Cơ hội cho sự tự chủ chiến lược và có nhiều tiếng nói hơn của châu Âu

Có ý kiến cho rằng việc một Tổng thống ủng hộ hợp tác xuyên Đại Tây Dương ngồi trong Phòng Bầu dục có thể tiếp tục làm gia tăng sự phụ thuộc của châu Âu vào Mỹ.
Cơ hội cho sự tự chủ chiến lược và có nhiều tiếng nói hơn của châu Âu ảnh 1Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo bài phân tích đăng trên trang mạng của Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế (IAI) Italy, Liên minh châu Âu (EU) nên nhân giai đoạn Tổng thống Mỹ Joe Biden nắm quyền để gia tăng giá trị chiến lược đối với Washington nhằm đối phó với những thách thức đang tồn tại và mới nổi lên.

EU hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn trong một thế giới mà đại dịch COVID-19 tàn phá nền kinh tế từ đầu năm 2020.

Căng thẳng gia tăng giữa các cường quốc cùng làn sóng chủ nghĩa dân tộc hoài nghi châu Âu ngày càng gia tăng đang gây áp lực đối với các dự án hợp nhất châu Âu.

Bên cạnh đó, mối quan hệ “lạnh nhạt” chưa từng có với Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump trong năm 2020 có thể được coi là đỉnh điểm của “cơn bão” làm rúng động nền tảng của EU. Tuy nhiên, sự sụp đổ mà nhiều người lo sợ đã không trở thành hiện thực.

[Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-EU nâng tầm hợp tác song phương]

Ngược lại, tính cấp bách của cuộc khủng hoảng COVID-19 và những hậu quả kinh tế mà đại dịch gây ra đã thúc đẩy các nước thành viên EU hành động. Kết quả là các biện pháp thúc đẩy hội nhập EU đã được xúc tiến nhanh chóng.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã mở rộng chương trình mua tài sản. Hiệp ước Ổn định và Tăng trưởng bị đình chỉ cho tới năm 2022 và Quỹ phục hồi trị giá 750 tỷ euro (898 tỷ USD) được các nước thành viên EU nhất trí vào tháng 7/2020 đã cho phép các thể chế EU điều hòa sự phục hồi kinh tế.

Với một chương trình nghị sự về số hóa và khí hậu đầy tham vọng, Brussels thậm chí có khả năng mở ra cánh cửa hướng tới một liên minh tài chính.

Tuy nhiên, EU vẫn chưa thực sự đạt được thống nhất trong chính sách đối ngoại và quốc phòng. Nhiều ý kiến cho rằng EU cần xây dựng "quyền tự chủ chiến lược" trong liên minh xuyên Đại Tây Dương.

Tuy nhiên, những lợi ích lâu dài tích lũy được từ nhờ sự đảm bảo an ninh của Mỹ tiếp tục khiến hầu hết (nếu không phải tất cả) các nước châu Âu mong muốn điều chỉnh chính sách đối ngoại của họ phù hợp với chính sách của Washington. Đó cũng là lý do nhiều nước kỳ vọng vào chính sách ngoại giao của Tổng thống Joe Biden.

Tuy nhiên, việc một Tổng thống ủng hộ hợp tác xuyên Đại Tây Dương ngồi trong Phòng Bầu dục có thể tiếp tục làm gia tăng sự phụ thuộc của châu Âu vào Mỹ.

Chính quyền Tổng thống Biden đang mở ra cơ hội khởi động lại mối quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương. Tuy nhiên, có thể thấy dưới thời Tổng thống Biden, Mỹ sẽ tiếp tục bị thu hút bởi Thái Bình Dương hơn là Đại Tây Dương.

Căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng sẽ buộc các nước châu Âu tính toán lại những lợi ích của họ. Ví dụ gần nhất là khi EU vội vàng ký kết Hiệp định Đầu tư Toàn diện (CAI) với Trung Quốc vào cuối tháng 12/2020, các quan chức thân cận với Tổng thống Biden đã bày tỏ sự không hài lòng và góp phần làm phức tạp quá trình phê chuẩn hiệp định này.

Sau đó, châu Âu đã đồng ý với đề xuất của Mỹ về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt có phối hợp đối với các quan chức Trung Quốc liên quan đến các cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương (Trung Quốc).

Sau khi Bắc Kinh đáp trả bằng các biện pháp đối phó nhắm vào giới học giả EU và các thành viên của Nghị viện châu Âu (EP), EU không thể không đóng băng việc phê chuẩn CAI.

Trường hợp của CAI cho thấy châu Âu đối mặt với áp lực lớn khi phải đứng về phía Mỹ trong cạnh tranh Mỹ-Trung.

Xét cho cùng CAI được xây dựng nhằm mục tiêu bảo vệ tốt hơn các nhà đầu tư EU ở Trung Quốc, hoặc ít nhất là để tạo ra sân chơi công bằng với các đối thủ cạnh tranh từ Mỹ.

Trong khi Mỹ phản đối quyết liệt việc sử dụng công nghệ và thiết bị của Trung Quốc trong hệ thống mạng viễn thông 5G, một số nước EU lại bị hấp dẫn bởi giá cả phải chăng hơn các lựa chọn khác.

Hầu hết các nước EU đều chia sẻ mối quan ngại của Mỹ về Trung Quốc, đặc biệt là đối với các thông lệ kinh tế không công bằng. Tuy nhiên, các giải pháp do Mỹ đề xuất không phải lúc nào cũng lý tưởng cho các nước châu Âu.

Mặc dù vậy, không nên đánh giá thấp những lợi ích của việc “hồi sinh” mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Khi hợp tác với nước Mỹ dưới thời Tổng thống Biden, châu Âu kỳ vọng vào việc tăng cường quản trị đa phương. Thương mại, thuế doanh nghiệp và khí hậu là ba lĩnh vực chính.

Về thương mại, ông Trump đã kéo EU vào một cuộc chiến thuế quan liên quan đến mặt hàng nhôm thép.

Sau đó, Mỹ và EU áp thuế đối với hàng hóa của nhau sau khi Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), trong hai vụ kiện riêng biệt, đã ra phán quyết rằng cả hai công ty hàng không vũ trụ Airbus và Boeing được hưởng lợi từ viện trợ bất hợp pháp của nhà nước.

Ông Biden đã mất khoảng 5 tháng để đạt được đồng thuận với các đối tác EU về việc đình chỉ thuế quan và bắt đầu các cuộc đàm phán để giải quyết vấn đề dư thừa thép và chấm dứt tranh chấp Airbus-Boeing kéo dài 15 năm.

Về thuế doanh nghiệp, các nước EU từ lâu đã phàn nàn về việc những công ty công nghệ khổng lồ của Mỹ như Amazon, Apple, Facebook hay Google đóng thuế rất ít ở các quốc gia mà họ đang kinh doanh và thu nhiều lợi nhuận.

Cơ hội cho sự tự chủ chiến lược và có nhiều tiếng nói hơn của châu Âu ảnh 2(Nguồn: AP)

Do đó, một số nước trong đó có Pháp, Italy, Tây Ban Nha, và Anh, đã áp dụng thuế kỹ thuật số. Động thái này, theo Chính phủ Mỹ, là phân biệt đối xử đối với các công ty Mỹ.

Vấn đề này “nóng lên” dưới thời Tổng thống Trump khi Mỹ đe dọa sẽ tăng thuế quan đối với các nước EU.

Tuy nhiên, giờ đây chính quyền của ông Biden đang áp dụng một cách tiếp cận khác, theo đó thúc đẩy việc áp dụng mức thuế doanh nghiệp tối thiểu 15% trên toàn cầu.

Đề xuất của Mỹ đã được Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tán thành, cũng đã được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thông qua. Khi cải cách thuế này được áp dụng rộng rãi, một điểm mâu thuẫn mấu chốt trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương sẽ được giải quyết.

Khí hậu là một vấn đề khác mà chính quyền Tổng thống Biden sẵn sàng đối thoại nhiều hơn với châu Âu.

Mỹ đã phản ứng lạnh nhạt với các kế hoạch đánh thuế carbon của EU, đặc biệt là kế hoạch được nêu rõ trong Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon mà Ủy ban châu Âu (EC) công bố gần đây.

Tuy nhiên, việc Mỹ quay trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu thể hiện việc nước này bắt đầu ủng hộ các nỗ lực tăng cường đầu tư để chống biến đổi khí hậu và sự cởi mở ở Washington về vấn đề đánh thuế carbon.

Có thể thấy, châu Âu đang có khuynh hướng tích cực hợp tác với nước Mỹ dưới thời Tổng thống Biden.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo châu Âu có ý kiến khác nhau về việc liên kết chặt chẽ hơn nữa với Washington hay phát triển năng lực hành động riêng của châu Âu - hay quyền tự chủ chiến lược được đề cập ở trên.

Về nguyên tắc, tất cả các nước châu Âu đều đồng ý rằng EU nên xây dựng năng lực chống lại áp lực từ bên ngoài, và tạo ra ảnh hưởng mang tính định hình các tiêu chuẩn công nghệ, khí hậu và công nghiệp trên toàn cầu. Mức độ tự chủ mà EU đã đạt được trong thương mại đã cho thấy một EU gắn kết hơn không phải là mối đe dọa đối với hợp tác xuyên Đại Tây Dương.

Trên thực tế, một EU gắn kết hơn sẽ cân bằng lại mối quan hệ đối tác với Mỹ để châu Âu có nhiều tiếng nói hơn trong các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm.

Nói cách khác, các dự án tự chủ chiến lược của châu Âu sẽ thúc đẩy mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương mạnh mẽ hơn, chứ không phải yếu đi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục