Đại biểu Quốc hội: Sớm khơi thông dòng vốn để ổn định kinh tế vĩ mô

Đại biểu quốc hội kiến nghị cần thiết phải có cơ chế điều chỉnh dòng vốn đi vào các lĩnh vực sản xuất hiệu quả, ổn định và bền vững; các dự án cần được rà soát kỹ, có tính khả thi cao.
Đại biểu Quốc hội: Sớm khơi thông dòng vốn để ổn định kinh tế vĩ mô ảnh 1Đại biểu Phan Đức Hiếu Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đoàn Thái Bình (Ảnh: Vietnam+)

Đại biểu Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đoàn Thái Bình cho biết một số tồn tại, khó khăn của nền kinh tế trong chặng ‘nước rút’ - hai tháng cuối cùng của năm, là mặc dù tăng trưởng ở mức cao song chưa bù đắp được mức giảm sút của năm 2021 do tác động của dịch COVID-19.

Thêm vào đó, thị trường tài chính, tiền tệ phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng cùng với thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Thách thức, áp lực bủa vây

Theo đại biểu Phan Đức Hiếu, mặc dù báo cáo của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế-xã hội trong 10 tháng của năm cho thấy kinh tế vĩ mô cơ bản được giữ vững, song nền kinh tế vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức, do sức ép lạm phát lớn, giá xăng-dầu, nguyên vật liệu đầu vào biến động mạnh.

Bên cạnh đó, các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp, trong khi một số quy định pháp luật còn bất cập, chưa được sửa đổi kịp thời. Mặt khác, việc giải ngân vốn đầu tư công, triển khai thực hiện một số chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Chương trình mục tiêu quốc gia và việc lập các quy hoạch còn khá chậm.

[Đại biểu Quốc hội: Siết chặt kỷ cương về tiết kiệm, chống lãng phí]

Về thị trường vốn, ông Hiếu cho hay các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong khi việc cơ cấu lại một số tổ chức tín dụng yếu kém còn nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao, dẫn đến thực trạng nợ xấu, nợ thuế có xu hướng tăng. Những điều này đã tác động ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất-kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế.

Cụ thể hơn, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đoàn Cần Thơ chỉ ra trong bối cảnh lạm phát được duy trì ở mức thấp, các nhà đầu tư đã rất kỳ vọng dòng vốn trên thị trường dồi dào hơn, doanh nghiệp tiếp cận dễ hơn, các dự án đầu tư có đủ vốn để triển khai nhanh hơn. Nhưng thực tế không được như kỳ vọng, doanh nghiệp đang “khát vốn” khiến nhiều dự án bị đình trệ, do không thể tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng. Thêm vào đó, thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang đối mặt rất nhiều khó khăn sau vụ việc của FLC và Tân Hoàng Minh và mới đây là Vạn Thịnh Phát.

Theo ông Hùng, trong lúc chờ đợi sự phục hồi từ thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp, các doanh nghiệp đã rất mong đợi Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng 1%-2% thời gian tới. "Song, Ngân hàng Nhà nước trước đó đã hai lần điều chỉnh nâng lãi suất điều hành đồng thời tăng trần lãi suất tiền gửi, khiến khả năng nới room tín dụng thời từ nay đến cuối năm là hết sức khó khăn," ông Hùng nói.

Giải bài toán thiếu vốn cho nền kinh tế

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh để giúp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát cần ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.

Do đó, ông Hùng đề xuất giải pháp từ nay đến cuối năm Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng đồng thời phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, đặc biệt bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời vốn tín dụng cho nền kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát.

Đại biểu Quốc hội: Sớm khơi thông dòng vốn để ổn định kinh tế vĩ mô ảnh 2Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đoàn Cần Thơ. (Ảnh: Quochoi.vn)

Trên cơ sở đó, ông Hùng cho rằng cần thiết phải có cơ chế điều chỉnh dòng vốn đi vào các lĩnh vực sản xuất hiệu quả, ổn định và bền vững; các dự án cần được rà soát kỹ, có tính khả thi cao. Theo ông, việc cung tiền cần hết sức tránh chảy nguồn lực vào các lĩnh vực rủi ro cao, gây thêm các hệ lụy tiềm ẩn (như nợ xấu, kéo lãi suất và tỷ giá tăng cao, tạo bất ổn cho nền kinh tế).

Trong bối cảnh lãi suất huy động tiếp tục tăng lên, ông Hùng nhấn mạnh các tổ chức tín dụng cần chấp nhận thu hẹp biên lãi ròng để chia sẻ với khó khăn chung của nền kinh tế, giữ ổn định lãi suất cho vay đồng thời nghiên cứu giảm lãi suất cho vay ở một số lĩnh vực ưu tiên.

Về chính sách, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng kiến nghị Chính phủ cần sớm triển khai hiệu quả các gói về chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, gói hỗ trợ lãi suất 2% cần tiếp tục đẩy nhanh hơn để giải bài toán thiếu vốn cho doanh nghiệp.

Đối với thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp, ông Hùng kiến nghị các cơ quan Nhà nước và tổ chức có liên quan cần sớm đưa ra những thông điệp đồng thời có sự cam kết mạnh mẽ hơn nhằm ổn định tâm lý của nhà đầu tư cũng như tăng cường giám sát để doanh nghiệp thực hiện đúng cam kết khi huy động vốn và đảm bảo tính khả thi khi thực hiện dự án.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Thịnh, đoàn Bắc Giang đề nghị Chính phủ cần có biện pháp quyết liệt đẩy nhanh đầu tư công, thực hiện nâng lương khu vực công từ 1/1/2023 thay vì 1/7/2023 đồng thời mở rộng đối tượng được hưởng hỗ trợ lãi suất vay vốn.

Mặt khác, ông Thịnh đề xuất Chính phủ cân nhắc sớm áp dụng quy định thanh toán không dùng tiền mặt trong toàn bộ nền kinh tế. Theo ông, điều này là khả thi, bởi nền kinh tế đang có trên 100 triệu tài khoản thanh toán tại các ngân hàng thương mại và có 127 triệu số thuê bao di động có thể chuyển ngay lên được thanh toán theo hình thức Mobile money.

Đại biểu Quốc hội: Sớm khơi thông dòng vốn để ổn định kinh tế vĩ mô ảnh 3Đại biểu Phạm Văn Thịnh, đoàn Bắc Giang. (Ảnh: Vietnam+)

“Thanh toán không dùng tiền mặt đang được bộ phận lớn người dân thực hiện. Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy trong giai đoạn đầu áp dụng bắt buộc, thanh toán không dùng tiền mặt đóng góp từ 1-2% tăng trưởng GDP. Thanh toán không dùng tiền mặt đem lại nhiều lợi ích to lớn, như tăng tổng phương tiện thanh toán mà không phải tăng cung tiền, giúp giảm chi phí vốn, tiết kiệm nhân lực, nâng sức cạnh tranh cho nền kinh. Trên cơ sở đó, các ngành chức năng có điều kiện từng bước quản lý được doanh thu chịu thuế (cơ sở để tiến đến thu đúng, thu đủ), tăng thu ngân sách, đảm bảo nguồn để thực hiện cải cách tiền lương, nâng cao hiệu quả quản trị xã hội," ông Thịnh nhấn mạnh.

Bên cạnh nhiệm vụ trọng tâm ổn định thị trường vốn, thị trường tiền tệ, đại biểu Phan Đức Hiếu nhấn mạnh các cấp, ngành và địa phương cũng cần theo dõi sát tình hình, tận dụng tốt thời cơ, hóa giải khó khăn và thách thức, từ đó đảm bảo ổn định cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống, nhất là dịp lễ, Tết và đầu năm 2023./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục