COVID-19: Các biện pháp cứng rắn của Hà Nội kể từ 6 giờ ngày 6/9

Hà Nội yêu cầu quản lý chặt chẽ hoạt động của người dân và các tổ chức, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố; hướng dẫn và cấp giấy đi đường cho các đối tượng, phương tiện được phép di chuyển.
COVID-19: Các biện pháp cứng rắn của Hà Nội kể từ 6 giờ ngày 6/9 ảnh 1Hà Nội tiếp tục thực hiện giãn cách sau ngày 6/9. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa ký ban hành Chỉ thị số 20/CT-UBND về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn Thủ đô.

Phân vùng để chống dịch 

Theo đó, từ 6 giờ ngày 6/9 đến 6 giờ ngày 21/9, thành phố quyết định triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại 3 vùng.

Cụ thể, Vùng 1: Khu vực đô thị trung tâm với mật độ dân cư cao, tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ được xác định là vùng đỏ, tập trung nhiều khu vực, nhiều đối tượng nguy cơ rất cao.

Phạm vi: Bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của 10 quận/huyện: Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Trì, và một phần địa giới hành chính của 5 quận/huyện: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín bao quanh bởi sông Nhuệ, kênh Cầu Ngà, sông Đáy, kênh Khê Tang, sông Tô Lịch, kênh Hồng Vân và sông Hồng về nội đô.

Biện pháp áp dụng trong phòng, chống dịch: Tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn.

[Hà Nội tiếp tục giãn sau ngày 6/9, đã tiêm vaccine cho 32% dân số]

Vùng 2 (phía Bắc, Đông Sông Hồng): Được phân cách bởi hệ thống Sông Hồng, Sông Đuống với Vùng 1. Phòng chống nguy cơ xâm nhập phía Bắc, Đông Bắc. Trong Tam giác công nghiệp phía Bắc, có tính “độc lập” cao.

Phạm vi: Toàn bộ địa giới hành chính của 5 quận/huyện: Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh. Thực hiện các biện pháp theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn để đẩy mạnh và duy trì sản xuất an toàn theo Phương án đã được phê duyệt.

Vùng 3 (phía Tây, phía Nam thành phố): Vùng sản xuất nông nghiệp và các Khu, Cụm Công nghiệp, có mật độ và sinh hoạt dân cư đặc trưng nông nghiệp, có phần đô thị hóa với mật độ dân cư thấp.

Phạm vi: Toàn bộ địa giới hành chính của 10 quận/huyện/thị xã: Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên và một phần của 05 quận, huyện: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín chủ yếu được chia bởi Sông Nhuệ, Sông Đáy.  

Vùng này thực hiện các biện pháp theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn theo nguyên tắc mỗi xã, phường, khu dân cư, khu sản xuất là một pháo đài chống dịch, kết hợp tuân thủ 5K và cách ly các khu dân cư khi có dịch.

"Làm sạch" dần, "xanh hóa" từng khu vực

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố đề nghị thống nhất các biện pháp phòng, chống dịch theo các vùng, kiểm soát chặt chẽ người dân và các hoạt động xã hội, hạn chế tối đa nguy cơ lây lan dịch bệnh giữa các vùng. 

COVID-19: Các biện pháp cứng rắn của Hà Nội kể từ 6 giờ ngày 6/9 ảnh 2Hà Nội yêu cầu đảm bảo cung ứng đủ hàng thiết yếu trong thời gian giãn cách xã hội. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Thành phố cũng thực hiện phân cấp, ủy quyền cho các quận, huyện, thị xã quyết định các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tổ chức hoạt động sản xuất phù hợp với tình hình dịch bệnh cụ thể theo từng địa bàn tại Vùng 2, Vùng 3.

Tăng cường giãn cách xã hội với những biện pháp mạnh hơn nữa tại Vùng 1 (Vùng nội đô) để kiểm soát chặt nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, khoanh vùng xử lý triệt để các ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan giữa các khu vực, làm sạch dần tiến đến “xanh hóa” toàn bộ các khu vực; tăng cường giãn cách xã hội phải thực hiện nghiêm ngặt, chặt chẽ các yêu cầu người cách ly với người, nhà cách ly với nhà, “ai ở đâu, ở đó,” không để “chặt ngoài, lỏng trong.”

Các vùng cần 1uản lý chặt chẽ hoạt động của người dân và các tổ chức, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố; hướng dẫn cụ thể và cấp giấy đi đường cho các đối tượng, phương tiện được phép di chuyển trên địa bàn (trong đó bao gồm hoạt động chính trị, ngoại giao, công vụ, dịch vụ công ích thiết yếu, phòng chống dịch; khám chữa bệnh, xét nghiệm, tiêm chủng của người dân…).

Đáng chú ý, Hà Nội yêu cầu tổ chức quản lý chặt chẽ, thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội đối với toàn bộ các chốt kiểm soát ra-vào thành phố; các chốt ra - vào tại vùng 1 và đối với các cá nhân, phương tiện lưu thông trên địa bàn thành phố theo nguyên tắc chỉ các cá nhân, phương tiện “được phép mới ra đường,” “ai ở đâu, ở đó,” “người ở vùng nào thì ở vùng đó.” Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

“Tiếp tục thực hiện nghiêm phương châm phòng bệnh là giải pháp cơ bản, chiến lược, lâu dài; bảo vệ vững chắc các “vùng xanh”; ngăn chặn, tuyệt đối không để dịch bệnh lây lan ra vùng công nghiệp, vùng sản xuất nông nghiệp,” Chỉ thị nêu rõ.

Thành phố yêu cầu các đơn vị chủ động bảo đảm nguồn lực phòng, chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ,” xây dựng kịch bản ở mức cao hơn, sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh ở xã, phường, thị trấn.

Triển khai kế hoạch xét nghiệm diện rộng, huy động mọi nguồn lực triển khai, đảm bảo chỉ định xét nghiệm đúng, trúng khu vực nguy cơ và nhóm đối tượng nguy cơ, đảm bảo công tác lấy mẫu, xét nghiệm thống nhất, hiệp đồng linh hoạt giữa các đơn vị, tránh để mẫu tồn quá 24 giờ

“Bảo đảm việc cung ứng, cung cấp lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân trong khu vực thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội, nhất là ở nơi phong tỏa, cách ly; phát huy vai trò của hệ thống chính trị cơ sở là lực lượng gần dân nhất, hiểu dân nhất, nhất là lực lượng công an phường, xã, cảnh sát khu vực, Tổ COVID-19 cộng đồng,” lãnh đạo thành phố lưu ý.

“Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành thành phố và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã chủ động ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện tại từng vùng và liên vùng,tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn kịp thời tới các tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị liên quan. Thời hạn hoàn thành và báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố trước ngày 5/9,” Chỉ thị nhấn mạnh.

Lắp đặt camera giám sát tại các chốt ra-vào thành phố

Lãnh đạo thành phố giao Công an Thành phố chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện việc quản lý chặt chẽ hoạt động của người dân và các tổ chức, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó, hướng dẫn cụ thể và sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin cấp giấy đi đường, tạo thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức, đơn vị và phương tiện được phép di chuyển trên địa bàn thành phố (trong đó bao gồm hoạt động chính trị, ngoại giao, công vụ, dịch vụ công ích thiết yếu phòng, chống dịch; khám chữa bệnh, xét nghiệm, tiêm chủng của người dân…) hoàn thành trong ngày 5/9.

COVID-19: Các biện pháp cứng rắn của Hà Nội kể từ 6 giờ ngày 6/9 ảnh 3Lực lượng chức năng tiến hành lấy mẫu xét nghiệm cho người dân. (Ảnh: TTXVN)

Tổ chức quản lý chặt chẽ và áp dụng thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội với tất cả các chốt kiểm soát ra-vào thành phố tiếp giáp với các tỉnh, thành phố khác và các chốt kiểm soát tại Vùng 1, lắp đặt hệ thống camera giám sát 24/24 giờ và truyền tín hiệu, thông tin, hình ảnh về Sở Chỉ huy Thành phố.

Công an thành phố chỉ đạo Công an cơ sở phát huy vai trò trách nhiệm của Tổ COVID cộng đồng, giám sát chặt chẽ những di biến động của người dân trên địa bàn; xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống tội phạm.

“Không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống theo các phương án phòng chống dịch của thành phố ở mức cao; tổ chức diễn tập các phương án và tuyên truyền để người dân yên tâm và chấp hành ủng hộ; thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các Nhà tạm giam, tạm giữ, Trại tạm giam do Công an quản lý,” lãnh đạo thành phố lưu ý thêm.

Siết chặt quản lý các chợ dân sinh

Chủ tịch thành phố yêu cầu Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn được phép quyết định áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch ở mức cao hơn và chịu trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trước thành phố; giải thích, thuyết phục, hướng dẫn, yêu cầu các gia đình ký cam kết không ra khỏi nhà khi không thực sự cần thiết, “ai ở đâu thì ở đó.”

Thành phố cũng đề nghị các quận rà soát và xác định: Các phân khu (khu vực nguy cơ cao, rất cao, khu vực có nguy cơ); các điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu, điểm tập kết hàng hóa lưu động; vị trí các chốt kiểm soát dịch bệnh, các chốt rào chắn cứng (không được lưu thông) của từng địa phương để phục vụ chỉ huy, điều hành.

Ủy ban Nhân dân các phường, xã, thị trấn phối hợp trung tâm y tế, tổ chức doanh nghiệp lên danh sách các công dân, nhân viên thuộc nhóm nguy cơ cao, các khu vực nguy cơ cao trên địa bàn của mình, vẽ bản đồ và thực hiện thống kê chi tiết đến từng người dân và hộ gia đình để liên tục giám sát bảo đảm án toàn và sẵn sàng phương án xử lý nếu có ca nhiễm trong khu vực này. Phương án xử lý cần bảo đảm: Cách ly y tế, bảo đảm an sinh, đáp ứng y tế.

Dựa trên các phương án này, người đứng đầu địa phương chủ động tổ chức lại các hoạt động phù hợp bao gồm hoạt động của tổ COVID cộng đồng, các chốt giám sát, phân luồng giao thông, tổ chức lại chợ, siêu thị, bảo đảm hoạt động sản xuất an toàn…

[Hà Nội: 'Shipper' giao hàng sẽ được hoạt động từ 9-20 giờ hàng ngày?[

Các đơn vị phải siết chặt công tác quản lý phòng chống dịch tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích và các hoạt động đông người như xét nghiệm, tiêm chủng, thiện nguyện... trên địa bàn.

Khi xuất hiện ca nhiễm mới trên địa bàn các đơn vị chức năng nhanh chóng thực hiện các hoạt động dịch tễ trong vòng 12 giờ và đánh giá và đưa ra phương án đề xuất gửi Sở chỉ huy quận, huyện, thị xã và thành phố để nhanh chóng khống chế dịch bệnh.

Căn cứ diễn biến dịch bệnh trên địa bàn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã chủ động đánh giá tình hình và có thể quyết định các biện pháp cao hơn phù hợp thực tiễn của từng địa phương để kịp thời ngăn chặn, bóc tách nguồn lây trong thời gian ngắn nhất; đồng thời, phải đảm bảo việc cung ứng đầy đủ kịp thời các nhu yếu phẩm thiết yếu, nhu cầu khám chữa bệnh của người dân./.

Tình hình dịch bệnh tại Hà Nội tính đến tối 3/9:

Số ca nhiễm: 3.967
Trong đó số ca từ thời điểm thực hiện Chỉ thị 16 (24/7) là: 2.759
Số ca tử vong: 41
Số tiêm chủng: 2.986.420 liều.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục