Chủ tịch Hạ viện Indonesia kêu gọi ASEAN hợp tác để kiềm chế đại dịch

Chủ tịch Hạ viện Indonesia cho rằng có rất nhiều hợp tác mà các quốc gia thành viên ASEAN có thể thực hiện nhằm kiềm chế đại dịch như chia sẻ thông tin, hợp tác cung ứng vaccine, thiết bị y tế.
Chủ tịch Hạ viện Indonesia kêu gọi ASEAN hợp tác để kiềm chế đại dịch ảnh 1Chủ tịch Hạ viện Indonesia Puan Maharani. (Nguồn: dpr.go.id)

Chủ tịch Hạ viện Indonesia Puan Maharani nhấn mạnh rằng đại dịch COVID-19 cho thấy tầm quan trọng của hợp tác quốc tế để đối phó với các thách thức toàn cầu, đồng thời là phép thử đối với sự vững chắc của các quốc gia thành viên ASEAN và liệu khối này có thể vượt qua, cũng như phát triển mạnh mẽ hơn hay không.

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, phát biểu tại phiên toàn thể thứ nhất Đại hội đồng lần thứ 42 Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA-42), Chủ tịch Hạ viện Indonesia cho rằng có rất nhiều hợp tác mà các quốc gia thành viên ASEAN có thể thực hiện nhằm kiềm chế đại dịch như chia sẻ thông tin, hợp tác cung ứng vaccine, thiết bị y tế và thuốc men.

Bà Puan cho rằng đại dịch cũng có thể là động lực để các quốc gia thành viên ASEAN phát triển toàn diện hơn và xanh hơn trong thời gian tới, không chỉ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ mà còn cả tăng trưởng chất lượng, đồng thời giải quyết bất bình đẳng trong cộng đồng và phân phối công bằng kết quả phát triển.

Bà Puan đánh giá AIPA-42 thể hiện hy vọng rằng hợp tác nghị viện có thể giúp cải thiện kết nối kỹ thuật số giữa các quốc gia thành viên ASEAN.

Đại dịch COVID-19 đã gây ra sự gián đoạn trong nhiều lĩnh vực. Một số nhóm cộng đồng có thể thích ứng nhanh hơn với sự gián đoạn này, trong khi một số nhóm khác cần nỗ lực nhiều hơn để thích nghi và đôi khi cần sự giúp đỡ của Nhà nước. Do vậy, các nước thành viên ASEAN cần thúc đẩy hợp tác và trao đổi thông tin để thu được nhiều lợi ích hơn từ công nghệ số.

[AIPA-42: Tăng cường hợp tác quốc tế để cùng vượt qua đại dịch COVID-19]

Theo bà Puan, hợp tác nói trên có thể được thực hiện trong 4 lĩnh vực. Một là, hợp tác tăng cường khả năng truy cập Internet với giá cả phải chăng cho tất cả mọi người, qua đó giảm khoảng cách kỹ thuật số.

Hai là, hợp tác đào tạo và nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực nhằm tận dụng tối đa công nghệ kỹ thuật số, chống lại tin giả và các thông tin sai lệch.

Ba là, hợp tác xây dựng các chính sách tăng cường kết nối kỹ thuật số và đảm bảo an ninh cho hoạt động kỹ thuật số như an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân và bảo vệ người tiêu dùng.

Bốn là, hợp tác thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đào tạo và nghiên cứu về công nghệ số.

Cùng với các nỗ lực khai thác tối đa công nghệ kỹ thuật số để tăng trưởng kinh tế, ASEAN cũng cần quan tâm đến hội nhập kỹ thuật số bằng cách mở rộng truy cập Internet cho tất cả mọi người. Công nghệ kỹ thuật số cần được sử dụng để giúp xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy bình đẳng kinh tế.

Việc sử dụng công nghệ số cũng cần được thúc đẩy nhằm tạo điều kiện cho thanh niên tiếp cận giáo dục và các cộng đồng nghèo tiếp cận các cơ sở y tế.

Cùng với Chính phủ, các Nghị viện thành viên AIPA cần đảm bảo rằng hội nhập kỹ thuật số có thể góp phần thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.

Cuối cùng, Chủ tịch Hạ viện Indonesia Puan Maharani cho rằng song song với các nỗ lực ứng phó với đại dịch COVID-19 một cách hiệu quả, ASEAN cần đảm bảo tình hình ổn định và có lợi ở khu vực Đông Nam Á, qua đó hỗ trợ cho sự phát triển dân chủ, pháp quyền và tôn trọng nhân quyền.

Theo bà Puan, việc giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng chính trị ở Myanmar cần được tiến hành ngay lập tức thông qua quá trình đối thoại toàn diện. Đồng thuận 5 điểm của các nhà lãnh đạo ASEAN cần sớm được tiếp tục và Đặc phái viên của ASEAN phải được tiếp cận để gặp gỡ tất cả các bên tại quốc gia này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục