Đề nghị mức án nghiêm khắc với nhóm phản động muốn lật đổ chính quyền

Hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, đã xâm phạm vào an ninh quốc gia, phá hoại sự ổn định, phát triển của đất nước, gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội...
Đề nghị mức án nghiêm khắc với nhóm phản động muốn lật đổ chính quyền ảnh 1Bị cáo Nguyen James Han. (Ảnh: Thành Chung/TTXVN)

Ngày 22/8, phiên tòa sơ thẩm xét xử 12 bị cáo là thành viên của tổ chức phản động “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” tiếp tục với phần luận tội và đề nghị mức án của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố, lợi dụng sự phát triển của mạng Internet, thông qua các trang mạng xã hội và các ứng dụng trên không gian mạng, tổ chức phản động “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” do đối tượng Đào Minh Quân (sinh năm 1952, quốc tịch Mỹ, cựu quân nhân chế độ Việt Nam Cộng hòa) cầm đầu đã thực hiện nhiều thủ đoạn, kế hoạch tuyên truyền xuyên tạc chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam, lôi kéo những đối tượng bất mãn chế độ và Nhà nước Việt Nam, đưa người từ nước ngoài về lôi kéo người trong nước thực hiện các hoạt động chống phá với mục đích hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.

Do tiếp xúc với các thông tin xấu, xuyên tạc trên mạng Internet, mạng xã hội, các bị cáo là những người trẻ nhưng có cái nhìn phiến diện, có học vấn hạn chế, thiếu kiến thức pháp luật, mù quáng tin tưởng vào việc phong tước, hứa hẹn đãi ngộ của các tổ chức phản động nên đã bị các bị cáo Nguyen Han James, Phan Angle và các đối tượng ở nước ngoài lôi kéo, từ đó thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam.

[Xét xử 12 đối tượng thuộc tổ chức phản động nhằm lật đổ chính quyền]

Hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, đã xâm phạm vào an ninh quốc gia, phá hoại sự ổn định, phát triển của đất nước, gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đi ngược lại lợi ích của Việt Nam. Hành vi của các bị cáo đã cấu thành tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân;” tội phạm và hình phạt được quy định tại khoản 1 điều 79 Bộ luật Hình sự năm 1999. Tại phiên tòa, các bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội và mong sự khoan hồng của pháp luật.

Từ đó, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt các bị cáo Nguyen James Han, Phan Angle mức án từ 14-16 năm tù, trục xuất hai bị cáo ngay sau khi chấp hành hình phạt tù tại Việt Nam.

Đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt các bị cáo Nguyễn Văn Chánh và Đỗ Thị Thùy Dung mức án từ 5-7 năm tù; phạt quản chế 2-3 năm. Các bị cáo còn lại bị đề nghị mức án từ 10-12 năm tù, phạt quản chế từ 3-4 năm.

Theo cáo trạng, các bị cáo Nguyen James Han (sinh năm 1967, Việt kiều Mỹ), Phan Angle (sinh năm 1956, quốc tịch Mỹ) được Đào Minh Quân cử về Việt Nam giữ vai trò chỉ huy, thực hiện móc nối, xây dựng cơ sở, tập hợp lực lượng, chỉ đạo các thành viên trong nước thực hiện các hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam.

Tháng 3/2017, Han gặp và được Đào Minh Quân trực tiếp giao nhiệm vụ về Việt Nam thực hiện các hoạt động chống phá vào dịp lễ 30/4/2017. Ngày 28/3/2017, Han nhập cảnh vào Việt Nam móc nối với Phan Angle truyền đạt chỉ đạo của Đào Minh Quân cho các đối tượng trong nước là Nguyễn Quang Thanh, Tạ Tấn Lộc, Trần Tuấn Tài, Nguyễn Hùng Anh để bàn bạc kế hoạch triển khai.

Han và Phan Angle đã giao nhiệm vụ cho từng đối tượng như rải truyền đơn, đột nhập đài phát thanh chèn sóng để phát các nội dung tuyên truyền cho tổ chức, xịt sơn bôi bẩn tượng đài Bác Hồ ở nơi công cộng, tụ tập biểu tình phản đối Formosa... Tuy nhiên, phần lớn hoạt động của các đối tượng này đã bị lực lượng chức năng phát hiện và ngăn chặn.

Các bị cáo Võ Tài Nhân, Trương Nguyễn Minh Trí, Võ Hoàng Ngọc, Đỗ Quốc Bảo, Trần Văn Vinh, Trần Quang Vinh, Nguyễn Văn Chánh, Đỗ Thị Thùy Dung dù biết rõ tôn chỉ, mục đích phản động của tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” nhưng vẫn viết đơn để tham gia, thể hiện sự hưởng ứng tích cực thông qua việc thực hiện nhiệm vụ của tổ chức như: lôi kéo người khác tham gia, viết phiếu trưng cầu dân ý bầu cho Đào Minh Quân làm “Tổng thống nền đệ tam Việt Nam cộng hòa.”

Kết quả điều tra cho thấy các đối tượng đã liên hệ, móc nối, lôi kéo được hơn 100 người viết đơn tham gia tổ chức, viết phiếu bầu cho Quân hay tiến hành hoạt động chống phá. Tuy nhiên, nhiều người trong số đó không biết việc mình bị ghi tên ủng hộ Quân, không viết đơn tham gia tổ chức. Nhiều người khác không lấy lời khai được vì đã già yếu hoặc còn nhỏ, hoặc những người đã viết đơn nhưng chưa được chấp thuận, chưa được giao nhiệm vụ nên không bị xử lý hình sự./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục