Cấp cứu thai phụ mang thai 6 tháng bị tai nạn lao động nghiêm trọng

Bác sỹ Đặng Thanh Hải cho biết thêm, hiện tình trạng của bệnh nhân rất nguy hiểm, do bệnh nhân hiện đang mang thai và bị chấn thương rất nghiêm trọng.
Cấp cứu thai phụ mang thai 6 tháng bị tai nạn lao động nghiêm trọng ảnh 1Các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) đang cấp cứu cho bệnh nhân. (Nguồn: Laodong.vn)

Ngày 31/1, bác sỹ Đặng Thanh Hải, Giám đốc bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (xã Chí Đám, huyện Đoan Hùng, Phú Thọ), cho biết, đơn vị vừa cấp cứu một thai phụ mang thai 6 tháng tuổi, bị tại nạn lao động nghiêm trọng, lóc toàn bộ da đầu.

Nạn nhân là chị Lê Thị H., sinh năm 1991, có hộ khẩu ở xã Thái Hòa, huyện Ba Vì, Hà Nội, hiện đang mang thai ở tháng thứ 6.

Khoảng 8 giờ cùng ngày, khi chị H đang làm việc tại băng tải truyền cát ở xã Hùng Long, huyện Đoan Hùng, thì bị cuốn tóc vào băng tải, dẫn đến lóc toàn bộ phần da đầu.

Nhận được tin báo, Trung tâm cấp cứu 115 của Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương đã đến hiện trường cấp cứu và chuyển bệnh nhân về bệnh viện. Bệnh nhân đến bệnh viện trong tình trạng đau đớn, vùng da đầu bị lóc toàn bộ, lộ xương sọ, chảy máu. Các bác sỹ đã chống sốc, giảm đau tối đa, cầm máu, truyền máu, kiểm tra tim thai và sức khỏe của thai nhi...

[Yên Bái: Một công nhân tử vong tại nhà máy chế biến quặng sắt]

Bác sỹ Đặng Thanh Hải cho biết thêm, hiện tình trạng của bệnh nhân rất nguy hiểm, do bệnh nhân hiện đang mang thai và bị chấn thương rất nghiêm trọng. Phần da đầu bị lóc của bệnh nhân tuy được người nhà bảo quản nhưng không đúng cách.

Hiện các bác sỹ đã vệ sinh lại phần da đầu của nạn nhân, bảo quản đúng cách và chuyển bệnh nhân xuống Bệnh viện Việt Đức để tiếp tục cấp cứu.

Các bác sỹ đặc biệt khuyến cáo người dân, khi không may bị tai nạn, đứt rời chi thể, cần bảo quản đúng cách và nhanh chóng đưa nạn nhân cùng chi thể đứt rời đến bệnh viện. Người dân tuyệt đối không để trực tiếp chi thể đứt rời vào đá lạnh.

Phần da hoặc chi thể đứt rời cầm được nắm nhẹ nhàng, rửa bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý, bọc kín bằng gạc hoặc vải sạch (không bọc quá dày), sau đó cho vào túi nilong mỏng, buộc kín miệng túi để nước không thấm. Tiếp đó, đặt túi vào thùng đá lạnh - mục đích không để tiếp xúc trực tiếp đến đá lạnh gây bỏng lạnh và chết tế bào mô, mạch máu.

Thời gian vàng dành cho bảo quản các chi thể, da là từ khi đứt rời khỏi cơ thể đến khi được ghép nối là dưới 6 tiếng. Việc bảo quản đúng cách đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc cấy ghép và phục hồi sau này.

Bác sỹ Đặng Thanh Hải cũng khuyến người dân cần đặc biệt lưu ý khi tiếp xúc, làm việc với các loại máy móc, cần có đồ bảo hộ, búi cao tóc và cảnh giác khi làm việc để tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục