"Dân vận khéo" ở Hải Phòng: Thay đổi bộ mặt nông thôn, nông nghiệp

Từ phong trào “Dân vận khéo," nhiều thôn, xã ở huyện Kiến Thụy (Hải Phòng) đã có những bước chuyển biến vượt bậc về cảnh quan môi trường, quy mô sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao.
"Dân vận khéo" ở Hải Phòng: Thay đổi bộ mặt nông thôn, nông nghiệp ảnh 1Anh Nguyễn Sĩ Hưng, xã Kiến Quốc, huyện Kiến Thụy, trồng dưa trong nhà kính theo công nghệ của Israel. (Ảnh: Minh Thu/TTXVN)

Trong hơn 10 năm qua, tại Hải Phòng, từ những hiệu quả của phong trào “Dân vận khéo,” nhiều việc khó đã được giải quyết, mang đến những kết quả vượt bậc trong phát triển kinh tế, xã hội.

Trên hành trình ấy, mỗi cá nhân, đơn vị có một cách làm khéo, mỗi tổ chức chính trị-xã hội là một phương pháp dân vận, nhưng tất cả đều có chung một mục đích vì quyền lợi của nhân dân, vì sự đồng thuận cao của ý Đảng, lòng dân.

Từ phong trào “Dân vận khéo," nhiều thôn, xã ở huyện Kiến Thụy (Hải Phòng) đã có những bước chuyển biến vượt bậc về cảnh quan môi trường. Phương thức và quy mô sản xuất đều tiếp cận cách tư duy mới, ứng dụng công nghệ cao, đem lại hiệu quả kinh tế, tiết kiệm sức lao động, cung ứng sản phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng.

Khơi lên ngọn lửa

Năm 2017, thôn Xuân Chiếng, xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy được chọn xây dựng thí điểm nông thôn mới cấp thành phố. Đây là vinh dự song cũng là thách thức lớn đối với đội ngũ cán bộ địa phương, những người trực tiếp triển khai.

Bí thư Chi bộ thôn Xuân Chiếng Phạm Xuân Sông nhớ lại trước năm 2017, điểm nóng về môi trường trong thôn chính là tuyến mương ở giữa làng dài 1.200m. Nguồn nước bị ô nhiễm, hai bên bờ mương là cỏ dại và một số điểm có rất nhiều rác thải do người dân vứt ra. Sản xuất nông nghiệp trong tình trạng nhỏ lẻ, manh mún, không ít đất ruộng bị bỏ hoang.

Phải bắt đầu từ đâu, triển khai như thế nào? Câu hỏi đau đáu đó đã có lời giải khi một người con xa quê quyết định ủng hộ thôn 10 triệu đồng ban đầu để khai thông kênh mương.

[Bản chất công tác dân vận là tăng cường lòng tin của dân với Đảng]

Thôn họp với các hộ dân và quyết định phương án triển khai có đến đâu, làm đến đó, làm từng đoạn mương một nhưng phải dứt điểm. Trong quá trình triển khai, ai có gì góp nấy, người góp tiền, người ủng hộ bữa ăn trưa, người dành tặng bữa ăn sáng, mỗi người góp một chút để công việc triển khai tốt, sớm hoàn thành.

Đoạn mương đầu làm xong, các cụm còn lại quyết tâm làm bằng được. Kết quả của sức người, sức của, của “mồi lửa” từ 10 triệu đồng ủng hộ, sau mỗi người góp một ít nhân lên thành 800 triệu đồng đã hồi sinh từ con mương ô nhiễm trầm trọng thành dòng nước không có rác thải, hai bên bờ kè sạch sẽ.

Một lời nói, mười hành động

Ruộng đất bỏ hoang, năng suất lúa thấp nhưng nhiều hộ dân nhất quyết không chịu để những người có khả năng thuê đất, dồn điền đổi thửa. Đây là tình trạng chung ở nhiều xã trên địa bàn huyện Kiến Thụy. Để thuyết phục nhân dân, những cá nhân đứng đầu đã nói một làm mười.

"Dân vận khéo" ở Hải Phòng: Thay đổi bộ mặt nông thôn, nông nghiệp ảnh 2Xã Ngũ Phúc có nhiều chuyển biến vượt bậc do nhân dân góp công, góp sức xây dựng nông thôn mới. (Ảnh: Minh Thu/TTXVN)

Bà Phạm Thị Dung, Trưởng thôn Xuân Chiêng cho biết, trong quá trình vận động nhân dân “cấy kín đồng, trồng kín đất,” áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp tại địa phương, đã có người hoài nghi và nhất định không tán thành.

“Cán bộ đi trước, làng nước theo sau,” bà Dung đứng ra thành lập tổ sản xuất dịch vụ sản xuất mạ khay, đầu tư máy gặt, máy làm đất với vốn đầu tư cả tỷ đồng và vận động một số hộ tham gia. Với những hộ không đồng thuận, bà Dung cứ để họ sản xuất theo phương pháp cũ.

Đến cuối vụ, các hộ tự so sánh năng suất và công sức bỏ ra. Người dân nhận thấy, thay đổi phương thức sản xuất vừa giải phóng sức lao động, vừa tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nên tự động chuyển đổi.

Với cách làm như vậy, thôn Xuân Chiếng đã xây dựng mô hình sản xuất tập trung 25 ha, hai vùng tích tụ ruộng đất 15ha. Năng suất lúa bình quân của thôn luôn đạt từ 250- 300kg/sào, cao nhất toàn xã.

Cùng chung cách thức này nhưng Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Thụy Hương có quy mô lớn hơn. Chị Nguyễn Thị Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc hợp tác xã cho biết, hợp tác xã thành lập năm 2017, có trụ sở riêng với 9 thành viên và vốn điều lệ 800 triệu đồng. Lĩnh vực hoạt động của hợp tác xã là dịch vụ cơ giới hóa nông nghiệp, tổ chức sản xuất lúa chất lượng theo hướng hữu cơ (lúa-rươi), chế biến các sản phẩm từ lúa, gạo.

Sau 3 năm hoạt động, Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Thụy Hương đạt những con số ấn tượng: cung cấp 700 ha mạ khay cấy máy cho các hộ, đơn vị sản xuất trên địa bàn huyện và các tỉnh lân cận. Phương thức gieo mạ khay, cấy máy đã giảm chi phí từ 30-40%, tăng năng suất từ 10-12% so với sản xuất đại trà.

Hợp tác xã tích tụ được 26ha đất nông nghiệp tại 2 xã Hữu Bằng và Ngũ Phúc, khắc phục tình trạng bỏ ruộng không canh tác của nông dân. Việc tích tụ ruộng đất đem đến hiệu quả sản xuất đạt 70 triệu/ha/năm, gấp 3-5 lần so với trồng lúa thông thường.

Ngoài ra, hợp tác xã còn kết hợp với các chủ đầm rươi tại xã Ngũ Phúc, Kiến Quốc tổ chức sản xuất và xây dựng thương hiệu “Gạo ruộng Rươi.”

Mô hình hoạt động của Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Thụy Hương thay đổi hẳn tập quán canh tác và niềm hy vọng trong phát triển nông nghiệp của nông dân. Đi đến đâu, chị Nguyễn Thị Hà cũng được bà con yêu mến gọi là cô Hà “mạ.” Kết quả này là sự làm việc không mệt mỏi của cô giám đốc trẻ.

Là người tỉnh khác nhưng chị Hà chọn Kiến Thụy, Hải Phòng là nơi khởi nghiệp. Khi bắt đầu năm 2017, dù nhiều ruộng bỏ hoang, năng suất cây trồng thấp song người dân không chịu cho thuê lại. Họ chỉ chờ dự án chạy vào để nhận tiền đền bù. Các thành viên của Hợp tác xã phải vận động bà con cho thuê ruộng đất với những hợp đồng đảm bảo như trả tiền thuê đất trước 5-10 năm, cam kết bao tiêu sản phẩm. Ai muốn liên kết sản xuất sẽ được công nhận là thành viên của hợp tác xã và hưởng lợi từ hoạt động kinh doanh.

Khi có đất để đi vào sản xuất, năm đầu tiên, tổng doanh thu của hợp tác xã chỉ đạt 300 triệu đồng. Với quyết tâm nghiên cứu thực tế, đưa ra phương án sản xuất, ngành nghề kinh doanh phù hợp, đến năm 2018, doanh thu của hợp tác xã đã đạt gần 1,5 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận đạt trên 430 triệu đồng, thu nhập của xã viên bình quân 8 triệu đồng/tháng.

Năm 2019, sản phẩm "Gạo ruộng Rươi" đã được công nhận là sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm).

Bí thư Huyện ủy Kiến Thụy Đỗ Xuân Trịnh cho biết, mô hình của chị Hà là điểm sáng của huyện trong thực hiện phong trào dân vận khéo. Muốn phong trào tốt, không gì thuyết phục bằng kết quả đời sống của nhân dân khấm khá, môi trường sống cải thiện. Đó cũng là điểm chung của những mô hình dân vận khéo tiêu biểu của huyện Kiến Thụy năm 2020./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục