'Công đoàn Việt Nam phải luôn có mặt sớm nhất khi đoàn viên cần'

Trưởng ban Dân vận Trung ương khẳng định việc phát triển công đoàn viên là nhiệm vụ quan trọng, do đó, công đoàn Việt Nam phải luôn có mặt sớm nhất, xứng đáng là thủ lĩnh đại diện cho người lao động.
'Công đoàn Việt Nam phải luôn có mặt sớm nhất khi đoàn viên cần' ảnh 1Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: TTXVN)

Sáng 11/1, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 10 (khóa XII). Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài dự hội nghị.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết năm 2021 là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của dân tộc; cả nước bắt tay vào triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng với kỳ vọng và khí thế mới.

Trong năm qua, tổ chức công đoàn các cấp cũng đã triển khai nhiều hoạt động, sự kiện có ý nghĩa, quyết định đến sự phát triển của tổ chức Công đoàn. Trong đó, Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị về "Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới" được ban hành, thể hiện sự quan tâm, kỳ vọng của Đảng đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Đình Khang, dịch COVID-19 tiếp tục kéo dài và diễn biến phức tạp, khó lường trong năm 2021 đã khiến việc làm, đời sống người lao động bị ảnh hưởng nặng nề; nảy sinh một số vấn đề phức tạp về tâm lý, tâm trạng xã hội, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Với tinh thần chủ động, sáng tạo, các cấp công đoàn đã có những điều chỉnh trong chỉ đạo, linh hoạt trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, vừa duy trì các mặt hoạt động thường xuyên định kỳ, đồng thời chăm lo, hỗ trợ tốt cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; ban hành các chính sách hỗ trợ kịp thời, thiết thực, đa dạng, hướng tới các đối tượng, phù hợp với diễn biến của tình hình dịch bệnh và các văn bản chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ.

Một trong những nội dung quan trọng trong hoạt động của công đoàn là sau 5 năm triển khai Nghị quyết 7c của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn về "Chất lượng bữa ăn ca của người lao động," nhận thức và hành động của người sử dụng lao động, người lao động và của tổ chức Công đoàn đã có chuyển biến tích cực.

Cụ thể là số lượng doanh nghiệp tổ chức bữa ăn ca ngày càng tăng lên. Hầu hết các doanh nghiệp đã thực hiện giá trị bữa ăn ca bằng hoặc cao hơn mức 15.000 đồng; số người lao động được thụ hưởng bữa ăn ca ngày càng được mở rộng.

Nhấn mạnh chủ đề hoạt động năm 2022 là "Chăm lo việc làm, đời sống cho người lao động; phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam," Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu các Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn cần phân tích kỹ lưỡng, dự báo các khả năng có thể xảy ra, nhất là tình hình dịch bệnh có thể còn diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều yếu tố mới trong bối cảnh hoạt động công đoàn năm 2022, từ đó đóng góp, bổ sung thêm các nội dung nhiệm vụ cần tập trung chỉ đạo thực hiện.

['Phát huy sáng kiến, đồng lòng tạo nên bứt phá về năng suất lao động']

Hội nghị lần này cũng tiến hành bổ sung Ủy viên Ban Chấp hành thay thế các Ủy viên đã được phân công sang vị trí khác; bầu bổ sung Ủy viên Đoàn Chủ tịch.

Trên cơ sở chủ trương của Ban Bí thư về việc kiện toàn đủ các Phó Chủ tịch, đảm bảo cơ cấu độ tuổi, giới tính, vùng miền, Hội nghị sẽ bầu một Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là nữ.

Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài cho rằng trong năm qua, dịch COVID-19 đã gây thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe của nhân dân, trong đó đoàn viên, người lao động là đối tượng chịu tác động sâu sắc nhất. Thời gian qua, hàng nghìn công nhân đã bị mất việc.

Trong bối cảnh đó, tổ chức Công đoàn Việt Nam với tinh thần chủ động, sáng tạo đã linh hoạt điều chỉnh mục tiêu, thể hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ người lao động; đồng thời có nhiều hoạt động hỗ trợ chăm lo cho đoàn viên gặp khó khăn, đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ người lao động...

"Những hoạt động đó thể hiện truyền thống tốt đẹp của giai cấp công nhân Việt Nam, góp phần quan trọng động viên đoàn viên, người lao động nỗ lực trong sản xuất, góp phần thực hiện tốt mục tiêu kép vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế," bà Bùi Thị Minh Hoài nhấn mạnh.

'Công đoàn Việt Nam phải luôn có mặt sớm nhất khi đoàn viên cần' ảnh 2Công nhân làm việc trong xưởng may của Công ty cổ phần May Việt Long Giang. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Thời gian tới, dịch bệnh dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp, đòi hỏi các cấp công đoàn cần tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, triển khai các hoạt động phù hợp, hiệu quả. Đặc biệt, tổ chức công đoàn cần làm tốt công tác tham gia xây dựng pháp luật, cơ chế chính sách, nhất là các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi cho người lao động.

Trưởng ban Dân vận Trung ương khẳng định việc phát triển đoàn viên là một trong những nhiệm vụ sống còn trong quá trình hội nhập cũng như thực hiện các cam kết quốc tế. Do đó, dù trong hoàn cảnh nào, công đoàn Việt Nam phải luôn có mặt sớm nhất, hiệu quả nhất, xứng đáng là thủ lĩnh đại diện cho người lao động...

Tại hội nghị, các đại biểu sẽ nghe và cho ý kiến vào Báo cáo tóm tắt tổng kết hoạt động công đoàn năm 2021, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022; Tờ trình Nghị quyết của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn khóa XII về đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phục vụ nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới; Tờ trình công tác đối ngoại của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới; Tờ trình báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 7b/NQ-TLĐ của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn (khóa XI) về "Công tác tài chính trong tình hình mới;" cùng nhiều tờ trình liên quan đến quản lý tài chính, tài sản công đoàn, kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 7c/NQ-BCH của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn về "Chất lượng bữa ăn ca của người lao động".../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục