Con đường huyền thoại gắn với sự nghiệp giải phóng hai nước Việt-Lào

Tuyến đường bắt đầu từ đường số 8, tỉnh Bolykhamxay đến tỉnh Attapeu, đi qua 17 huyện các tỉnh miền Trung và Nam Lào, dài hàng nghìn km, là tuyến vận tải chiến lược cho chiến trường Nam Đông Dương.
Con đường huyền thoại gắn với sự nghiệp giải phóng hai nước Việt-Lào ảnh 1Mở đường qua ngầm Tà Lê, Đường 20 Quyết Thắng từ Trường Sơn vượt biên giới Việt-Lào sang Tây Trường Sơn. (Ảnh minh họa: Hứa Kiểm/TTXVN)

Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Lào-Việt Nam, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Lào, bà Sounthone Xayachak đã gửi riêng cho phóng viên TTXVN tại Lào bài viết về tuyến đường đã góp phần làm nên chiến thắng 1975 ở cả hai nước, một trong những biểu tượng của liên minh chiến đấu Việt-Lào.

Sau đây là nội dung bài viết:

"Trong những năm gần đây, trong các chuyến công tác ở các tỉnh miền Trung và Nam Lào, dù trên cương vị là một người làm đối ngoại hay là đại diện của nhân dân, tôi đã nhiều lần nhìn thấy di tích lịch sử quốc gia về quan hệ đặc biệt Lào-Việt Nam, đó là tuyến đường Hồ Chí Minh, một trong những di tích mà đến nay nhân dân hai nước vẫn còn lưu giữ được.

Mỗi lần có dịp đi qua tuyến đường lịch sử nói trên, lần nào tôi cũng có suy nghĩ rằng, trong tương lai không xa, con đường huyền thoại này sẽ trở thành địa điểm tập huấn thực tế cho thế hệ trẻ để giúp họ hiểu được về sự tàn khốc của chiến tranh do bọn đế quốc xâm lược gây ra, đồng thời để thấy được tinh thần đoàn kết, liên minh chiến đấu của các chiến sỹ cách mạng và nhân dân hai nước Lào-Việt Nam.

Ngày 19/5/1959, Đội 559 đã được thành lập với nhiệm vụ mở đường để đưa đón cán bộ, chiến sỹ, vũ khí, lương thực từ miền Bắc vào miền Nam Việt Nam và vận chuyển hàng viện trợ cho quân đội và nhân dân Lào.

Do tuyến đường ra đời đúng ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh nên có tên là tuyến đường Hồ Chí Minh. Đường Hồ Chí Minh là tên gọi thân quen được nhân dân hai nước Lào-Việt Nam và nhiều nước trên thế giới sử dụng khi nói về con đường huyền thoại này.

[Lào tổ chức kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt-Lào]

Để đảm bảo việc vận chuyển quân đội và vũ khí một cách thuận lợi, cuối năm 1960, Trung ương Đảng Nhân dân Lào (hiện là Đảng Nhân dân Cách mạng Lào) và Đảng Cộng sản Việt Nam đã trao đổi và thống nhất mở một tuyến đường chạy dọc theo phía Tây dãy Trường Sơn thuộc vùng giải phóng của Lào khi đó.

Tuyến đường bắt đầu từ đường số 8, tỉnh Bolykhamxay đến tỉnh Attapeu, đi qua 17 huyện của các tỉnh miền Trung và Nam Lào. Tuyến đường này dài hàng nghìn km, là tuyến vận tải chiến lược cho chiến trường Nam Đông Dương.

Đối với những người gắn bó với sự nghiệp cứu nước để giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của bọn đế quốc, tuyến đường này là niềm hy vọng để giành chiến thắng trước bọn xâm lược.

Tuy nhiên, đối với kẻ thù, đây lại là con đường trọng điểm cần phải chặn phá nhằm tiêu diệt quân đội và nhân dân Lào, cũng như quân đội và nhân dân Việt Nam anh em, ngăn chặn việc vận chuyển quân và hàng hóa vào phía Nam để giải phóng miền Nam Việt Nam.  

Từ năm 1959 đến năm 1975, tuyến đường Trường Sơn ở phía Đông và phía Tây đã vận chuyển hàng triệu tấn trang thiết bị, vũ khí vào chiến trường miền Nam, đảm bảo việc hành quân cho hơn 2 triệu người phục vụ việc chiến đấu.

Điều này không chỉ vừa giúp tăng sự vững mạnh cho nhân dân miền Nam Việt Nam, nhân dân các khu vực miền Trung-Nam Lào và khu vực Tây Bắc của Campuchia, mà còn góp phần mang lại chiến thắng hoàn toàn cho nhân dân Việt Nam vào mùa Xuân năm 1975.

Con đường huyền thoại gắn với sự nghiệp giải phóng hai nước Việt-Lào ảnh 2Chiến sĩ liên quân Lào-Việt trong kháng chiến chống Pháp, năm 1950. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Nhân dân Lào cũng có thể giành chiến thắng hoàn toàn và tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào vào ngày 2/12/1975.

Khi ôn lại tình đoàn kết đặc biệt trên tinh thần “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa” giữa Lào-Việt Nam và tầm quan trọng mang tính chiến lược của tuyến đường Hồ Chí Minh, trong lễ chào mừng 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tháng 5/1990, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Lào Kaysone Phomvihane đã nói: “Trong lịch sử cách mạng thế giới, đã có nhiều tấm gương chói sáng về tinh thần quốc tế vô sản, nhưng chưa ở đâu và chưa bao giờ, có được sự đoàn kết liên minh chiến đấu đặc biệt, lâu dài và toàn diện như quan hệ Lào-Việt Nam. Trong giai đoạn hơn một nửa thế kỷ, các thế hệ con cháu của nhân dân Việt Nam đã sang giúp đỡ nhân dân Lào đấu tranh giành độc lập, tự do và xây dựng đời sống mới hạnh phúc và ấm no.

Nhiều đồng chí đã dâng tặng cuộc sống của mình phục vụ cách mạng Lào, coi Lào như quê hương thứ hai của mình. Trên khắp đất Lào, máu của các chiến sỹ Việt Nam đã hòa cùng máu của các cán bộ, đảng viên, chiến sỹ và nhân dân Lào.

Nhân dân Lào cũng đã đổ rất nhiều máu để góp phần tăng cường và củng cố mối quan hệ Lào-Việt Nam. Nhân dân Lào vô cùng tự hào khi thấy rằng ở phía Tây của dãy Trường Sơn có tuyến đường mang tên Bác Hồ, tuyến đường đã tồn tại, vượt qua mưa bom bão đạn của kẻ thù và cùng với tuyến đường phía Đông Trường Sơn, góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng đất nước Lào và miền Nam Việt Nam.

Để thực hiện lời dạy của Bác Hồ và xứng đáng với sự hy sinh của các chiến sỹ hai nước, chúng ta kiên quyết cùng nhau giữ gìn tình đoàn kết đặc biệt Lào-Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tình đoàn kết đặc biệt đó sẽ trở thành truyền thống quý báu của nhân dân hai nước Lào-Việt Nam, không kẻ thù nào có thể phá hoại được.”

Trong các chuyến công tác tại các tỉnh miền Trung và Nam Lào khi có dịp đi qua tuyến đường Trường Sơn Tây thuộc tỉnh Khammuan và Savannakhet, tôi đã thấy tận mắt các vết tích của tuyến đường Hồ Chí Minh.

Dù nhiều thập kỷ đã trôi qua, nhưng những vết tích của tuyến đường ở phía Tây này vẫn còn khá rõ, một số đoạn đường bị cây rừng che phủ không thể nhìn thấy được, nhưng một số đoạn vẫn còn nhiều vết tích không thể xóa hết được như những hố bom 500kg mà đế quốc Mỹ thả xuống nhằm phá hủy tuyến đường huyết mạch trên.

Hiện dọc tuyến đường Tây Trường Sơn tại huyện Bolapha, tỉnh Khammuan vẫn còn các hố bom rải rác, nhiều hố đã trở thành những chiếc ao có cá cua sinh sống, nhiều chiếc không có nước và trở thành nơi cỏ mọc.

Điều quan trọng là dù nhiều thập kỷ đã trôi qua nhưng những vết tích chiến tranh vẫn còn đó, vẫn chưa thể xóa mờ tội ác của bọn xâm lược.

Để xứng đáng với sự hy sinh to lớn của chiến sỹ cách mạng và nhân dân hai nước Lào-Việt Nam, chúng ta những người của thế hệ mới cần phải học tập, hiểu rõ tội ác chiến tranh xâm lược của bọn đế quốc. Những tội ác đó, hậu quả chiến tranh đó đến nay vẫn còn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh hoạt của người dân dọc tuyến đường Hồ Chí Minh.

Bom mìn chưa nổ, vô số chất hóa học được ném xuống từ thời kỳ chiến tranh đến nay vẫn lẩn khuất dưới lòng đất, lấy đi cuộc sống của những người lương thiện hằng ngày, hằng tháng, hằng năm và vẫn sẽ còn tiếp tục tác động đến đời sống của người dân hai nước trong nhiều thập kỷ tiếp tới.

Chào mừng ngày quan trọng lịch sử của hai nước trong năm 2022, chúng ta càng biết ơn các cán bộ, chiến sỹ và người dân hai nước Lào-Việt Nam, những người đã có những đóng góp to lớn, dâng hiến cả cuộc sống và máu xương để xây dựng và bảo vệ tuyến đường Hồ Chí Minh, họ sẽ sống mãi trong lòng của nhân dân hai nước Lào-Việt Nam.

Để xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ cha ông, thế hệ thanh niên hai nước phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ, tôn tạo tuyến đường huyết mạch này để trở thành di sản cấp nhà nước của hai nước; tiếp tục vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Lào-Việt nam đời đời bền vững."./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục