Công cụ tạo nên "quyền lực mềm" của Trung Quốc

Thuật ngữ “quyền lực mềm” là một khái niệm được dùng làm thước đo sức hấp dẫn của một đất nước hoặc khả năng của nước này gây ảnh hưởng đến công chúng của các nước khác.
Công cụ tạo nên "quyền lực mềm" của Trung Quốc ảnh 1Màn thượng cờ trong lễ duyệt binh chào mừng 90 năm thành lập Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tại Căn cứ huấn luyện Chu Hòa Nhật. (Nguồn: THX/TTXVN)

Thuật ngữ “quyền lực mềm” là một khái niệm được dùng làm thước đo sức hấp dẫn của một đất nước hoặc khả năng của nước này gây ảnh hưởng đến công chúng của các nước khác.

Giới tinh hoa chính trị và văn hóa Trung Quốc đã vận dụng thuật ngữ này từ giữa thập niên đầu của thế kỷ 21. Thuật ngữ “quyền lực văn hóa cứng” trở nên thịnh hành trong những năm 2010 như một cách miêu tả thay thế cho sức mạnh mềm về văn hóa của Trung Quốc.

Ở một mức độ nào đó, việc đong đếm số vũ khí hạt nhân và tàu ngầm cũng như xác định GDP và tăng trưởng kinh tế đã được bổ sung bằng việc xác định sự hấp dẫn của một đất nước, nền văn hóa, giá trị và chính sách của nước đó.

Sức mạnh mềm của Trung Quốc được thể hiện ở nhiều dạng thức khác nhau. Các công cụ của sức mạnh mềm bao gồm các viện Khổng Tử, các hãng báo chí và truyền thông có quy mô toàn cầu như Tân Hoa xã và Mạng truyền hình toàn cầu Trung Quốc CCTV, thể thao, phim trường, công nghiệp giáo dục và văn hóa, tất cả đều do nhà nước kiểm soát.

Ở lĩnh vực tư nhân, chúng ta ngày càng chứng kiến các cơ hội gia tăng do lĩnh vực tư nhân Trung Quốc tạo ra, nhất là các công ty kỹ thuật số và công nghệ cao. Ở một mức độ nào đó, các công ty này đã phần nào giảm tải giới hạn nỗ lực của Bắc Kinh trong việc “để thế giới biết đến và hiểu được Trung Quốc từ góc độ của Trung Quốc” và xây dựng một hình ảnh tích cực cho Trung Quốc.

[Quyền lực mềm của hai 'người khổng lồ' ở khu vực châu Á]

Giờ đây, các diễn giải về sự trỗi dậy của Trung Quốc và “giấc mộng Trung Hoa” cần được hiểu dưới dạng vai trò mà lĩnh vực tư nhân Trung Quốc thể hiện nhằm mở rộng sự hiện diện và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Á-Thái Bình Dương và trên phạm vi toàn cầu.

Thông qua những nỗ lực ngoại giao tư nhân như vậy, các doanh nghiệp kỹ thuật số của Trung Quốc đã xây dựng được những thị trường rộng lớn trong truyền thông xã hội và thương mại xã hội.

Kênh ngoại giao này được dẫn dắt bởi Baidu, Alibaba và Tencent cùng nhiều doanh nghiệp kỹ thuật số và công nghệ cao khác. Các công ty này giúp lan tỏa tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ra thế giới bên ngoài, phần lớn đến các nước có đông người dân gốc Hoa sinh sống.

Khi các công ty này trở nên ngày càng gắn kết với thị trường chứng khoán và thị trường vốn đầu tư rủi ro ở phạm vi toàn cầu và “không mang màu sắc” chính trị và văn hóa, thì họ lại bổ sung phạm vi và cách tiếp cận mang tính “xã hội” cho sức mạnh mềm của Trung Quốc.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng là một thị trường thương mại xã hội và truyền thông xã hội lớn nhất thế giới. Bức tranh thị trường truyền thông xã hội của nước này hết sức đa dạng và sống động.

Một điều đặc biệt là thị trường này không “có chỗ” cho các “ông lớn” Facebook, Instagram, YouTube và Twitter. Thay vào đó, phần lớn người dân chỉ biết đến hai nền tảng truyền thông xã hội chính của Trung Quốc là WeChat và Weibo.

Phần lớn người dân cũng chỉ biết đến hai nền tảng thương mại điện tử “nặng ký” là Alibaba và JD.com. Ngoài ra, nước này cũng có hàng trăm công ty khác cạnh tranh trong lĩnh vực mạng xã hội, thương mại điện tử, giải trí, chia sẻ hình ảnh và các hình thức giải trí mạng khác.

Các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc cũng đã mở ra một mô hình kinh doanh mới mang tên “xã hội cộng” (social plus). Mô hình “xã hội cộng” là sự gắn kết giữa mạng xã hội và giải trí trong bối cảnh các hoạt động giao dịch thương mại điện tử.

Các công ty mạng xã hội Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực quốc tế hóa cũng như các sáng kiến thúc đẩy sức mạnh mềm của Trung Quốc. Theo chân những người du lịch và di cư Trung Quốc, các công ty này thiết lập các đối tác địa phương, thực hiện các vụ đầu tư chiến lược trong các cơ sở nghiên cứu và phát triển địa phương và thành lập các công ty khởi nghiệp công nghệ nhằm mở rộng hệ sinh thái số của Trung Quốc ở quy mô toàn cầu, song thường ở dạng thức vừa hợp tác vừa cạnh tranh với các công ty địa phương và quốc tế “có tiếng” hoặc đang nổi.

Các nhà tư bản trong lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc như giám đốc điều hành, quản lý cấp cao, nhà khoa học và kỹ sư lĩnh vực công nghệ mới, là bộ mặt của sức mạnh mới của nền kinh tế số.

Tầng lớp trung và thượng lưu Trung Quốc giàu có, năng động, gắn kết thành một mạng lưới và có thể nói tiếng Anh là đại diện cho một Trung Quốc kỹ thuật số mới. Những nhân vật này cùng với lực lượng sử dụng mạng xã hội và nhà tiêu dùng thương mại xã hội giúp lan tỏa tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực kỹ thuật số của Trung Quốc trên khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Sự cởi mở và hào hứng đối với phát triển công nghệ, lối sống kỹ thuật số và mô hình kinh doanh “xã hội+” đem lại cho danh tiếng cho Trung Quốc là một nước đổi mới công nghệ.

Lĩnh vực tư nhân, mà đại diện là các công ty kỹ thuật số và công nghệ cao, đã và đang thực hiện các cuộc xâm nhập vào vùng lãnh địa khó khăn và chưa được biết tới này hiệu quả hơn cả các công cụ truyền thống mà Trung Quốc sử dụng để xây dựng sức mạnh mềm. Các lĩnh vực tư nhân và kỹ thuật số của Trung Quốc đang hỗ trợ hiệu quả cách tiếp cận “xã hội+” đối với quyền lực mềm.

Tuy nhiên, do chế độ kiểm duyệt gắt gao và thói chi phối lĩnh vực tư nhân của Bắc Kinh, cách tiếp cận này cũng gặp phải rào cản khi vấp phải quan ngại, nhất là của phương Tây, về tự do ngôn luận và những rủi ro an ninh có thể xảy ra.

Các nhà tư bản lĩnh vực kỹ thuật số và mạng xã hội của Trung Quốc đại diện cho cả cơ hội và thách thức của cách tiếp cận “xã hội+” của Trung Quốc đối với quyền lực mềm trong kỷ nguyên số.

Một trong những thách thức là làm thế nào để thể hiện hình ảnh hài hòa của một Trung Quốc đang trong quá trình phát triển kỹ thuật số trong bối cảnh hình ảnh quyền lực sắc bén của Trung Quốc nhuốm điều tiếng xấu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục