Trung Quốc dường như rơi vào ''thế thủ'' tại IMF và WB

Dù vẫn là một cường quốc kinh tế và chính trị, song giới chức Trung Quốc dường như tỏ ra ở "thế thủ" khi đã nhanh chóng chuyển giọng tại một số diễn đàn IMF lần này.
Trung Quốc dường như rơi vào ''thế thủ'' tại IMF và WB ảnh 1Tiền giấy mệnh giá 20 và 100 nhân dân tệ tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo Reuters, ba ngày trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền hồi tháng 1/2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã miêu tả Bắc Kinh là một nhân tố bảo vệ toàn cầu hóa tại Diễn đàn Kinh tế Davos giữa lúc những lo ngại về chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng.

Vài tháng sau, khi ông Tập Cận Bình khai mạc một diễn đàn để quảng bá sáng kiến "Vành đai và Con đường," đồng thời cam kết sẽ mở rộng quy mô đầu tư và quyền lực mềm của Trung Quốc ra khắp thế giới, vị thế toàn cầu của Trung Quốc lúc đó có vẻ lên như "diều gặp gió."

Tuy nhiên, hiện giờ, sự hào nhoáng về câu chuyện đầu tư và thương mại của Bắc Kinh đã bị lu mờ giữa lúc đòn thuế quan của Mỹ ngày càng mạnh, tỷ lệ lãi suất tăng cao hơn và tình trạng thoát vốn khỏi các thị trường đang nổi, tất cả đều đe dọa hủy hoại tăng trưởng toàn cầu.

Tại cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) ở đảo Bali (Indonesia), một số người đã bộc bạch sự quan ngại của mình. "Ngày càng có đông đảo ý kiến ở phương Tây cho rằng Trung Quốc đã lợi dụng hệ thống thương mại toàn cầu theo cách nào đó," Charles Dallara, nguyên Giám đốc Viện Tài chính Quốc tế chia sẻ tại cuộc họp.

[Trung Quốc và Mỹ liệu có "xuống thang" trong cuộc chiến thương mại?]

Những kêu gọi thay đổi quy tắc thương mại toàn cầu không chỉ xuất phát từ chính quyền Trump. Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde cũng đưa ra những vấn đề cần thực hiện, trong đó có cải thiện việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ cũng như các biện pháp bảo đảm cạnh tranh hiệu quả.

Bà Lagarde không đề cập cụ thể đến Trung Quốc, song những vấn đề này đều là những gì mà chính quyền Trump thường xuyên cáo buộc Bắc Kinh vi phạm. Ủy viên liên minh châu Âu phụ trách vấn đề kinh tế và tài chính Pierre Moscovici nêu rõ: "Chúng ta nhất định phải giải quyết vấn đề dư cung ở Trung Quốc."

Còn với chính quyền Mỹ, sau khi đạt được thỏa thuận sửa đổi mới với Mexico và Canada, và sẽ sớm tiến hành đàm phán với EU và Nhật Bản, Washington đang nỗ lực xây dựng một liên minh gồm những nước "cùng chí hướng" thay đổi luật lệ thương mại toàn cầu, nhằm đối phó với vấn đề chuyển giao công nghệ và các chính sách thương mại khác liên quan Trung Quốc.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói rằng các đồng minh Mỹ ban đầu coi quan điểm thương mại của Trump đơn thuần theo chủ nghĩa bảo hộ, song giờ đã có sự nhìn nhận rõ ràng hơn về mong muốn của Trump về thực tiễn thương mại tự do, công bằng và tương hỗ.

Dù vẫn là một cường quốc kinh tế và chính trị, song giới chức Trung Quốc dường như tỏ ra ở "thế thủ" khi đã nhanh chóng chuyển giọng tại một số diễn đàn IMF lần này.

Trong một phiên thảo luận của WB về sáng kiến "Vành đai và Con đường," Thứ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Zou Jiayi bị hỏi dồn dập xung quanh khả năng trả nợ của các nước tham gia, cách thức các nước nhỏ có thể thương lượng với Trung Quốc và liệu nỗ lực có thực hiện được trong bối cảnh cuộc thương chiến với Mỹ mở rộng sang nhiều lĩnh vực.

Đặc biệt, vấn đề gánh nặng nợ nần từ "Vành đai và Con đường" đã bị đưa ra thảo luận gay gắt khi Pakistan, "con nợ" chính của Trung Quốc khi tham gia sáng kiến này, đã chính thức tìm đến sự giúp đỡ từ chương trình hỗ trợ tài chính của IMF tại cuộc họp.

Tại phiên thảo luận, đánh giá về sáng kiến của Trung Quốc, ông David Dollar - cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ đồng thời là nghiên cứu cấp cao tại Viện Brookings - nói: "Với các nước thu nhập thấp, tồn tại nguy cơ gánh chịu quá nhiều nợ nần ngay cả khi các dự án (cơ sở hạ tầng) đem lại lợi ích."

Thứ trưởng Zou chỉ đáp lại rằng Trung Quốc đang áp dụng các biện pháp phân tích rủi ro của IMF và WB. Trong khi đó, một số đại biểu Trung Quốc tham dự cuộc họp của IMF và WB đã bày tỏ sự bất bình khi cho rằng chương trình nghị sự về vấn đề toàn cầu hóa của Bắc Kinh đã bị "phớt lờ," trong khi các thể chế quốc tế đa phần hoạt động không hiệu quả trong việc ngăn chặn các cuộc chiến thương mại của Trump./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục