Cơ sở Tịnh thất Bồng Lai có dấu hiệu lợi dụng tôn giáo để trục lợi

Cơ sở Tịnh thất Bồng Lai có sai phạm trong việc xây dựng; nhận nuôi trẻ không theo quy định pháp luật; chủ nhân Tịnh thất Bồng Lai khẳng định không phải là chùa nhưng vẫn treo biển cơ sở tôn giáo.
Cơ sở Tịnh thất Bồng Lai có dấu hiệu lợi dụng tôn giáo để trục lợi ảnh 1Lãnh đạo Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết Tịnh thất Bồng lai là cơ sở thờ tự bất hợp pháp. (Nguồn: tuoitre.vn)

Tại họp báo Bộ Nội vụ diễn ra chiều 5/11, Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Nguyễn Tiến Trọng khẳng định, vụ việc cơ sở tịnh thất Bồng Lai (sau đổi tên là Thiền am bên bờ vũ trụ) có dấu hiệu của việc lợi dụng tôn giáo để trục lợi.

Theo ông Nguyễn Tiến Trọng, cơ sở tịnh thất Bồng Lai thực chất là cơ sở gia đình riêng, do bà Cao Thị Cúc (hộ khẩu thường trú tại ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) xây dựng, sau đó tự ý chuyển tượng Phật, đồ thờ cúng vào, biến nơi này thành cơ sở thờ tự bất hợp pháp.

Ban Tôn giáo Chính phủ đã có văn bản đề nghị Ban Tôn giáo, Sở Nội vụ Long An xác minh.

Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã khẳng định tư thất Bồng Lai không phải là cơ sở tự viện hợp pháp do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An quản lý; đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh và cơ quan hữu quan xác minh để xử lý vi phạm của cơ sở trên.

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An gửi Ban Tôn giáo Chính phủ, cơ sở này có một số sai phạm trong việc xây dựng như do cá nhân đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng trên đất ở nông thôn, sử dụng đất trồng lúa vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép và đã bị Ủy ban Nhân dân xã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính, buộc phải khôi phục lại hiện trạng ban đầu của đất.

[Thực hư xung quanh quan hệ huyết thống phức tạp ở “Tịnh thất Bồng Lai"]

Hộ bà Cúc nuôi 8 trẻ em, trong đó có 6 trẻ sống cùng mẹ ruột, 2 trẻ nhận nuôi từ năm 2019 đến nay. Tuy nhiên, việc lập hồ sơ nhận con nuôi còn nhiều tình tiết chưa đảm bảo quy định pháp luật, do đó Ủy ban Nhân dân xã Hòa Khánh Tây chưa thống nhất để bà Cúc nhận con nuôi.

Ủy ban Nhân dân huyện Đức Hòa đang tiếp tục làm việc với bà này và những phụ nữ ở tại hộ gia đình bà để làm rõ thêm các nội dung liên quan đến trẻ em ở đây.

Bên cạnh đó, qua kiểm tra thực tế cho thấy, điều kiện chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm tại đây chưa bảo đảm.

“Vụ việc này có dấu hiệu của việc lợi dụng tôn giáo để trục lợi. Mặc dù bà Cúc khẳng định bà thờ tượng Phật tại gia, không phải sinh hoạt tôn giáo. Trong quá trình làm việc, ông Lê Tùng Vân, người sống cùng bà Cao Thị Cúc, khẳng định đây không phải là chùa mà là nhà riêng, tuy nhiên bà Cúc vẫn cho treo biển cơ sở tôn giáo”, ông Nguyễn Tiến Trọng nói.

Ông Nguyễn Tiến Trọng cũng cho biết, Ban Tôn giáo sẽ tiếp tục đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An và các cơ quan chức năng xác minh làm rõ các nội dung liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngăn chặn "chạy" khen thưởng

Cũng trong buổi họp báo, liên quan đến việc sửa đổi Luật Thi đua, khen thưởng đang được trình Quốc hội cho ý kiến, Trưởng ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương Phạm Huy Giang cho biết, để giải quyết tình trạng "chạy" khen thưởng, vừa khen thưởng đã bị kỷ luật, thậm chí ngồi tù, cần công khai minh bạch các tiêu chuẩn, tiêu chí khen thưởng, quá trình xem xét chuẩn bị thủ tục hồ sơ khen thưởng.

Nếu mọi vấn đề đều minh bạch, đối chiếu với tiêu chuẩn, đủ ở mức độ nào trình cấp có thẩm quyền khen ở mức độ đó, thì sẽ không có việc chạy khen thưởng.

Hiện cơ quan soạn thảo đang tổng hợp, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, phối hợp với Ủy ban Xã hội của Quốc hội-cơ quan thẩm tra dự án luật-để tiếp thu, giải trình, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan có liên quan chỉnh lý, bổ sung các điều khoản của luật để có quy định cụ thể hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục