Đà Nẵng: Một số doanh nghiệp lúng túng khi phát hiện ca nhiễm COVID-19

Theo Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Đà Nẵng, nhiều doanh nghiệp vẫn còn lúng túng trong việc xử lý trường hợp phát hiện F0 tại cơ quan, nhà máy, nhất là trong việc đánh giá nguy cơ dịch bệnh.
Đà Nẵng: Một số doanh nghiệp lúng túng khi phát hiện ca nhiễm COVID-19 ảnh 1Thông điệp 5K phòng, chống dịch COVID-19 tại Công viên Biển Đông (Đà Nẵng). (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Chiều 24/11, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng họp bàn các biện pháp phòng, chống dịch.

Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Ngô Thị Kim Yến đề nghị các đơn vị, địa phương tiếp tục tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người dân trong việc thực hiện tốt thông điệp 5K của Bộ Y tế; chủ động phân tích, đánh giá tình hình để xác định nguy cơ dịch bệnh, từ đó có các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp trên địa bàn quản lý.

Bà Ngô Thị Kim Yến cho hay, hiện các doanh nghiệp vẫn còn lúng túng trong việc xử lý trường hợp phát hiện F0 tại cơ quan, nhà máy, nhất là trong việc đánh giá nguy cơ dịch bệnh.

Do đó, Sở Y tế cần phối hợp với Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp, các địa phương hướng dẫn doanh nghiệp về quy trình thực hiện quy định phòng, chống dịch, nhất trong trường hợp có F0 trong đơn vị. Đặc biệt, các đơn vị cần thực hiện các quy định khi cho F liên quan đi làm việc tại nhà máy, công sở; tổ chức lắp camera tại những nơi có đông người lao động.

[Đà Nẵng chưa cho học sinh đi học trở lại từ 15/11 như dự kiến]

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng đề nghị Sở Y tế làm việc với các cơ quan, đơn vị liên quan để kiểm tra, làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị trong việc chậm xử lý ổ dịch tại các công ty trong thời gian qua (như trường hợp tại Công ty Hữu Nghị). Trong đó, lưu ý việc đánh giá nguy cơ, xác định F1, F liên quan không đúng làm dịch bệnh lây lan, báo cáo Ban Chỉ đạo thành phố.

Địa phương có F0 phát sinh tại các khu vực ngõ, hẻm đông dân cư cần quan tâm đánh giá kỹ, tổ chức khoanh vùng hợp lý và giám sát thường xuyên trong khu phong tỏa tại khu dân cư để hạn chế việc lây lan dịch bệnh rộng ra bên ngoài.

Ngành Giáo dục, Y tế và các địa phương cần quan tâm phối hợp chuẩn bị kỹ điều kiện tổ chức tiêm vaccine cho học sinh lớp 6, 7 đảm bảo an toàn, hiệu quả. Các cơ quan truyền thông, báo chí tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân đăng ký và tiêm vaccine phòng COVID-19, nhất là người lớn tuổi, người có bệnh nền có thể tiêm được.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông đánh giá hiệu quả việc quét mã QRCode trong việc truy vết các F1, F liên quan F0 phát hiện trong thời gian vừa qua và đề xuất giải pháp để nâng cao hiệu quả trong thời gian tới.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố Đà Nẵng, tính từ 13h ngày 23/11 đến 13h ngày 24/11, thành phố ghi nhận 60 ca mắc COVID-19; trong đó, 10 ca cách ly tập trung, 23 ca cách ly tại nhà, 1 ca trong khu phong tỏa, 1 ca tại chốt kiểm soát dịch cửa ngõ, 1 ca về từ ngoại tỉnh và 24 ca cộng đồng.

Tính từ ngày 16/10, thành phố ghi nhận 660 ca mắc COVID-19, trong đó có 77 ca về từ ngoại tỉnh. Trong ngày 24/11, ngành y tế tổ chức xét nghiệm 24.928 lượt người; 18 trường hợp khỏi bệnh, 465 bệnh nhân đang điều trị.

Đến nay, Đà Nẵng đã tiêm được 1.588.853 liều vaccine. Ông Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố cho hay, ngày 25/11, thành phố tiêm mũi 2 cho học sinh trung học phổ thông và tiêm mũi 1 cho học sinh lớp 6, lớp 7./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục