khảo sát, xác định vị trí nhằm xác định đúng nhu cầu vận tải, khai thác của đường cao tốc nhưng đồng thời hạn chế được ảnh hưởng tiêu cực đến an toàn giao thông, kết cấu hạ tầng, quỹ đất, quy hoạch phát triển kinh tế của địa phương.

Kiến nghị xem xét cơ sở pháp lý khi chuyển nhượng thu phí dự án

Thảo luận tại tổ, đại biểu Lê Hữu Trí, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Khánh Hòa khóa XV nêu ý kiến việc đầu tư dự án này thực sự cần thiết để đảm bảo năng lực cạnh tranh của nền kinh tế quốc gia; đảm bảo cho việc liên kết vùng, liên kết các khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm, vận tải lưu thông hàng hóa, phát triển hình thành các khu đô thị mới, có tác động rất lớn trong thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của mỗi vùng, mỗi địa phương, đất nước; đặc biệt là việc tạo ra các yếu tố mới.

Thảo luận về việc thi công làn xe trong dự án với 2 phương án: phương án đầu tiên là đầu tư 4 làn xe, phương án thứ 2 đầu tư 6 làn xe bao gồm 2 làn dừng khẩn cấp, các đại biểu Khánh Hòa đề xuất  trong giai đoạn này chỉ đầu tư thi công 4 làn xe, nhưng xác định giải phóng mặt bằng cho 6 làn xe, bởi xét về nguồn vốn, đầu tư 4 làn xe là phù hợp về chi phí quản lý nhưng công tác giải phóng mặt bằng cần thực hiện một lần để thuận tiện cho việc thiết lập chỉ giới đường.

Trong điều kiện giải phóng mặt bằng 6 làn xe, diện tích không xây dựng nên để ở giữa phát triển cây xanh, dễ quản lý.

Cần ưu tiên nguồn vốn cho giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bắc-Nam ảnh 3Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Yên Bái, Quảng Ninh, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Dương và Bến Tre thảo luận ở tổ. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Đại biểu Lê Hữu Trí đề xuất: “Chúng ta đi sau, tiệm cận với các công nghệ hiện đại của thế giới. Do đó, khi các đơn vị tư vấn thực hiện cần áp dụng các phương pháp tiên tiến trong quá trình thi công, đặc biệt trong xây dựng cầu, giảm tối đa ảnh hưởng đến người dân, môi trường."

Trong phương án giải tỏa mặt bằng, ông Lê Xuân Thân, đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa khóa IX, XIV tại phiên thảo luận tổ cũng đưa ra các vấn đề về các điều khoản luật không hợp lý trong Nghị quyết và đề xuất sửa đổi. Trọng tâm là các điều khoản pháp luật liên quan đến việc chuyển đổi mục đích rừng phòng hộ, rừng sản xuất. Các đại biểu khác cũng kiến nghị nên hạn chế con đường qua các khu vực rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.

Đại biểu Lê Hữu Trí cho rằng, dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông chỉ còn 4 năm triển khai. Nếu các chỉ đạo, thủ tục điều hành ở trên không quyết liệt, đền bù không thỏa đáng thì dự án rất khó hoàn thành đúng tiến độ; nhất là chủ trương, chính sách giải quyết các trường hợp đền bù giải phóng mặt bằng khi dự án đi qua đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, bởi các địa phương hiện vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể.

Trong khi đó, thảo luận về nguyên vật liệu thực hiện dự án, đại biểu đoàn Khánh Hòa đề nghị các cấp bộ, ngành, đơn vị, địa phương có dự án đi qua được chuẩn bị trước. Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa Hà Quốc Trị cho rằng khó khăn lớn nhất của các địa phương hiện nay là tình trạng thiếu nguyên vật liệu và giá cao nên việc hoàn thành, đúng tiến độ là rất khó khăn. Ông Hà Quốc Trị cũng đề nghị Chính phủ cần có giải pháp đồng bộ khi đưa vào thi công, đảm bảo đúng tiến độ.

Thảo luận về nội dung Dự án toàn tuyến có 12 dự án thành phần, được đề nghị thực hiện theo hình thức đối tác công-tư, sau khi dự án hoàn thành chuyển nhượng thu phí, các đại biểu tỉnh Khánh Hòa tán thành và nêu quan điểm, việc phân chia về dự án thành 12 dự án thành phần, trong đó có đoạn dài 88km, có đoạn ngắn 36km chưa có cơ sở pháp lý. Do đó, Quốc hội cần làm rõ việc thu phí về sau.

Đại biểu Lê Hữu Trí cũng nêu ý kiến cần tăng cường giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân tại các địa phương có dự án đi qua cũng như vai trò thanh, kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền trong từng khâu nhằm bảo đảm chất lượng, phát huy hiệu quả công trình đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phục vụ dân sinh của địa phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục