Chứng khoán châu Á tiếp tục trượt dốc, xuống mức thấp nhất 4 năm

Chứng khoán châu Á lại giảm xuống gần mức thấp nhất trong bốn năm qua, giữa bối cảnh giá dầu thế giới mất tới 20% trong chưa đầy hai tuần.
Chứng khoán châu Á tiếp tục trượt dốc, xuống mức thấp nhất 4 năm ảnh 1Chứng khoán châu Á đi xuống. (Nguồn: ctvnews.ca)

Trong phiên giao dịch ngày 12/1, chứng khoán châu Á lại giảm xuống gần mức thấp nhất trong bốn năm qua, giữa bối cảnh giá dầu thế giới mất tới 20% trong chưa đầy hai tuần qua. Thêm vào đó, tậm lý thận trọng của giới đầu tư về sự bất ổn của thị trường tài chính Trung Quốc.

Khép lại phiên này, chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) đã để tuột đà tăng ở đầu phiên và đảo chiều giảm 0,2%, xuống gần mức thấp nhất trong gần bốn năm qua. Như vậy, chỉ số MSCI đã giảm hơn 8% kể từ đầu năm 2016, sau khi để mất 12% trong cả năm 2015.

Đây có thể được coi là một trong những năm có khởi đầu tồi tệ nhất của chứng khoán châu Á, với việc thị trường chứng khoán Trung Quốc đã phải hai lần đóng cửa sớm do sự sụt giảm quá mạnh của các chỉ số, khiến cơ chế "tự động ngừng giao dịch" được kích hoạt.

Tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tiếp tục chuỗi ngày giảm dài kỷ lục bắt đầu từ tuần trước và xóa tan nỗ lực tăng điểm đạt được trong cả năm 2015 khi đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ cuối tháng Chín.

Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này là do giá dầu giảm sâu khiến các cổ phiếu ngành năng lượng hạ theo. Kết thúc phiên này, Nikkei 225 mất 479 điểm (2,71%), xuống 17.218,96 điểm.

Tại thị trường Sydney, chỉ số S&P/ASX 200 của Australia cũng hạ 0,1%, còn chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 0,2%. Trong khi đó, chỉ số Hang Seng của Hong Kong cũng không duy trì được đà tăng đến cuối phiên khi giảm 176,74 điểm (0,89%), đóng cửa ở mức 19.711,76 điểm.

Tuy nhiên, đi ngược với xu hướng trên, tại thị trường chứng khoán Thượng Hải (Trung Quốc), chỉ số Shanghai Composite lại ngược dòng đi lên sau khi diễn biến ảm đạm trong gần như cả phiên và ghi nhận mức giảm hơn 5% ở phiên giao dịch trước đó.

Động lực giúp chỉ số này đảo chiều là do giới đầu tư hy vọng Chính phủ Trung Quốc sẽ sớm đưa ra các biện pháp mới nhằm kích thích tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Khép lại phiên giao dịch ngày 12/1, Shanghai Composite ghi thêm 6,16 điểm (0,20%), lên 3.022,86 điểm.

Dù vậy, chứng khoán Trung Quốc vẫn khởi đầu năm 2016 không mấy suôn sẻ khi mà tính từ đầu năm tới nay, chỉ số Shanghai Composite đã giảm gần 15%.

Toshihiko Matsuno, Giám đốc chiến lược của SMBC Friend Securities Co (trụ sở tại Nhật Bản), cho biết: “Hiện các nhà đầu tư vẫn đang nghi ngại không biết khi nào xu hướng đồng NDT yếu và chứng khoán Trung Quốc mất điểm mới kết thúc. Tâm lý thận trọng trước triển vọng tiêu cực của kinh tế Trung Quốc vẫn đang là một trong những nhân tố chính đang chi phối diễn biến thị trường tài chính toàn cầu”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục