Căng thẳng mới trong quan hệ giữa Iran và các cường quốc

Bên cạnh việc tái khởi động các hoạt động tại cơ sở hạt nhân Fordow, Iran cũng bắt đầu củng cố kho chứa nguyên liệu và nâng mức làm giàu urani.
Căng thẳng mới trong quan hệ giữa Iran và các cường quốc ảnh 1Nhà máy nghiên cứu nước nặng Arak, cách thủ đô Tehran (Iran) 320km về phía Nam. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo Reuters/AP/Tân Hoa xã, quan hệ giữa Iran và Mỹ cùng các cường quốc châu Âu tiếp tục trên đà sóng gió sau nhiều sự kiện suốt tuần qua.

Ngày 4/12, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách chính sách John Rood nói rằng có nhiều dấu hiệu cho thấy Iran có thể sẽ có những hành động hung hăng trong tương lai, giữa lúc căng thẳng Tehran và Washington vẫn trong tình trạng "nóng" âm ỉ.

Quan chức thứ ba của Lầu Năm Góc nói: “Chúng tôi đã đưa ra những cảnh cáo nghiêm túc với chính phủ Iran về hệ quả của những hành vi đó," song không cho biết chi tiết.

Hai quan chức Mỹ đề nghị giấu tên tiết lộ đã có một số thông tin tình báo hồi tháng qua cho thấy Iran đang triển khai lực lượng và vũ khí trong khu vực. Tuy nhiên, chưa rõ mục đích của các hoạt động này là gì.

Một quan chức nói rằng có ý kiến quan ngại về việc các hoạt động này là nhằm phục vụ chiến dịch của Iran tại Iraq, quốc gia đang chìm trong làn sóng biểu tình chống chính quyền.

Năm ngoái, hãng tin Reuters từng đưa tin Iran đã chuyển tên lửa đạn đạo cho các lực lượng chân rết Shi’ite tại Iraq và bành trướng ảnh hưởng để ngăn chặn các cuộc tấn công nhằm vào những lợi ích của mình tại Trung Đông, đồng thời tạo bàn đạp để đối phó với các kẻ thù khu vực.

Các quan chức Mỹ cho biết họ đang tiến hành nhiều cuộc thảo luận về việc bổ sung quân Mỹ trong khu vực song quyết định cuối cùng vẫn chưa ngã ngũ và tình hình có nhiều biến động. Một quan chức Mỹ nói rằng quân đội thường xuyên thảo luận các kế hoạch triển khai trên khắp thế giới, kể cả Trung Đông.

Trong khi đó, Lầu Năm Góc cũng vừa xác nhận việc vào ngày 25/11 vừa qua, Hải quân Mỹ đã phát hiện “các linh kiện tên lửa tiên tiến” trên một con tàu không rõ quốc tịch tại phía Bắc Biển Arab, và các cuộc điều tra ban đầu cho thấy các bộ phận này xuất xứ từ Iran. Tuyên bố cho biết tiến trình điều tra vẫn đang tiếp diễn.

[Tổng thống Rouhani: Iran sẽ đàm phán nếu Mỹ từ bỏ biện pháp trừng phạt]

AP đưa tin tàu khu trục có tên lửa dẫn đường Forrest Sherman đang tiến hành các hoạt động định kỳ và phát hiện một con tàu khả nghi không có cờ hiệu. Hải quân Mỹ và lực lượng bảo vệ bờ biển đã chặn con tàu này lại và sau đó phát hiện số vũ khí kể trên. Giới chức không cung cấp các số liệu chính xác và chỉ cho biết thủy thủ đoàn sau đó được bàn giao cho Lực lượng bảo vệ bờ biển Yemen, còn các bộ phận tên lửa hiện đang do Mỹ cất giữ.

Theo Reuters, vài năm trở lại đây, tàu chiến Mỹ nhiều lần can thiệp và thu giữ các loại vũ khí Iran bị tình nghi là đang trên đường vận chuyển cho các tay súng Houthi. Tuy nhiên, một quan chức cho biết vụ việc lần này có nhiều điểm khác biệt, nhất là khi xét tới mức độ hiện đại của các thiết bị bị thu giữ.

Theo nghị quyết được Liên hợp quốc ban hành, Tehran bị cấm cung cấp, bán hoặc chuyển giao vũ khí ra bên ngoài đất nước trừ khi có sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Một nghị quyết khác của Liên hợp quốc về Yemen cấm mọi hoạt động cung cấp vũ khí cho lực lượng Houthi.

Hãng AFP đưa tin Pháp, Đức và Anh ngày 4/12 cho rằng Iran đã phát triển tên lửa đạn đạo có gắn đầu đạn hạt nhân - một nỗ lực đi ngược lại nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Đại sứ Pháp, Đức và Anh tại Liên hợp quốc đã cùng soạn một bức thư gửi Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, trong đó kêu gọi ông Guterres nhấn mạnh trong báo cáo sắp tới gửi Hội đồng Bảo an rằng các hoạt động liên quan tới tên lửa đạn đạo của Iran là không phù hợp với nghị quyết thông qua thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Trong khi đó, Tân Hoa xã dẫn lại thông tin từ hãng thông tấn Tasnim cho biết Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi nhấn mạnh nhà nước Hồi giáo không có ý định rời bỏ thỏa thuận hạt nhân được ký năm 2015 dù họ đang hạ bớt các cam kết của mình.

Phát biểu trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi tại Tokyo hôm 3/12, ông Araqchi cho biết việc Iran giảm bớt các cam kết bắt nguồn từ việc các nước châu Âu không tuân thủ đúng cam kết mà họ đưa ra trong việc bảo đảm quyền lợi kinh tế của Iran theo những gì đã được đề ra trong Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA).

Phản ứng trước việc Mỹ rút khỏi JCPOA hồi tháng 5/2018 đồng thời tái áp đặt các đòn trừng phạt với nước Cộng hòa Hồi giáo, và cũng là để tỏ thái độ trước sự trì trệ của châu Âu trong việc hỗ trợ các hoạt động giao dịch ngân hàng và ngành xuất khẩu Iran, từ khoảng 7 tháng trước, Tehran đã bắt đầu có những động thái rõ rệt nhằm thu hẹp cam kết của mình.

Bên cạnh việc tái khởi động các hoạt động tại cơ sở hạt nhân Fordow, Iran cũng bắt đầu củng cố kho chứa nguyên liệu và nâng mức làm giàu urani. Quốc gia này cũng khởi động các máy ly tâm hiện đại để gia tăng số lượng urani làm giàu và phục vụ hoạt động nghiên cứu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục