Cuộc chiến chống COVID-19 nơi biên giới Điện Biên, Long An, Tây Ninh

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, vai trò, trách nhiệm của cán bộ, chiến sỹ tại các chốt kiểm soát, phòng, chống dịch trên tuyến biên giới rất quan trọng.
Cuộc chiến chống COVID-19 nơi biên giới Điện Biên, Long An, Tây Ninh ảnh 1Đoàn công tác của Tỉnh ủy Điện Biên làm việc với Đồn Biên phòng Si Pha Phìn sáng 19/5. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, vai trò, trách nhiệm của cán bộ, chiến sỹ tại các chốt kiểm soát, phòng, chống dịch trên tuyến biên giới rất quan trọng.

Điện Biên: Kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn huyện Nậm Pồ

Ngày 19/5, Đoàn công tác do ông Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên làm trưởng đoàn, đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn huyện Nậm Pồ.

Sau khi kiểm tra thực tế tại một số khu cách ly tập trung trên địa bàn các xã Si Pa Phìn, Phìn Hồ, chiều 19/5, Đoàn đã làm việc với cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chức năng huyện Nậm Pồ và họp trực tuyến với 14/15 xã trên địa bàn.

Theo báo cáo của huyện Nậm Pồ, ngày 14/5, địa bàn huyện xuất hiện trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 đầu tiên (Bệnh nhân 3758, nữ, kế toán Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Tân Phong, xã Si Pa Phìn. Đến ngày 19/5, huyện ghi nhận 26 trường hợp dương tính với SASR-CoV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 trên địa bàn toàn tỉnh lên 31 trường hợp.

Ngay sau khi ghi nhận ca mắc COVID-19, địa phương đã khẩn trương truy vết, khoanh vùng, cách ly và xét nghiệm đối với các trường hợp F1, F2, F3 trên địa bàn theo đúng quy định; thành lập Tổ công tác trực tiếp xuống địa bàn có dịch để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch.

Đồng thời, huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các xã quyết liệt khẩn trương vào cuộc; tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, nắm rõ các biện pháp phòng, chống dịch.

Vùng cách ly đối với toàn xã Si Pa Phìn nhanh chóng thiết lập. Từ ngày 14/5 đến nay, huyện Nậm Pồ luôn duy trì họp vào lúc 21giờ hằng ngày giữa đầu cầu của huyện với đầu cầu của xã Si Pa Phìn để nắm tình hình lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời.

Với phương châm “chống dịch như chống giặc,” địa phương đã kích hoạt hai chốt kiểm soát dịch bệnh tại xã Si Pa Phìn và xã Chà Tở, thành lập các tổ rà soát, truy vết, các tổ di động.

Đến nay, huyện Nậm Pồ đã thành lập 11 khu cách ly tập trung với sức chứa 2.340 trường hợp F1; xây dựng phương án, khảo sát thêm các khu cách ly khác. Toàn huyện đã điều tram truy vết được 1.190 trường hợp F1, hơn 3.340 trường hợp F2.

Tất cả các trường hợp F1, F2 đã được đưa đi cách ly tại các khu cách ly tập trung, tại nhà đúng theo quy định. Huyện đã lấy mẫu xét nghiệm cho hơn 930 trường hợp F1 và 1.400 trường hợp F2.

Bên cạnh đó, công tác đảm bảo an ninh trật tự, quản lý, bảo vệ biên giới để nắm chắc tình hình, triển khai các giải pháp phòng ngừa dịch lây lan từ các nước có chung biên giới vào địa bàn đã được triển khai tốt.

Các lực lượng chức năng đã duy trì nghiêm hoạt động tuần tra, kiểm soát, chốt chặn trên biên giới. Lực lượng Biên phòng thường xuyên duy trì hoạt động với 22 tổ chốt chặn phòng, chống dịch, trong đó có 13 tổ chốt cố định, 9 tổ cơ động với gần 150 người tham gia.

Tại buổi làm việc, chính quyền địa phương, đại diện các sở, ngành, cơ quan chức năng đã nêu lên những khó khăn, bất cập và đề xuất các biện pháp gỡ khó cho địa phương trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Theo Bí thư Huyện ủy huyện Nậm Pồ Lê Khánh Hóa, công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn còn nhiều khó khăn như: cơ sở vật chất, hạ tầng, nhân lực y tế của huyện còn nhiều thiếu thốn, chưa đáp ứng trong tình huống như hiện nay.

Một số cơ sở cách ly tập trung khó khăn về nguồn nước sinh hoạt, nhà vệ sinh. Dịch xuất phát từ sự lây lan trong cộng đồng dẫn đến bùng phát trên diện rộng. Địa phương thiếu nhân lực trong tham gia phòng, chống dịch, đặc biệt là nhân lực y tế; thiếu phương tiện vận chuyển các trường hợp phải đưa đi cách ly tập trung.

[Kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới tỉnh An Giang để chống dịch]

Lực lượng chuyên trách tham mưu giúp việc về công tác phòng, chống dịch còn hạn chế. Việc đưa học sinh, quản lý học sinh tại các cơ sở cách ly tập trung khó khăn do không có người quản lý.

Hơn nữa, địa phương có địa hình phức tạp, dân cư sinh sống rải rác khó khăn cho việc điều tra, xác minh các trường hợp F1, F2 và tiếp cận đưa người đi cách lý tập trung, theo dõi tại nhà đối với các trường hợp F2.

Hiện đang là mùa khô, nắng nóng, việc đảm bảo nước sinh hoạt cho số lượng lớn người đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch và số người đang cách ly tập trung tại địa bàn xã Si Pa Phìn (vùng thiết lập cách ly với hơn 1.100 hộ, gần 6.000 nhân khẩu).

Đại diện chính quyền địa phương đề nghị Sở Y tế quan tâm tăng cường nhân lực, vật tư, hóa chất, quần áo phòng hộ… cho công tác phòng, chống dịch; hỗ trợ 5 xe y tế cho địa phương để chở người đi cách ly tập trung, hỗ trợ khoảng 50 người phục vụ phòng, chống dịch.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Điện Biên tăng cường năng lực xét nghiệm cho địa phương để kịp thời phát hiện sớm các F0 và đưa F1 vào vùng cách ly tập trung, tránh tình trạng lây lan, sớm xét nghiệm trên diện rộng đối với xã Si Pa Phìn.

Tại buổi họp, ông Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên, Phó Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Điện Biên nhấn mạnh, hiện địa bàn huyện Nậm Pồ đang nằm ở “cấp độ 4” nên không được lơ là, chủ quan.

Địa phương cần rà soát, xây dựng kịch bản phòng, chống dịch cho tình huống dịch bệnh có thể tăng, xảy ra đối với các xã khác. Công tác truy vết các trường hợp tiếp xúc gần với trường hợp mắc COVID cần nhanh nhạy, linh động, tránh máy móc.

Công tác bảo hộ cho lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch cần được chú ý. Vấn đề điều phối vật tư, lương thực thực phẩm từ nguồn tài trợ, hỗ trợ phải linh hoạt và có kế hoạch, chi tiêu minh bạch.

Đối với công tác công tác tuần tra, kiểm soát xuất nhập cảnh trên khu vực biên giới, địa phương cần tiếp tục tăng cường cho các tổ chốt phòng chống dịch trên biên giới; kiểm soát chặt chẽ các tuyến giao thông… Công tác phòng dịch trong Ngày Bầu cử cần nghiên cứu, xây dựng kế hoạch chi tiết trong tình hình dịch phức tạp. 

Phát biểu chỉ đạo, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh: Dịch COVID-19 tại Nậm Pồ bằng mọi giá phải khoanh vùng dập dịch nhanh nhất, tập trung quyết liệt nhất để không phát sinh dịch trên địa bàn khác.

Với đặc thù về vị trí địa lý, điều kiện khó khăn về kinh tế, cơ sở vật chất, nếu lơ là, chủ quan, hậu quả sẽ khôn lường. Vấn đề cấp bách lúc này là phải khống chế được số lượng các ca nhiễm, quản lý chặt địa bàn không để mầm bệnh lan. Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn nhưng phải quyết tâm thực hiện cho bằng được.

Để làm được điều này, địa phương cần tập trung quyết liệt với sự vào cuộc, chung tay của cả hệ thống chính trị trong khoanh vùng và dập dịch trong thời gian nhanh nhất.

Huyện tiếp tục chuẩn bị đầy đủ cơ sở cách ly với điều kiện tốt nhất, tập trung phương tiện, lực lượng, vật tư y tế, đưa vào cách ly 100% F1; quản lý chặt chẽ khu cách ly, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, không để các F1 tiếp xúc với nhau, không để F1 đi ra ngoài khu vực cách ly; không để lây nhiễm chéo trong các khu cách ly. Tại các khu cách ly, huyện phải có điều chỉnh lại, không thể để quá dày các F1 trong phòng.

Huyện Nậm Pồ cần chú ý đến điều kiện sinh hoạt của các F1 tại các khu cách ly tập trung. Việc quản lý các khu cách ly, triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch, địa phương phải cá thể hóa trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể. Nếu để xảy ra lây nhiễm chéo trong các khu cách ly, phải xem xét trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể liên quan.

Bí thư Tỉnh ủy đề nghị ngành Y tế, huyện Nậm Pồ chủ động nguồn sinh phẩm, vật tư y tế và có phương án để xét nghiệm trên diện rộng trên toàn xã Si Pa Phìn.

Đánh giá việc lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Điện Biên quá chậm, Bí thư Tỉnh ủy lưu ý Trung tâm cần đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm, cho kết quả nhanh nhất để tạo điều kiện truy vết F1, F2.

Theo Bí thư Tỉnh ủy, hiện nay, số lượng F2 cách ly tại nhà của Nậm Pồ rất đông, nếu không quản lý tốt các trường hợp F2, nguy cơ lây lan rất dễ xảy ra. Do vậy, địa phương cần phát huy tối đa sự quản lý của chính quyền địa phương, thôn bản và tổ giám sát cộng đồng.

Trường hợp F2 nếu chuyển thành F1 phải triển khai đưa đi cách ly vào khu cách ly ngay. Quản lý chặt chẽ nghiêm quy định về phong tỏa theo đúng quy định của Chính phủ và Bộ Y tế đối với xã Si Pa Phìn.

Huyện Nậm Pồ phải tăng cường nhận diện các đối tượng có biểu hiện ho, sốt, khó thở… trên địa bàn thông qua các cơ sở y tế, cửa hàng thuốc, tổ tự quản, tổ giám sát cộng đồng. Cần có chế tài đối với các cơ sở bán thuốc khi người mua có những biểu hiện ho, sốt, khó thở…mà không báo cho cơ quan chức năng.  

Liên quan đến công tác bầu cử trên địa bàn giữa lúc dịch đang diễn ra phức tạp, địa phương phải xem công tác bầu cử gắn với phòng, chống COVID-19, do đỏ phải đảm bảo thành công cho bầu cử, đảm bảo kiểm soát được tình hình sức khỏe của cử tri tại các điểm bỏ phiếu.

Tất cả các điểm bầu cử phải bố trí khu vực riêng để đo nhiệt độ, nếu có biểu hiện thân nhiệt cao, phải tách luồng, đi vào khu vực bỏ phiếu riêng và có máy đo thân nhiệt. Riêng khu vực thiết lập cách ly là xã Si Pa Phìn, công tác bầu cử phải làm rất chặt chẽ, tuân thủ tuyệt đối quy định phòng chống dịch; thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, công sở. 

Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo lực lượng Biên phòng kiểm tra chặt chẽ đường biên, cột mốc, ngăn chặn kịp thời các trường hợp xuất nhập cảnh trái phép trên địa bàn. Chính quyền địa phương cần quan tâm, hỗ trợ kịp thời các gia đình trong khu vực phong tỏa. Đối với nguồn hỗ trợ, địa phương phải sử dụng đúng mục đích, đúng thời điểm, công khai minh bạch.

Sáng 19/5, đoàn công tác đã làm việc với Đồn Biên phòng Si Pha Phìn (Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên) về công tác bảo vệ biên giới, tình hình xuất nhập cảnh trên tuyến biên giới và trao quà, hỗ trợ Đồn Biên phòng Si Pha Phìn thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Tây Ninh: Vận động người dân vùng biên tham gia tố giác người xuất nhập cảnh trái phép

Ngày 19/5, tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh, phối hợp Ủy ban Nhân dân xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu tổ chức Lễ phát động phong trào toàn dân tham gia phòng, chống dịch COVID-19 và xuất nhập cảnh trái phép qua khu vực biên giới.

Cuộc chiến chống COVID-19 nơi biên giới Điện Biên, Long An, Tây Ninh ảnh 2Hai người Việt Nam nhập cảnh trái phép gần Cửa khẩu Phước Tân, Tây Ninh bị bắt giữ. (Ảnh: TTXVN phát)

Theo Thiếu tướng Nguyễn Hoài Phương, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, đợt phát động lần này là chủ trương lớn của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, nhằm phát huy sức mạnh toàn dân tham gia cùng Bộ đội Biên phòng trên mặt trận phòng, chống dịch COVID-19 và xuất, nhập cảnh trái phép.

Để tạo nên một lá chắn thép trên cửa ngõ Tây Nam, Thiếu tướng Nguyễn Hoài Phương đề nghị Bộ đội Biên phòng Tây Ninh phối hợp chặt chẽ cùng các huyện biên giới tiếp tục phát huy những thế mạnh sẵn có, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân hiểu rõ về những thảm hoạ mà đại dịch COVID-19 gây ra, chung sức đồng lòng tạo nên một vành đai biên giới luôn vững chắc và an toàn.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tiên Thuận Nguyễn Văn Phước cho biết, trong thời gian qua, tại địa bàn xã Tiên Thuận vẫn còn một số cá nhân do nhận thức chưa đầy đủ nên đã bao che, tiếp tay, không tố giác các đối tượng đưa, đón người xuất nhập cảnh trái phép, trong đó có cả người Việt Nam và người nước ngoài ở vùng dịch.

Là địa bàn xã biên giới, tiếp giáp với Thành phố Bà Vét, tỉnh Svay Rieng, Campuchia và là địa bàn mà các tổ chức chuyên đưa, đón người xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới lợi dụng để hoạt động. Những hành vi trên là vi phạm pháp luật và đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh cho cộng đồng.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tiên Thuận Nguyễn Văn Phước kêu gọi người dân khi phát hiện có người lạ hoặc ở vùng dịch trở về, thông báo ngay cho và ngành chức năng địa phương hoặc đồn biên phòng. Đặc biệt, không xuất nhập cảnh trái phép, không tiếp tay, không tổ chức đưa đón, môi giới xuất nhập cảnh trái phép.

Tại buổi lễ, Ban Quản lý các ấp thuộc Ủy ban Nhân dân xã Tiên Thuận cùng ký cam kết tự giác chấp hành nghiêm các quy định, thực hiện đầy đủ biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 cho bản thân và cộng đồng; không xuất, nhập cảnh trái phép, không tiếp tay bao che, tổ chức xuất, nhập cảnh trái phép; khi phát hiện có trường hợp xuất, nhập cảnh trái phép phải kịp thời báo ngay với ngành chức năng theo đúng quy định.

Dịp này, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã trao quà động viên cho đại diện Ban Quản lý các ấp trong xã Tiên Thuận và các cá nhân tiêu biểu trên địa bàn; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tây Ninh tặng mỗi ấp một hòm thư tố giác tội phạm và tặng Giấy khen 9 cá nhân tiêu biểu, tích cực tham gia phòng, chống dịch COVID-19 và xuất nhập cảnh trái phép ở khu vực biên giới trong thời gian vừa qua.

Ngay sau lễ phát động, cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài cùng các lực lượng tại địa phương tổ chức tuyên truyền lưu động trên các tuyến đường trong xã Tiên Thuận, tổ chức phát tờ rơi, dán poster tuyên tuyền tại các địa điểm công cộng.

Long An: "Lá chắn" trên tuyến biên giới 

với tinh thần “chống dịch như chống giặc,” người chiến sỹ không quản ngại khó khăn, vẫn bám trụ tại các tổ, chốt nhằm kiểm soát chặt chẽ các đường mòn, lối mở, những điểm có nguy cơ có người xuất, nhập cảnh trái phép, quyết tâm không để dịch COVID-19 xâm nhập qua vùng giới.

Động viên lực lượng đang làm nhiệm vụ, Ủy ban nhân dân tỉnh Long An đã tổ chức Đoàn đến từng điểm, chốt để thăm nơi ở, làm việc, tìm hiểu điều kiện sinh hoạt của cán bộ, chiến sỹ.

Trong đó, Đồn Biên phòng Thuận Bình (huyện Thạnh Hóa) có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đoạn biên giới dài gần 9 km. Đơn vị đang triển khai 2 chốt và 8 tổ gác kiểm soát lưu động ngăn chặn, phòng, chống dịch.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An Phạm Tấn Hòa tới thăm, động viên cán bộ, chiến sỹ tại chốt kiểm soát, giữ gìn sức khỏe, cố gắng làm tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh trên tuyến biên giới; khẳng định Ủy ban Nhân dân tỉnh, các sở, ngành và các huyện, thị xã, thành phố ở tuyến sau sẽ luôn luôn quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho cán bộ, chiến sỹ trên tuyến biên giới thực hiện nhiệm vụ.

Cùng với hơn 30 chốt bán kiên cố, trên toàn tuyến 133 km biên giới của tỉnh còn có khoảng 150 điểm quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch. Thời gian qua, tỉnh chỉ đạo Bộ đội Biên phòng cùng các lực lượng phối hợp đầu tư cơ sở vật chất để các điểm, chốt ngày càng kiên cố; vận động người dân địa phương hỗ trợ, tuyến sau đỡ đầu tuyến trước và trích từ ngân sách.

Ngoài quân số tại chỗ, tham gia kiểm soát biên giới còn có lực lượng tăng cường từ các tỉnh Bến Tre, Nam Định, Ninh Bình; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; công an và dân quân địa phương.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh đề nghị đơn vị tích cực hướng dẫn chiến sỹ mới nắm rõ điều kiện sinh hoạt ở địa bàn biên giới và tận dụng “tai mắt” của người dân để hỗ trợ các lực lượng làm nhiệm vụ.

Theo Trung tá Nguyễn Văn Tiền, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Thuận Bình, đơn vị xây dựng đầy đủ các kế hoạch, phương án, cũng như khi có tình hình diễn biến phức tạp, nhằm xử lý kịp thời, ngay tại cơ sở, không để bị động, bất ngờ.

Bên cạnh đó, ba lực lượng là công an, quân sự và biên phòng xây kế hoạch, phương án bảo vệ thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Qua đây, các lực lượng cùng đoàn kết, thống nhất để hoàn thành tốt nhiệm vụ các cấp lãnh đạo giao.

Đến nay, Long An thành lập 37 điểm cách ly với 10.329 giường theo cấp độ 5; trong đó có hai điểm cách ly quân sự và 35 điểm cách ly dân sự chuẩn bị cho tình huống tiếp nhận người về từ tuyến biên giới và các khu vực khác trong tình hình cấp bách.

Bên cạnh đó, lực lượng vũ trang tỉnh đã tổ chức điều động gần 1.500 lượt cán bộ, chiến sỹ, dân quân thường trực tham gia điều trị, phục vụ và bảo vệ các khu cách ly; phối hợp cùng lực lượng biên phòng duy trì 36 chốt và 6 tổ kiểm soát lưu động kiểm soát chặt chẽ cửa khẩu, đường mòn, lối mở; kịp thời ngăn chặn, bắt giữ các đối tượng xuất nhập cảnh trái phép, ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch COVID-19 từ bên ngoài xâm nhập vào Việt Nam.

Không quản ngại điều kiện thời tiết khắc nghiệt, trên từng km đường biên, những “lá chắn” ngày đêm vững vàng bám chốt, kiểm soát chặt chẽ các đường mòn, lối mở, quyết tâm ngăn chặn dịch xâm nhập qua biên giới để hậu phương luôn bình yên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục