Carbon Tracker: Các nhà máy nhiệt điện than có nguy cơ mất 600 tỷ USD

Nhà đầu tư của các nhà máy nhiệt điện than có nguy cơ mất hơn 600 tỷ USD vì nguồn điện từ năng lượng tái tạo trở nên rẻ hơn nguồn điện được tạo ra từ các dự án nhiệt điện mới.
Carbon Tracker: Các nhà máy nhiệt điện than có nguy cơ mất 600 tỷ USD ảnh 1(Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo báo cáo mới nhất của tổ chức Carbon Tracker công bố ngày 12/3, nhà đầu tư của các nhà máy nhiệt điện than có nguy cơ mất hơn 600 tỷ USD vì nguồn điện từ năng lượng tái tạo trở nên rẻ hơn nguồn điện được tạo ra từ các dự án nhiệt điện mới.

Cụ thể, trong một phân tích mới về chi phí nhiệt điện than trên toàn thế giới, các nhà nghiên cứu thấy rằng hơn 60% nguồn cung hiện có đắt hơn nguồn điện từ năng lượng tái tạo như năng lượng Mặt Trời và gió.

Tuy nhiên, gần 500 GW nhiệt điện than mới đang được xây dựng hoặc đang được lên kế hoạch, với tổng chi phí dự kiến khoảng 638 tỷ USD.

Bà Sriya Sundaresan, một quan chức cấp cao tại Carbon Tracker và đồng tác giả của bản báo cáo trên, cho biết điều này thể hiện một rủi ro đáng kể cho các nhà đầu tư vì các nhà máy nhiệt điện than thường phải mất từ 15-20 năm để hòa vốn.

Hồi tháng trước, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ sản xuất điện đã “đi ngang” trong năm 2019, phần lớn là nhờ việc sử dụng than ở Bắc Mỹ và châu Âu giảm. Tuy nhiên, việc sử dụng than đá ở châu Á đã tăng khoảng 3% khi nhu cầu năng lượng tại đây tăng cao.

[Công suất các nhà máy điện than sẽ giảm còn 8.760 MW vào năm 2025]

Carbon Tracker nhận thấy riêng Trung Quốc đã đối mặt với 158 tỷ USD đầu tư gặp rủi ro khi có tới tổng cộng 100 GW nhiệt điện than đang được xây dựng và một con số còn lớn hơn thế được cân nhắc lên kế hoạch.

Theo phân tích của báo cáo, sản lượng nhiệt điện than của Trung Quốc hiện vào khoảng 982 GW và 71% trong số đó tốn nhiều chi phí để vận hành hơn so với việc sản xuất các nguồn điện từ năng lượng tái tạo mới.

Còn tại Ấn Độ, khoản đầu tư nhiệt điện than trị giá 80 tỷ USD đang gặp rủi ro, còn con số này tại khu vực Đông Nam Á là 78 tỷ USD.

Than được đánh giá là loại nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm môi trường nhất. Các chuyên gia của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc cho rằng nguồn năng lượng từ nhiệt điện phải giảm mạnh nếu thế giới muốn đạt được các mục tiêu hạn chế mức nhiệt tăng dưới mức 2 độ C và thậm chí dưới mức 1,5 độ C theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Một báo cáo của IPCC hồi năm 2018 cho biết để đáp ứng mục tiêu nhiệt độ Trái Đất không tăng quá 1,5 độ C, lượng nhiệt điện than sẽ cần phải giảm 80% vào năm 2030.

Carbon Tracker cũng cho biết mỗi ngày cần đóng cửa một nhà máy nhiệt điện than từ nay cho tới năm 2040 để giữ mục tiêu trên trong tầm tay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục