Chuyên gia dự báo giá vé máy bay sẽ vẫn "cao ngất" trong thời gian dài

Riêng tại Pháp, trung bình giá vé máy bay tháng Tư vừa qua cao hơn 32,6% so với cùng kỳ bốn năm trước đó, riêng giá vé máy bay đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương tăng tới 51%.
Chuyên gia dự báo giá vé máy bay sẽ vẫn "cao ngất" trong thời gian dài ảnh 1Số liệu của cơ quan hàng không dân dụng Pháp cho thấy trung bình giá vé máy bay tháng Tư ở nước này cao hơn 32,6% so với cùng kỳ bốn năm trước đó. (Ảnh minh họa: AFP/TTXVN)

Các chuyên gia trong lĩnh vực hàng không dự báo tuy giá dầu giảm nhưng giá vé máy bay có thể vẫn ở mức cao trong thời gian tới.

Giá vé máy bay vốn đã tăng cao sau khi nhu cầu đi lại hàng không dần phục hồi từ năm 2022 do các nước dỡ bỏ các biện pháp hạn chế liên quan đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, năm nay, ngay khi các hãng hàng không dự kiến rằng số lượng hành khách sẽ hồi phục về mức trước đại dịch cũng là lúc giá vé máy bay thực sự tăng nhanh.

Tại Pháp, số liệu của cơ quan hàng không dân dụng nước này cho thấy trung bình giá vé máy bay tháng Tư cao hơn 32,6% so với cùng kỳ bốn năm trước đó. Riêng giá vé máy bay đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương tăng tới 51%.

Tại Mỹ, chỉ số do Cục Dự trữ liên bang chi nhánh St Louis công bố cho thấy giá vé máy bay tăng 11% giữa tháng 4/2019 và tháng 4/2023. Giá vé vẫn tăng dù giá dầu đã giảm từ mức cao nhất vào đầu năm 2022 khi cuộc xung đột Ukraine nổ ra.

[IATA kỳ vọng ngành hàng không châu Á-TBD phục hồi trong năm nay]

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) ước tính giá nhiên liệu sẽ giảm xuống mức trung bình là 98,5 USD/thùng trong năm nay, thấp hơn nhiều so với mức 135,6 USD/thùng vào năm ngoái.

Chiếm khoảng 25%-30% chi phí của các hãng hàng không, nhiên liệu thường là yếu tố tác động đáng kể tới giá vé. Tuy nhiên, theo nhà kinh tế trưởng của IATA, bà Marie Owens Thomsen, các yếu tố như chi phí lao động và các chi phí khác liên quan chuỗi cung ứng vẫn đang ngày càng tăng.

Các hãng hàng không sẽ phải tìm cách để bù đắp cho những chi phí này nếu không muốn trở lại thời kỳ thua lỗ ngay khi vừa mới phục hồi và còn đang "còng lưng" trả những khoản nợ khổng lồ chồng chất từ đại dịch COVID-19.

Theo ông Vik Krishnan, chuyên gia lĩnh vực hàng không tại hãng tư vấn chiến lược McKinsey, vấn đề chính hiện nay không còn nằm ở giá dầu mà ở thực tế rằng nhu cầu đang quá cao trong khi năng lực vận chuyển chưa thể đáp ứng kịp thời.

Danh sách nhận đặt hàng của các hãng chế tạo máy bay đã có lúc đầy cho đến cuối thập niên này nhưng ngay lúc này, các hãng vẫn chật vật để hoàn thành mục tiêu bàn giao vì thiếu các bộ phận hoặc vật liệu.

Bên cạnh đó, lương nhân công cũng đang là một vấn đề gai góc. Chuyên gia Geoffrey Weston của công ty tư vấn Bain&Company cho rằng nhiều hãng hàng không phải điều chỉnh hợp đồng với nhân viên, từ phi hành đoàn, đội ngũ phục vụ trên máy bay đến toàn bộ chuỗi cung ứng gồm nhân viên kiểm soát mặt đất, đội bảo trì... và tất cả đều phải trả mức lương cao hơn đáng kể so với thời kỳ trước đại dịch COVID-19.

Không có nhiều yếu tố có thể giúp giảm giá vé máy bay trong tình hình hiện nay. Và trong bối cảnh các hãng hàng không phải đầu tư hàng trăm, nếu không nói là hàng nghìn, tỷ USD cho các máy bay mới và nhiên liệu tái chế để đạt các mục tiêu phi carbon hóa vào năm 2050, nhà kinh tế Owens Thomsen của IATA cho rằng sẽ không có chuyện giá vé máy bay sẽ giảm trong thời gian ngắn.

Các chi phí đều sẽ tăng cho tới điểm mà tất cả những giải pháp trên đều trở nên khả thi về mặt thương mại và tạo ra một điểm cân bằng. Bà dự báo "điểm may mắn" đó chỉ xảy ra vào khoảng năm 2040./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục