Chính sách ngoại giao dầu mỏ tác động tới cuộc bầu cử Mỹ

Nếu Tổng thống Trump tái đắc cử, chính quyền nhiệm kỳ hai của ông có thể cảm thấy được trao quyền để tiếp tục hoặc thậm chí thắt chặt sự kiềm chế hiện nay đối với xuất khẩu dầu.
Chính sách ngoại giao dầu mỏ tác động tới cuộc bầu cử Mỹ ảnh 1Cơ sở lọc dầu Wilmington của Mỹ ở Los Angeles, California, ngày 21/4/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo Reuters, lượng tiêu thụ xăng dầu giảm đã làm sâu sắc hơn sự cạnh tranh giữa các nhà sản xuất dầu lớn, đồng thời góp phần vào cuộc chiến về sản lượng dầu theo chu kỳ và cạnh tranh về giá trong cuộc chiến giành thị phần của các nhà xuất khẩu dầu mỏ.

Đến thời điểm hiện tại, ba nhà sản xuất dầu lớn là Nga, Mỹ và Saudi Arabia đã đạt được thỏa thuận về bình ổn giá dầu trong giai đoạn đại dịch COVID-19 và tình trạng tiêu thụ dầu giảm sâu nhất trong lịch sử của ngành công nghiệp này.

Tuy nhiên, thỏa thuận bình ổn giá dầu rất mong manh và phụ thuộc vào sản lượng thực tế của ba nhà sản xuất lớn khác là Venezuela, Iran và Libya, vốn vẫn chưa hứa hẹn đóng góp nhiều cho thị trường này trong tương lai gần.

Cuộc nội chiến và lệnh trừng phạt của Mỹ đã làm giảm khoảng 5 triệu thùng mỗi ngày tổng sản lượng của cả ba nhà sản xuất này so với mức đỉnh tương ứng của họ trong hai thập kỷ trước.

Việc bình ổn giá dầu, với sản lượng của Mỹ, Nga và Saudi Arabia gần với mức hiện tại, phụ thuộc vào mức sản lượng thiếu hụt đó trên thị trường trong trung hạn.

Nếu cuộc nội chiến tại Libya được giải quyết, hoặc lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Venezuela hoặc Iran được nới lỏng, thị trường sẽ có thêm hàng triệu thùng dầu.

Câu hỏi quan trọng là liệu lệnh cấm vận kinh tế của Mỹ đối với Venezuela và Iran có kéo dài trong vài năm tới, và liệu việc phong tỏa trên thực tế đối với xuất khẩu của Libya do cuộc nội chiến có tiếp tục.

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới sẽ đánh dấu bước ngoặt tiềm tàng trong chính sách của Mỹ đối với cả ba nước này, với những tác động quan trọng cho thị trường dầu mỏ.

Các lệnh trừng phạt

Ngoại giao và các chính sách trừng phạt của Mỹ đã gắn kết chặt chẽ với cuộc cách mạng đá phiến trong nước; chi phối ở cả hai hướng. Bằng cách giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu dầu thô, kích thích sản xuất toàn cầu và giảm rủi ro từ việc giá cả tăng, cuộc cách mạng đá phiến đã thúc đẩy các nhà hoạch địch chính sách Mỹ theo đuổi các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn đối với Venezuela và Iran.

Trong thế giới thời kỳ trước cách mạng đá phiến, khi sản lượng không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, các lệnh trừng phạt có giá trị kinh tế tiềm năng cao với việc giá cả tăng; sản lượng đá phiến dồi dào đã hạ thấp rủi ro kinh tế.

Cùng lúc đó, bằng cách loại bỏ các đối thủ cạnh tranh như Iran và Venezuela khỏi thị trường, chính sách trừng phạt của Mỹ đã tạo ra không gian cho đá phiến phát triển, trong khi hạn chế tác động đối với các nhà sản xuất khác.

Nếu không có các lệnh trừng phạt, cuộc cách mạng đá phiến có lẽ đã đạt đến đỉnh điểm sớm hơn nhiều. Nếu không có đá phiến, các nhà hoạch định chính sách Mỹ có thể sẽ thận trọng hơn trong việc cắt giảm sản lượng dầu xuất khẩu từ Venezuela, Iran và ở một mức độ nào đó là Libya.

Lệnh trừng phạt của Mỹ đã định hình thị trường dầu mỏ, trong khi cuộc cách mạng đá phiến đã tăng tính hữu ích và hiệu quả của các chính sách trừng phạt. Đây là hai yếu tố tác động không thể tách rời.

Bầu cử

Hầu hết kết quả thăm dò dư luận cho thấy ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden đang dẫn trước đương kim tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump. Ba tháng trước khi cuộc bầu cử diễn ra, mọi nỗ lực để dự đoán kết quả đều là vô ích, tuy nhiên dường như có ít nhất 50% khả năng Nhà Trắng sẽ đổi chủ vào tháng 1/2021.

Trong nhiều lĩnh vực của chính sách đối ngoại, dường như sẽ có sự tiếp nối đáng kể giữa chính quyền Tổng thống Trump và chính quyền Biden tiềm năng trong tương lai. Lấy Trung Quốc làm ví dụ, đã có sự đồng thuận lớn ở cả hai đảng về việc cần thiết phải có cách tiếp cận đối đầu hơn. Tuy nhiên, chính sách năng lượng và trừng phạt là những lĩnh vực có khả năng phải xem xét lại một cách thấu đáo và cần một thay đổi về chất cũng như cách thức tiến hành.

[Thị trường dầu mỏ biến động trái chiều trước lo ngại về dịch COVID-19]

Chính quyền của Tổng thống Trump có liên quan mật thiết với các nhà sản xuất dầu trong nước, Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất và các nhóm đối lập tại Venezuela. Các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran và Venezuela (và ở chừng mực nào đó là cả Libya) vì thế đóng khung các mục tiêu kinh tế, ngoại giao và chính trị đối với chính quyền.

Chính quyền Biden tiềm năng có ít mối liên quan đến bất kỳ điều nào trong những lợi ích trên, và có thể cân nhắc dùng chúng để chống lại đối thủ trong cuộc bầu cử. Nếu Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11 tới, rất có thể sẽ có sự thay đổi đáng kể trong chính sách dầu mỏ cả ở trong nước và với quốc tế.

Chính sách ngoại giao

Chính quyền Biden nhiều khả năng sẽ theo đuổi quá trình chuyển giao chính trị đã được đàm phán tại Venezuela; có thể theo đuổi một thỏa thuận hạt nhân mới với Iran; và nhiều khả năng sẽ hối thúc việc chấm dứt cuộc chiến tại Libya.

Với Iran, chính quyền Biden có thể sẽ khôi phục thỏa thuận hạt nhân đã được chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama đàm phán, với những hạn chế bổ sung để đổi lại việc nới lỏng lệnh trừng phạt. Tại thời điểm này, chưa thể đoán được kết quả bầu cử cũng như chính sách của chính quyền Trump hay chính quyền Biden.

Nếu Tổng thống Trump tái đắc cử, chính quyền nhiệm kỳ hai của ông có thể cảm thấy được trao quyền để tiếp tục hoặc thậm chí thắt chặt sự kiềm chế hiện nay đối với xuất khẩu dầu.

Tuy nhiên, cũng có xác suất về việc nới lỏng lệnh trừng phạt của Mỹ và hạn chế xuất khẩu dầu đối với ít nhất một trong ba nhà sản xuất dầu lớn trong 4 năm tới. Và nếu Libya, Venezuela hoặc Iran lại nổi lên như một nhà xuất khẩu dầu quan trọng, giá cả và sản lượng dầu từ ba nhà sản xuất dầu lớn này sẽ được điều chỉnh và nhiều khả năng giá dầu sẽ giảm trong cả chu kỳ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục