Cơ hội kép phát triển công nghiệp điện gió ngoài khơi tại Việt Nam

Điện gió: 'Cơ hội kép' cung cấp năng lượng xanh, giảm phát thải tại VN

Điện gió ngoài khơi là cơ hội kép cho Việt Nam, cùng với việc cung cấp nguồn năng lượng xanh thì còn hỗ trợ Việt Nam đạt được cam kết tại Hội nghị COP26 nhằm đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Điện gió: 'Cơ hội kép' cung cấp năng lượng xanh, giảm phát thải tại VN ảnh 1Dự án điện gió La Gàn dự kiến cung cấp điện cho hơn 7 triệu hộ gia đình. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Việt Nam nên là gì để khởi động thành công ngành điện gió ngoài khởi cũng như chính sách nào để thu nguồn vốn đầu tư cần thiết và tạo dựng sự tin cậy đối với sự phát triển của ngành... là những câu hỏi lớn được đặt ra tại hội thảo “Thúc đẩy phát triển ngành điện gió ngoài khơi của Việt Nam: Kinh nghiệm quốc tế và các gợi ý chính sách,” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam tổ chức ngày 16/3, tại Hà Nội.

Cơ hội và tiềm năng của điện gió ngoài khơi

Theo ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, điện gió ngoài khơi được đánh giá có thể thay thế năng lượng hóa thạch hiệu quả nhất khi chi phí điện năng trung bình từ điện gió ngoài khơi đã giảm mạnh (khoảng 60% cho giai đoạn 2010-2021).

Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng và cơ hội để phát triển năng lượng gió, với hơn 39% lãnh thổ của Việt Nam có tốc độ gió lớn hơn 6 m/s ở độ cao 65m, đặc biệt có khoảng 8% diện tích lãnh thổ (tương đương 112 GW) được đánh giá tiềm năng năng lượng gió tốt.

[EVN đề xuất phát triển điện gió ngoài khơi khu vực vịnh Bắc Bộ]

Cùng với năng lực kinh nghiệm xây dựng các công trình ngoài khơi, các công trình biển, hệ thống logistics phụ trợ của ngành dầu khí hiện nay, Việt Nam có thể phát huy tốt nội lực để phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi, cùng với sự tham gia của các nhà đầu tư quốc tế, gắn với chuỗi giá trị công nghiệp hỗ trợ và logistics trong những năm tới.

Tại dự thảo Quy hoạch phát triển điện 8, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) do Bộ Công Thương dự thảo, đặt ra mục tiêu sẽ phát triển khoảng 16.121MW điện gió trên bờ và gần bờ cùng khoảng 7.000MW điện gió ngoài khơi vào năm 2030. Tỷ trọng điện gió chiếm khoảng 15,8% tổng công suất hệ thống, trong đó điện gió ngoài khơi là 4,8%.

"Phát triển điện gió ngoài khơi có những cơ hội lớn nhưng đã và đang đối diện với những bài toán lớn, như tính chất phức tạp về kỹ thuât và công nghệ, nguồn vốn lớn và dài hạn, đồng thời nhiều vấn đề lớn cần đặt ra và làm rõ, cụ thể là về quy hoạch, cơ chế, chính sách đầu tư xây dựng, quy định cho thuê, cấp phép, quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định vận hành, cơ chế giá điện của hợp đồng mua bán điện và các quy định về vận hành hệ thống điện, hệ thống cảng biển và phát triển chuỗi cung ứng…," ông Nguyễn Đức Hiển nêu thực tế.

Điện gió: 'Cơ hội kép' cung cấp năng lượng xanh, giảm phát thải tại VN ảnh 2Tiến sỹ Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại hội thảo về điện gió ngoài khơi. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Tại hội thảo, các chuyên gia quốc tế cũng đánh giá cao tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi của Việt Nam, bởi điều kiện tự nhiên thuận lợi với đường biển dài, nguồn gió dồi dào và vùng đáy biển tương đối nông phù hợp cho việc dựng hệ thống móng cố định.

Ngoài ra, Việt Nam có chuỗi cung ứng được thiết lập tốt, có thể sử dụng gần như ngay lập tức hoặc chuyển đổi nhanh chóng để hỗ trợ thực hiện nhiều công đoạn trong quá trình xây dựng hoặc thiết lập hệ thống hạ tầng cần thiết khi phát triển và xây dựng một trang trại gió ngoài khơi, với khả năng cung cấp một lượng điện sạch khổng lồ ở mức giá hấp dẫn, đồng thời, tạo ra nhiều việc làm mới và thu hút đầu tư, điện gió ngoài khơi sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong cơ cấu năng lượng tương lại của Việt Nam.

Dẫn chứng cụ thể hơn, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Nicolai Prytz cho biết điện gió ngoài khơi là cơ hội kép cho Việt Nam, cùng với việc cung cấp nguồn năng lượng xanh và có chi phí hiệu quả cho sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của đất nước thì lĩnh vực này còn hỗ trợ Việt Nam đạt được cam kết tại Hội nghị COP26 đối với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

“Là một trong những quốc gia ủng hộ mạnh mẽ và lâu dài việc Việt Nam chuyển đổi sang ngành năng lượng xanh và bền vững, Đan Mạch mong đợi Chính phủ Việt Nam sớm ban hành khung pháp lý rõ ràng và nhất quán, điều cần thiết cho sự phát triển của ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi, bắt đầu bằng việc phê duyệt Quy hoạch điện 8 và quyền khảo sát ngoài khơi độc quyền,” Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Nicolai Prytz nêu ý kiến.

Hoàn thiện khung pháp lý để thu hút đầu tư

Báo cáo về tiềm năng năng lượng gió, sóng ngoài khơi tại các vùng biển Việt Nam của Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết các vùng biển có khả năng khai thác tiềm năng năng lượng gió tốt nhất là: từ Bình Định đến Ninh Thuận, Bình Thuận đến Cà Mau và một phần vùng biển trung tâm vịnh Bắc Bộ.

Đặc biệt, tiềm năng gió đạt ở mức tốt đến rất tốt ở khu vực biển Ninh Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu, với tốc độ gió trung bình từ 8m-10m/s, mật độ năng lượng trung bình năm phổ biến từ 600W đến trên 700W/m2.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Mark Hutchinson, Hội đồng năng lượng gió toàn cầu (GWEC) cho rằng Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong khu vực với cam kết về chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) và phát thải bằng 0 vào 2050.

Điện gió ngoài khơi giúp cải thiện an ninh năng lượng và cân bằng cán cân thương mại thông qua giảm nhập khẩu than và khí đốt. Tuy nhiên, đại diện GWEC cho biết ngành điện gió ngoài khơi cần được hỗ trợ khởi tạo ở Việt Nam trước khi có thể cạnh tranh toàn diện với khí đốt và than đá, thông qua khung giá chuyển tiếp trước khi áp dụng đấu thầu sau một vài năm.

Ngoài ra, điện gió ngoài khơi là nguồn phụ tải nền, nguồn năng lượng này có tính đoán định cao và có thể giúp dự phòng chậm trễ tiến độ triển khai các dự án điện khí LNG, cũng như xu hướng giảm công suất điện than trong quy hoạch điện 8.

Đại diện GWEC cũng chia sẻ thách thức về thời gian là rất lớn để đạt mục tiêu 7GW điện gió ngoài khơi và năm 2030, do vậy Chính phủ Việt Nam cần phê duyệt lộ trình chính sách cho lĩnh vực này.

Cụ thể, ông khuyến nghị việc áp dụng cơ chế phát triển nhanh để lựa chọn 4GW dự án điện gió ngoài khơi thí điểm; ký thỏa thuận cung cấp điện dài hạn giữa hai bên (PPA) và đóng tài chính cho các dự án theo cơ chế phát triển nhanh cũng như một số công tác khác liên quan đến dự án, đồng thời đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho 3GW các dự án điện gió ngoài khơi…

Trong khi đó, ông Henrik Scheinemann, Đồng Giám đốc điều hành của tập đoàn Copenhagen Offshore Partners (COP) cho rằng, Việt Nam nên tập trung vào việc khởi động ngành năng lượng tái tạo, một ngành công nghiệp đã được chứng minh là hiệu quả cao và học hỏi kinh nghiệm từ các thị trường đã phát triển, có thành tích tốt để chọn cho mình một mô hình điện gió ngoài khơi phù hợp với nhu cầu và kỹ năng của đất nước.

“Giờ là lúc thúc đẩy và cho phép thực hiện các dự án thí điểm và ban hành khung pháp lý rõ ràng cũng như tạo điều kiện để các nhà đầu tư và phát triển dự án chia sẻ bài học nhằm xây dựng chuỗi cung ứng địa phương và giải quyết cơn khát năng lượng xanh ngày càng tăng của Việt Nam,” chuyên gia này khuyến nghị.

Điện gió: 'Cơ hội kép' cung cấp năng lượng xanh, giảm phát thải tại VN ảnh 3Các đại biểu tham dự hội thảo “Thúc đẩy phát triển ngành điện gió ngoài khơi của Việt Nam: Kinh nghiệm quốc tế và các gợi ý chính sách.” (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Trước thực tế hiện nay, về phía Bộ Công Thương, ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, cho biết bộ sẽ sớm trình Chính phủ Dự thảo Quy hoạch điện 8 nhằm tạo cơ sở và hành lang pháp lý cho việc phát triển các nguồn điện và năng lượng tái tạo tại Việt Nam giai đoạn tới.

Tuy vậy, điện gió ngoài khơi có thể có các tiêu chí khác so với điện gió trên bờ, do vậy cơ quan chức năng sẽ có những hướng dẫn cụ thể trong quá trình triển khai, thực hiện.

Ông Nguyễn Đức Hiển khẳng định cùng với ý kiến của các chuyên gia, Ban Kinh tế Trung ương sẽ bổ sung để có kiến nghị đến Bộ Chính trị, Chính phủ kịp thời chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm thể chế hóa và cụ thể hóa các cơ chế chính sách cho phát triển điện gió ngoài khơi theo yêu cầu tại Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển đất nước giai đoạn tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục