Chặng đường thử thách của tân Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin

Hạ viện Malaysia dự kiến sẽ bắt đầu họp từ ngày 9/3. Đây sẽ là “mặt trận” đấu tranh tiếp theo giữa các phe phái ủng hộ các nhân vật khác nhau trên chính trường Malaysia.
Chặng đường thử thách của tân Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin ảnh 1Ông Muhyiddin Yassin (thứ 2, trái, phía trước) tới lễ nhậm chức Thủ tướng Malaysia tại Kuala Lumpur, ngày 1/3/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Trưa 1/3, ông Muhyiddin Yassin, Chủ tịch điều hành đảng Bersatu, đã tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Malaysia, tạm thời kết thúc cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài hơn một tuần qua tại quốc gia Đông Nam Á này.

Tuy nhiên, những diễn biến phức tạp trên chính trường Malaysia với việc Liên minh Hy vọng (PH) tiếp tục đề cử ông Mahathir Mohamad làm ứng cử viên thủ tướng và tìm cách kêu gọi Hạ viện Malaysia họp khẩn cấp để xác định ai mới là ứng cử viên thủ tướng hợp pháp, khiến việc ổn định tình hình hiện nay trở thành thách thức lớn.

[Malaysia rối ren sau lễ nhậm chức của tân Thủ tướng Muhyiddin]

Vị Thủ tướng thứ tám của Malaysia, ông Muhyiddin Yassin sinh năm 1947, tốt nghiệp đại học ngành kinh tế và từng là thành viên đảng Tổ chức Dân tộc Mã Lai thống nhất (UMNO), giữ chức Thủ hiến bang Johor, đảm đương nhiều cương vị bộ trưởng trong các chính phủ tiền nhiệm suốt thời kỳ 2005-2015.

Tuy nhiên, tháng 6/2016, ông bị UMNO khai trừ, sau đó, chính trị gia này đã tham gia Bersatu và trở thành Chủ tịch điều hành của đảng do ông Mahathir Mohamad sáng lập.

Sau khi Bersatu liên kết với đảng Công lý Nhân dân (PKR), Hành động Dân chủ (DAP) và Amanah để thành lập PH, ông được bầu là Phó Chủ tịch liên minh.

Ông Muhyiddin giữ chức Bộ trưởng Nội vụ trong chính quyền của Thủ tướng Mahathir Mohamad cho tới khi ông Mahathir từ chức ngày 24/2 vừa qua.

Có thể nói việc ông Muhyiddin được bổ nhiệm là thủ tướng cũng là một bất ngờ bởi trước đó, các cuộc thảo luận tại Hạ viện Malaysia đưa ra nhiều kịch bản khác.

Tuy nhiên, theo thông báo của Hoàng gia, Quốc vương Malaysia căn cứ theo Hiến pháp đã quyết định lựa chọn ông Muhyiddin để chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài.

Tân Thủ tướng Muhyiddin nhậm chức trong bối cảnh tình hình chính trường Malaysia vẫn còn nhiều diễn biến căng thẳng.

Ngay trước lễ nhậm chức khoảng 1 giờ, người sáng lập đảng Bersatu, người lãnh đạo lão luyện Mahathir Mohamad đã tuyên bố ông Muhyiddin không phải là “Thủ tướng hợp pháp” vì không có được sự ủng hộ cần thiết từ các nghị sỹ.

Trước đó, tối 29/2, PH tuyên bố họ đã có được sự ủng hộ của tổng cộng 114 nghị sỹ (trong số 222 nghị sỹ) để đề cử ông Mahathir Mohamad tiếp tục giữ chức thủ tướng.

Điều này rất có thể sẽ dẫn đến những lộn xộn trong những ngày tới khi lực lượng ủng hộ cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad cho rằng ông mới là người có đủ số ghế cần thiết tại hạ viện (tối thiểu là 112/222 ghế) để có quyền lên làm thủ tướng. Có khả năng lực lượng này sẽ thúc đẩy một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại hạ viện.

Hạ viện Malaysia dự kiến sẽ bắt đầu họp từ ngày 9/3. Đây sẽ là “mặt trận” đấu tranh tiếp theo giữa các phe phái ủng hộ các nhân vật khác nhau trên chính trường Malaysia.

Hiện tại, với thành phần chính là đảng Bersatu, UMNO, PAS và các nghị sĩ đào tẩu từ PKR, phe ủng hộ ông Muhyiddin cũng đang phải đối mặt với nhiều trở ngại.

Việc phân bổ các vị trí lãnh đạo trong đảng sẽ được tiến hành như thế nào, khi UMNO đang là lực lượng chiếm số ghế nhiều nhất?

Cuộc bầu cử hạ viện hồi tháng 5/2018 đã đưa PH, bao gồm Bersatu, lên nắm quyền, một phần quan trọng là vì cử tri mong muốn hạ bệ những chính trị gia UMNO bị cáo buộc là “tham nhũng và chuyên quyền.”

Nay ông Muhyiddin sẽ phải đưa lãnh đạo của các phe phái, trong đó UMNO, vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt trong chính phủ mới, điều chắc chắn gây phản ứng trong cử tri Malaysia.

Đây sẽ là lý do để phe phản đối Muhyiddin “phản kích.” Có thể nói trong những ngày tới, chính trường Malaysia sẽ tiếp tục biến động khó lường.

Về phía người dân Malaysisa, nhiều ý kiến đã bày tỏ “chán nản” với những gì đang diễn ra trên chính trường.

Người dân chỉ mong muốn chính phủ quan tâm đến quyền lợi của họ, muốn chính phủ đưa đất nước thoát ra khỏi những khó khăn về kinh tế thay vì các chính đảng lao vào “cuộc chiến phe phái.”

Thực sự người dân Malaysia đang mong muốn những thay đổi cơ bản và triệt để trên chính trường, theo đó, quyền lực phe phái phải được xếp sau lợi ích của người dân và đất nước. Tuy nhiên, với tình hình chính trị tại Malaysia, điều này có lẽ còn cần phải có một thời gian dài.

Bên cạnh đó, vấn đề kinh tế cũng đặt ra thách thức. Ông Muhyiddin lên nắm quyền trong bối cảnh bất ổn về chính trị đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh tế-xã hội của đất nước, vốn đang gặp nhiều khó khăn do sự bùng phát dịch bệnh COVID-19 cũng như những tác động của tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu những năm qua.

Một số lĩnh vực sản xuất cũng như dịch vụ, đặc biệt là lĩnh vực du lịch, đang bị ảnh hưởng nặng nề. Các chỉ số kinh tế đều đang diễn biến theo xu hướng xấu đi.

Do đó, duy trì ổn định của nền kinh tế vĩ mô được coi là ưu tiên cao nhất của tân Thủ tướng Muhyiddin.

Chính phủ của ông sẽ tiếp tục tìm cách giảm lạm phát, giảm chi phí sinh hoạt để nâng cao đời sống cho người dân, duy trì niềm tin của người tiêu dùng, đồng thời thu hút hơn nữa đầu tư nước ngoài.

Các doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong nước cũng kỳ vọng nhận được sự ủng hộ của chính phủ để có thể nâng cao khả năng cạnh tranh trên toàn cầu.

Là một người có nhiều kinh nghiệm về quản lý, ông Muhyiddin có cơ sở để tiến hành những cải cách, mang đến một bộ mặt mới cho bộ máy chính quyền của đất nước và đáp ứng sự mong đợi của người dân.

Vấn đề là ông phải vượt qua được sự phản đối của các phe phái khác để có cơ hội đưa Malaysia bước vào một giai đoạn ổn định mới.

Chặng đường thử thách của tân Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin ảnh 2(Nhấp chuột để xem kích thước chuẩn)
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục