Áp giá sàn vé bay: Giúp hàng không vượt qua cơn bão COVID-19

Cục Hàng không Việt Nam xây dựng khung giá sàn vé máy bay nội địa

Đề xuất áp giá sàn vé máy bay được đưa ra trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế của các nước, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của người tiêu dùng; các hãng hàng không và Nhà nước.
Các hãng hàng không đang gặp nhiều khó khăn về doanh thu do ảnh hưởng của dịch COVID-19. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Các hãng hàng không đang gặp nhiều khó khăn về doanh thu do ảnh hưởng của dịch COVID-19. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa sẽ có sự thay đổi nếu như áp giá sàn và chỉ áp dụng trong thời hạn ngắn để trợ lực các hãng hàng không đang đối mặt với sụt giảm doanh thu nghiêm trọng trước dịch COVID-19.

Áp dụng trong thời hạn ngắn

Theo dự thảo Thông tư quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa trình Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị áp dụng mức giá tối thiểu bằng 20% mức giá tối đa quy định.

Cụ thể, với các đường bay dưới 500km, mức giá tối thiểu áp dụng với nhóm đường bay phát triển kinh tế xã hội là 320.000 đồng/vé/chiều, tối đa là 1,6 triệu đồng vé/chiều; nhóm đường bay khác dưới 500km, mức giá tối thiểu là 340.000 đồng, tối đa là 1,7 triệu đồng.

Với các đường bay từ 500-850km trở lên, mức giá tối thiểu là 440.000 đồng và tối đa 2,2 triệu đồng; đường bay từ 850km-dưới 1.000km, mức giá tương ứng là 560.000 đồng và 2,79 triệu đồng; đường bay từ 1.280km trở lên, mức giá tối thiểu là 750.000 đồng, tối đa là 3,75 triệu đồng.

Theo ông Đinh Việt Thắng, giai đoạn từ đầu năm 2020 đến nay, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 dẫn đến sản lượng vận chuyển hàng không sụt giảm mạnh (không khai thác toàn bộ các chuyến bay quốc tế, các chuyến nội địa cũng bị cắt giảm hoặc lượng khách giảm đáng kể).

Trong khi đó, các hãng hàng không vẫn phải duy trì đội tàu bay với số lượng tương đương, thậm chí lớn hơn số lượng tàu bay năm 2019 dẫn đến chi phí cố định vẫn phát sinh hoặc giảm không tương đồng với sản lượng như chi phí tàu bay bao gồm: chi phí thuê tàu bay, chi phí sửa chữa bảo dưỡng, chi phí khấu hao. Doanh thu sụt giảm mạnh, trong khi chi phí giảm dẫn đến các hãng hàng không bị đứt gẫy dòng tiền thanh toán.

“Đây là những nguyên nhân chính, căn bản, trực tiếp tác động xấu đến hiệu quả sản xuất kinh doanh vận chuyển hàng không, gây nguy cơ đe dọa đến sự tồn tại của các hãng hàng không. Dẫn đến tình trạng các hãng hàng không liên tục hạ giá bán để tối đa hóa hiệu suất sử dụng ghế trên tàu bay tạo dòng tiền duy trì hoạt động kinh doanh,” ông Thắng đánh giá.

[Cuộc chiến giá vé: Hãng bay liên tục 'mất máu,' có nguy cơ phá sản]

Hơn nữa, trong giai đoạn khủng hoảng do tác động của dịch COVID-19 như hiện nay, các chính sách quản lý của Nhà nước về giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa (nếu có) chỉ mang tính chất phụ trợ, có thể giảm bớt phần nào khó khăn cho doanh nghiệp chứ không có tác động lớn, không mang tính quyết định đến tình trạng kinh doanh của doanh nghiệp.

Khẳng định đề xuất áp giá sàn vé máy bay chỉ áp dụng mang tính khẩn cấp, tạm thời và thời gian quy định là 12 tháng (từ 1/11/2021 hết ngày 31/12/2021) nhằm giải quyết khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, vị Cục trưởng Cục Hàng không cho rằng, đề xuất này được đưa ra trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế của các nước đã hoặc đang thực hiện quy định mức giá tối thiểu đối với giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa. Điều này nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, các hãng hàng không và Nhà nước.

“Khung giá trên sát với thực tế về mặt bằng chi phí bình quân của các hãng hàng không Việt Nam; xấp xỉ mức giá cơ bản của dịch vụ đường sắt (ghế ngồi mềm điều hòa) và ngang bằng với dịch vụ vận chuyển đường bộ,” ông Thắng nhấn mạnh.

Sẽ để thị trường tự điều tiết

Dù chỉ áp dụng trong thời gian ngắn, tuy nhiên phía Cục Hàng không cũng chỉ ra tồn tại các bất cập, hạn chế như gây nên tình trạng bất bình đẳng giữa các hãng hàng không, hạn chế tính cạnh tranh trong thị trường kinh doanh vận chuyển hàng không nội địa do với cùng một mức giá tối thiểu, người tiêu dùng sẽ có xu hướng lựa chọn hãng hàng không có điều kiện dịch vụ tối ưu hơn; làm hạn chế khả năng tiếp cận của một bộ phận người tiêu dùng khi đi máy bay; gây cản trở cho nỗ lực kích cầu của các hãng hàng không.

Về mặt dài hạn, trong bối cảnh thị trường vận chuyển hàng không phát triển bình thường, Cục Hàng không đề xuất quản lý giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa theo cơ chế do thị trường tự điều tiết và Nhà nước thực hiện kiểm soát giá bán của các hãng hàng không theo quy định của Luật Cạnh tranh.

Cục Hàng không Việt Nam xây dựng khung giá sàn vé máy bay nội địa ảnh 1Về mặt dài hạn, giá vé máy bay sẽ do thị trường tự điều tiếtvà Nhà nước thực hiện kiểm soát giá bán của các hãng hàng không. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Lý giải thêm về thời hạn áp dụng khung giá sàn chỉ trong vòng 12 tháng này, Cục Hàng không đánh giá thị trường hàng không nội địa sẽ phục hồi sớm hơn thị trường hàng không quốc tế và việc phục hồi hoàn toàn trong năm 2023 là khả thi. Ngoài ra, việc xem xét kéo dài chính sách này hoàn toàn có thể thực hiện được nếu thị trường nội địa tiếp tục gặp khó khăn như giai đoạn năm 2021.

[Bộ GTVT lập tổ công tác kiểm tra việc cạnh tranh giá vé bay nội địa]

Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế khẳng định việc áp sàn giá vé máy bay là điều cần thiết, đúng đắn trong bối cảnh đặc thù hiện nay nhằm chấm dứt cuộc đua giảm giá vô tội vạ, giẫm đạp lên nhau tự làm yếu mình, làm méo mó thị trường, khiến mọi doanh thu từ vé bán dưới giá thành để thu hút khách hàng và loại trừ đối thủ, trái với lợi ích doanh nghiệp và quốc gia.

“Bộ giá sàn phù hợp và minh bạch sẽ nhận được sự đồng thuận xã hội cao khi và chỉ khi được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu xác định được các chi phí hợp lý tối thiểu cho các hoạt động và điều kiện vận chuyển cùng loại của các hãng hàng không khác nhau. Nói cách khác, không thể lập giá sàn duy ý chí hay cào bằng mọi sàn giá cho tất cả các dạng hoạt động hàng không, lại càng không thể quy định giá sàn chỉ dựa vào giá đề nghị của doanh nghiệp có chất lượng dịch vụ kém, hoặc có chi phí sản xuất lạc hậu, bộ máy cồng kềnh, lãng phí các nguồn lực và quản lý không hiệu quả các hoạt động kinh doanh…,” ông Phong cho hay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục