Ngày 27/4, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công nhận huyện Cần Giờ đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020 và công nhận xã Thạnh An là xã đảo thuộc Thành phố Hồ Chí Minh.
Tham dự buổi lễ có lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Thành ủy, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo và đại diện các tầng lớp nhân dân huyện Cần Giờ, xã đảo Thạnh An.
Cần Giờ là huyện ven biển duy nhất của Thành phố Hồ Chí Minh, cách trung tâm thành phố 50km. Huyện có bờ biển dài hơn 23km cùng hệ thống sông ngòi chằng chịt, có rừng ngập mặn đã được Tổ chức UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
[Thành phố Hồ Chí Minh: Thủ tướng công nhận Thạnh An là xã đảo]
Cần Giờ có vị trí đặc biệt quan trọng đối với Thành phố Hồ Chí Minh về kinh tế, quốc phòng; là cửa ngõ ra biển Đông, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế biển và các loại hình dịch vụ.
Với đặc điểm địa hình là vùng trũng thấp, thổ nhưỡng là phèn và mặn chiếm tới 56,7% diện tích nên huyện Cần Giờ không có lợi thế sản xuất nông nghiệp, nền đất yếu gây khó khăn cho xây dựng cơ sở hạ tầng.
Phần lớn thổ nhưỡng Cần Giờ thích hợp cho phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn, cùng với bờ biển dài tới trên 20km, hệ thống sông ngòi chằng chịt phủ khắp các mảng rừng phòng hộ rộng lớn là cơ sở để phát triển các loại hình dịch vụ du lịch, phát triển thủy sản. Đây là hai ngành kinh tế chủ lực của huyện, tạo ra nguồn thu nhập cho phần lớn cư dân Cần Giờ.
Theo ông Lê Minh Dũng, Bí thư Huyện ủy Cần Giờ, từ xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng chưa hoàn chỉnh, điều kiện kinh tế-xã hội huyện Cần Giờ còn nhiều khó khăn; tiềm năng, lợi thế về đất đai, tài nguyên và môi trường sinh thái chưa được đầu tư, khai thác có hiệu quả; thu nhập dân cư thấp (trước khi thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, năm 2010 thu nhập bình quân đầu người đạt 15 triệu đồng/người/năm), còn chênh lệch nhiều so với mức trung bình của Thành phố; hộ nghèo còn chiếm tỷ lệ lớn, một bộ phận không nhỏ có đời sống còn khó khăn (tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn 12 triệu đồng/người/năm vào năm 2010 là 43,6%).
Lao động qua đào tạo còn thấp (năm 2010 là 20,6%), chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân còn nghèo nàn, nhất là vùng sâu, vùng xa trung tâm huyện.
Sau 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Cần Giờ đã đạt được nhiều kết quả nổi bật như hạ tầng kinh tế-xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, bộ mặt nông thôn được đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn; quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định.
Xác định nâng cao thu nhập, nâng cao nhu cầu về vật chất và tinh thần cho người dân khu vực nông thôn là nhiệm vụ trọng tâm của xây dựng nông thôn mới, huyện đã tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất theo hình thức liên kết, hợp tác, sản xuất thâm canh, tăng năng suất, chất lượng và tạo sự đồng đều về sản phẩm, nhằm nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa.
Huyện tăng cường hoạt động xúc tiến liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với nông dân, doanh nghiệp với hợp tác xã, tổ hợp tác và các trang trại, tìm đầu ra ổn định cho nông sản, coi đây là giải pháp quan trọng, khâu đột phá trong xây dựng nông thôn mới.
Để tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, hàng năm theo phân kỳ kế hoạch, huyện ưu tiên bố trí vốn cho các công trình để huyện đạt chuẩn nông thôn mới như giao thông, thủy lợi, trường học, y tế... đảm bảo đồng bộ, thông suốt, phục vụ tốt nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của nhân dân, góp phần quan trọng cho việc phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Công tác môi trường được chú trọng, Ủy ban Nhân dân huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện các tuyến đường “xanh, sạch, đẹp, an toàn” và bảo vệ môi trường; thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân về công tác bảo vệ môi trường.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng Cần Giờ được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020 là sự kiện quan trọng đánh dấu bước phát triển mới của huyện, mở ra nhiều cơ hội để thúc đẩy phát triển kinh tế trong thời gian tới.
Đặc biệt, với việc Thạnh An được công nhận là xã đảo, người dân sẽ được hưởng nhiều cơ chế chính sách hơn, cũng như các điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế và nhanh chóng bắt kịp các xã khác của huyện.
Theo ông Nguyễn Thành Phong, trong thời gian qua, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố đã thực sự trở thành phong trào mạnh mẽ, rộng khắp, được cả hệ thống chính trị và nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, tham gia.
Hiện nay, thu nhập của người dân ở nông thôn đã tiệm cận thành thị, góp phần quan trọng vào việc giảm dịch chuyển lực lượng lao động từ nông thôn vào thành phố.
Thành phố đánh giá cao huyện Cần Giờ trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, mặc dù xuất phát điểm còn nhiều khó khăn, song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Cần Giờ đã đoàn kết, cố gắng, vươn lên và đạt được những kết quả tích cực.
Đối với xã Thạnh An, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã có những bước phát triển mạnh mẽ, thu nhập bình quân của người dân đạt 63,2 triệu đồng/người/năm, bằng 97,4% so với thu nhập bình quân của huyện Cần Giờ, đây là một thành tích rất đáng tự hào bởi xã đảo Thạnh An là vùng đất tách biệt với đất liền, nơi thường xuyên đối mặt với bão lụt và là vùng đặc biệt khó khăn của Thành phố Hồ Chí Minh.
“Mỗi kết quả, thành tựu trong sự nghiệp đi lên của huyện Cần Giờ là công sức, trí tuệ, tâm huyết, mồ hôi và nước mắt của bao thế hệ cha anh đi trước, đã cống hiến cả cuộc đời mình cho một vùng đất mới, vùng đất anh hùng. Con đường phía trước của Cần Giờ đang mở ra với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện phải chủ động, sáng tạo, quyết liệt và nỗ lực không ngừng vươn lên,” ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành yêu cầu Cần Giờ tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới theo các chủ trương, nghị quyết của Trung ương và Thành phố; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân chủ động, nhiệt tình, tích cực tham gia xây dựng nông thôn kiểu mẫu gắn Phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới."
Huyện tiếp tục rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện chủ trương tái cơ cấu kinh tế, đảm bảo phù hợp với quy hoạch; tăng cường phát triển sản xuất, tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững trên cơ sở đẩy mạnh hợp tác, liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, gắn sản xuất với thị trường, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và giá trị gia tăng trên sản phẩm.
Huyện tổ chức thực hiện hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm, xem đây là giải pháp nâng cao thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Đồng thời, huyện chú trọng công tác cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của huyện, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của Thành phố.
Đặc biệt, huyện Cần Giờ cần phối hợp với các sở, ngành và các đơn vị có liên quan nghiên cứu, rà soát các chính sách ưu đãi dành cho xã đảo để áp dụng kịp thời, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng người dân xã đảo Thạnh An./.