Đàm phán cấp tư lệnh Trung Quốc-Ấn Độ đạt được tiến triển

Các quan chức quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đã đạt được tiến triển về những biện pháp hiệu quả được các lực lượng tiền tuyến triển khai nhằm thoát khỏi và giảm leo thang tình hình hiện nay.
Binh sỹ Ấn Độ tuần tra tại Gagangir, khu vực biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc, ngày 17/6/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Binh sỹ Ấn Độ tuần tra tại Gagangir, khu vực biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc, ngày 17/6/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 1/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết vòng đàm phán thứ ba diễn ra ngày 30/6 giữa các tư lệnh của nước này và Ấn Độ đã đạt được tiến triển trong nỗ lực giảm leo thang căng thẳng dọc đường biên giới chung.

Theo ông Triệu Lập Kiên, hai bên đang tiếp tục nỗ lực hướng tới triển khai sự nhất trí đã đạt được trong 2 vòng đàm phán cấp tư lệnh trước đó.

Các quan chức quân đội 2 nước đã đạt được tiến triển về những biện pháp hiệu quả được các lực lượng tiền tuyến triển khai nhằm thoát khỏi và giảm leo thang tình hình hiện nay.

Người phát ngôn Triệu Lập Kiên cho biết hai bên hy vọng sẽ hợp tác để tiến tới mục tiêu đề ra, duy trì liên lạc chặt chẽ thông qua các kênh quân sự và ngoại giao, xoa dịu tình hình, và giảm bớt căng thẳng dọc biên giới.

[Ấn Độ-Trung Quốc nhất trí các biện pháp hạ nhiệt tình hình]

Trong một diễn biến khác, ngày 1/7, Bộ trưởng Giao thông đường bộ và đường cao tốc Ấn Độ Nitin Gadkari tuyên bố Ấn Độ sẽ không cho phép các công ty Trung Quốc tham gia các dự án đường cao tốc, kể cả những dự án thông qua liên doanh.

Theo ông Gadkari, Ấn Độ sẽ sớm ban hành một chính sách cấm các công ty Trung Quốc và nới lỏng tiêu chuẩn để cho các công ty Ấn Độ có đủ điều kiện tham gia các dự án đường cao tốc.

Quyết định mới này sẽ được áp dụng đối với các cuộc đấu thầu trong tương lai. Còn đối với những cuộc đấu thầu hiện hành có sự tham gia của bất cứ liên doanh Trung Quốc nào thì sẽ được tổ chức lại.

Ông Gadakri cũng cho biết New Delhi sẽ đảm bảo rằng các nhà đầu tư Trung Quốc không được hoan nghênh trong các lĩnh vực khác nhau như các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME).

Hôm 29/6, Chính phủ Ấn Độ cũng đã cấm 59 ứng dụng di động, hầu hết liên quan đến Trung Quốc, với lý do đe dọa đến an ninh quốc gia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục