Chủ tịch Vinatex: 'Phải cải thiện vị thế dệt may trong chuỗi cung ứng'

Đối với dệt may Việt Nam lúc này, sẽ không phải quá chú tâm vào việc tăng quy mô, mà điều quan trọng là cải thiện vị thế được nằm trong chuỗi cung ứng của những sản phẩm càng có giá trị cao.
Chủ tịch Vinatex: 'Phải cải thiện vị thế dệt may trong chuỗi cung ứng' ảnh 1Qui mô Dệt may Việt Nam hiện đứng vị trí thứ 2 thế giới. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong 6 tháng đầu năm, dù kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, song Dệt may Việt Nam đã đạt được những kết quả nổi bật khi xuất khẩu ước đạt 22,3 tỷ USD, đạt mức tăng trưởng 17,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho biết đối với dệt may Việt Nam lúc này, sẽ không phải quá chú tâm vào việc tăng quy mô, mà điều quan trọng là phải cải thiện vị thế được nằm trong chuỗi cung ứng của những sản phẩm càng có giá trị cao, làm được nhiều khâu trong chuỗi cung ứng...

Mục tiêu 42-43 tỷ USD là khả thi 

- Trước kết quả 6 tháng đầu năm rất khả quan, xin ông cho biết những dự báo tiếp theo trong 6 tháng cuối năm của ngành Dệt may Việt Nam?

Ông Lê Tiến Trường: Tình hình thị trường 6 tháng cuối năm sẽ có nhiều diễn biến phức tạp và biến động đòi hỏi phải giám sát từng ngày, từng giờ để điều chỉnh. Bởi đó không phải là thị trường bình đẳng, theo quy luật thị trường để có thể nói rằng hàng dệt may sẽ hoàn thành bao nhiêu tỷ USD xuất khẩu.

Lúc này, kim ngạch xuất khẩu là một chỉ tiêu mang tính định hướng. Quan trọng nhất là doanh nghiệp làm xuất khẩu vẫn duy trì hiệu quả, hay ít nhất là không thua lỗ để có thể chịu đựng trong dài hạn.

Tất nhiên, dù cho điều kiện không mấy thuận lợi, chỉ tiêu xuất khẩu 42-43 tỷ USD, thậm chí đến 44 tỷ USD của năm nay đối với dệt may vẫn nằm trong diện khả thi. Chúng ta vẫn có thể hy vọng, nhưng cần kiểm soát chặt tình hình để đảm bảo hiệu quả và đạt được kết quả nhưng dự báo.

Về phía mình, Vinatex sẽ áp dụng mọi biện pháp để giữ được việc làm, đơn hàng, khách hàng, không thua lỗ để giữ vững kết quả sản xuất-kinh doanh 6 tháng đầu năm.

- Trước tình hình biến động của giá nguyên liệu, các doanh nghiệp dệt may kế hoạch thích ứng tình hình này ra sao và lượng đơn hàng của doanh nghiệp Vinatex như thế nào?

Ông Lê Tiến Trường: Đối với ngành may, đơn hàng tương đối ổn đến hết quý 4. Cái khó nhất của ngành không phải là đơn hàng mà là các công ty sẽ mua nguyên liệu với giá nào? Với điều kiện hiện nay, giá cả nguyên liệu trên thị trường thay đổi hàng ngày.

Thứ hai là kiểm soát được chuỗi cung ứng để xem thời hạn giao hàng có đảm bảo kịp đơn hàng không, bởi vì đứt gãy chuỗi logistics vẫn đang là thách thức chung không chỉ riêng đối với ngành dệt may.

[Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Hóa giải thách thức của ngành dệt may]

Đối với ngành sản xuất nguyên liệu, lớn nhất vẫn là yếu tố đầu vào. Cũng như ngành sợi và bông, các loại sợi tự nhiên và xơ hóa học đều biến động lên hoặc xuống cùng với giá dầu trên thế giới.

Khó nhất của sản xuất nguyên liệu là bắt buộc phải mua sớm vì thời gian giao hàng là 3 tháng. Khi chúng ta không kiểm soát được chu kỳ lên xuống, mức độ giao động của thị trường thì các doanh nghiệp chỉ có giải pháp là mua nguyên liệu đủ dùng, không mua những lô lớn và không mua quá dài.

Chủ tịch Vinatex: 'Phải cải thiện vị thế dệt may trong chuỗi cung ứng' ảnh 2Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinatex. (Ảnh: PV/Vietnam+)

- Vậy Vinatex có chủ trương mở rộng thị trường hay không?

Ông Lê Tiến Trường: Thực ra chúng ta đều biết rằng dệt may Việt Nam quy mô thứ 2 trên thế giới, gần như không còn địa điểm nào, thị trường có quy mô khá nào mà chúng ta chưa tiếp cận.

Việt Nam đã xuất khẩu đi Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác. Tại thị trường Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc thị phần của ngành dệt may Việt Nam đã đứng thứ hai, thậm chí đã xuất khẩu sang Trung Quốc với quy mô 5-6 tỷ USD/năm.

Như vậy, những quốc gia chính của thị trường thế giới đã chiếm đến 90% lượng tiêu thụ hàng hóa dệt may thế giới, chúng ta đều có mặt. Khái niệm thị trường mới đối với dệt may Việt Nam không phải là một kênh mới, quốc gia mới mà khái niệm thị trường mới ở đây là sự ra nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu mà trước đây chúng ta chỉ là những người được làm gia công khi thuận lợi.

Hiện Việt Nam đã trở thành thành viên ưu tiên trong chuỗi cung ứng để không phải để tăng về lượng mà quan trọng là Việt Nam đã được các khách hàng luôn được ưu tiên các đơn hàng trước. Còn với quy mô 40-45 tỷ USD, thực tế tìm thị trường mới để tăng 500 triệu USD cũng sẽ rất khó.

Tôi thấy rằng, tất cả thị trường lớn chúng ta đều có mặt, nhưng có mặt bằng cách nào, có mặt ở vị thế như thế nào mới là điều cần quan tâm? Đối với dệt may Việt Nam lúc này, sẽ không phải quá chú tâm vào tăng quy mô, mà điều quan trọng là cải thiện vị thế được nằm trong chuỗi cung ứng của những sản phẩm càng có giá trị cao, làm được nhiều khâu trong chuỗi cung ứng...

Xây dựng vị thế tốt hơn trong chuỗi cung ứng

- Làm thế nào để nâng tầm vị thế Việt Nam trước việc giá cả không phải là vấn đề cạnh tranh, thưa ông?

Ông Lê Tiến Trường: Hiện giá của Việt Nam không phải là lợi thế để cạnh tranh nhưng thị trường dệt may thế giới vẫn cạnh tranh bằng giá, điều này có nghĩa chúng ta đã mất đi ưu thế về giá rẻ, nên cần phải có những lợi thế khác để bù đắp vào.

Một trong những yếu tố bù vào mà các chuỗi cung ứng quan tâm đó là khả năng cung ứng trọn gói, thay vì việc gặp các doanh nghiệp Việt Nam chỉ làm một khâu may.

Điều này đòi hỏi ngành Dệt May Việt Nam phải sản xuất được cả sợi, vải và may. Bên cạnh đó, ngành cần tiên phong làm những sản phẩm xanh, sản phẩm tái chế và định hướng tới là sản phẩm tuần hoàn.

Tại châu Âu và các nước đều đánh giá hàng hóa dệt may là một trong các nguồn rác thải rắn lớn nhất trên thế giới, sau khi sử dụng xong, không tái chế được, không tuần hoàn được và trở thành rác chung của toàn cầu.

Đây là một thách thức nhưng cũng là một cơ hội cho những người đi sau như Việt Nam so với các quốc gia hàng đầu về dệt may như Trung Quốc, Hàn Quốc. Việc đi sau, đi chậm sẽ giúp chúng ta chọn được con đường để đi, có thể đi tắt, định hướng các sản phẩm tuần hoàn, qua đó xây dựng vị thế tốt hơn trong chuỗi cung ứng.

Mỗi ngày, yêu cầu về nền kinh tế tuần hoàn càng tác động lớn hơn, hướng tới năm 2050 là rác thải cân bằng, còn Việt Nam đã cam kết đến năm 2030 giảm thiểu 30% khí thải metan, các doanh nghiệp dệt may cần bám sát theo lộ trình quốc gia đó để cam kết thúc đẩy. 

- Xuất khẩu dệt may 6 tháng qua các năm gần đây:

Chủ tịch Vinatex: 'Phải cải thiện vị thế dệt may trong chuỗi cung ứng' ảnh 3

- Với xu thế hiện nay, quá trình xanh hóa của dệt may Việt Nam sẽ như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Tiến Trường: Xanh hóa của dệt may Việt Nam có ba yếu tố cơ bản, gồm: Thứ nhất là năng lượng xanh. Đây là một quá trình các doanh nghiệp nỗ lực để tự cân bằng lượng điện tiêu dùng của mình. Đối với doanh nghiệp dệt may, lượng điện rất lớn.

Để giải quyết vấn đề này, các doanh nghiệp trong Vinatex đã triển khai lắp đặt điện Mặt Trời trên các mái của các xưởng. Đối với ngành sợi lượng tiêu thụ điện lớn, việc lắp đặt điện mặt trời có thể đáp ứng được 20% tổng lượng điện tiêu thụ. Còn với ngành May, điện Mặt Trời có thể đáp ứng được nhiều hơn, có nơi tới 35% tổng lượng tiêu thụ.

Thứ hai là dùng nguyên liệu sạch. Từ hóa chất, thuốc nhuộm, đến các nguồn nguyên liệu như bông, xơ… Vinatex đều sử dụng nguồn nguyên liệu có nguồn gốc và chứng nhận sạch. Điều này giúp các sản phẩm của dệt may được truy xuất là sản phẩm xanh.

Thứ ba là môi trường lao động xanh, đảm bảo cho người lao động môi trường àm việc đạt các tiêu chuẩn về điều kiện vệ sinh an toàn công nghiệp, đáp ứng các yêu cầu của hệ thống các nhà mua hàng trên thế giới theo từng chu kỳ.

Ví dụ tại Mỹ, có hơn 110.000 doanh nghiệp hiện đang áp dụng theo tiêu chuẩn này với các yêu cầu về thiết kế nhà máy, sử dụng năng lượng và nguồn nguyên liệu…

Việc áp dụng xanh hóa theo tiêu chuẩn quốc tế không chỉ giúp các doanh nghiệp được đánh giá và được công nhận của các bên, mà còn giúp các sản phẩm được khách hàng lựa chọn.

- Xin cảm ơn ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục