Chứng khoán châu Á tăng điểm trong chiều 26/3, nhờ báo cáo việc làm của Mỹ lạc quan hơn dự báo và Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết tăng gấp đôi mục tiêu tiêm chủng.
Những thông tin trên đã xoa dịu phần nào nỗi lo lắng gần đây về tình trạng số ca mắc mới COVID-19 gia tăng ở châu Âu, cùng các lệnh phong tỏa đi kèm.
Phiên này, chỉ số Nikkei-225 tại Tokyo (Nhật Bản) tăng 446,82 điểm (1,56%) lên khép phiên ở mức 29.176,7 điểm.
Chứng khoán Hàn Quốc ghi nhận phiên tăng điểm thứ hai liên tiếp, với chỉ số Kospi tại Seoul tăng 32,68 điểm (1,09%) và đóng cửa ở mức 3.041,01 điểm.
Thị trường Trung Quốc cũng đồng loạt đi lên trong phiên này. Chỉ số Hang Seng tăng 436,82 điểm (1,57%) lên 28.336,43 điểm, trong khi chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải cộng thêm 54,74 điểm (1,63%) lên 3.418,33 điểm.
Chứng khoán Mumbai và Taipei cùng tăng hơn 1%, còn Sydney, Singapore, Jakarta và Bangkok cũng trong vùng tăng điểm.
Các số liệu khả quan về việc làm của Mỹ được đưa ra khi ông Biden tổ chức cuộc họp báo đầu tiên trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình. Tại sự kiện này, ông cam kết sẽ tiêm chủng 200 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho người dân trong 100 ngày cầm quyền đầu tiên của mình.
Cam kết đó đã làm dấy lên hy vọng rằng những biện pháp hạn chế đi lại nghiêm ngặt có thể được dỡ bỏ dần dần, cho phép cuộc sống tại Mỹ trở lại bình thường sớm hơn và giúp người dân chi tiêu trở lại.
[Hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á lên điểm trong phiên 25/3]
Nhưng triển vọng tích cực cũng khiến nhà đầu tư lo về một khoản chi tiêu khổng lồ - bên cạnh gói kích thích 1.900 tỷ USD vừa được thông qua - sẽ khiến lạm phát tại Mỹ tăng vọt.
Kịch bản đó sẽ buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt các chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo của mình - vốn là trụ cột chính của một năm thị trường tăng gần như liên tục.
Dù Chủ tịch Fed Jerome Powell đã nhiều lần tuyên bố sẽ không tăng lãi suất cho đến khi lạm phát tăng trưởng “nóng” trong một thời gian dài, các nhà giao dịch đang ngày càng đặt cược vào việc ngân hàng trung ương này sẽ phải nâng lãi suất sớm hơn dự kiến.
Các nhà đầu tư cũng chú ý theo dõi diễn biến dịch COVID-19 ở châu Âu, nơi giới lãnh đạo đang chật vật để triển khai các chương trình tiêm chủng đồng thời cố gắng ngăn chặn một làn sóng lây nhiễm khác.
Đức và Pháp là hai trong số những quốc gia đã phải tái áp đặt các biện pháp ngăn chặn dịch nghiêm ngặt. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng nền kinh tế châu Âu sẽ mất nhiều thời gian hơn để thoát khỏi cuộc khủng hoảng so với Mỹ và Anh, nơi việc tiêm chủng đang tăng tốc.
Tại thị trường Việt Nam, kết thúc phiên giao dịch ngày 26/3, chỉ số VN - Index giảm 0,89 điểm (0,08%) xuống 1.162,21 điểm, trong khi HNX - Index tăng 3,77 điểm (1,41%) lên 270,96 điểm./.