Để phụ huynh yên tâm đưa trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đi tiêm phòng COVID

Việc bố trí nhân lực, cơ sở vật chất được địa phương quan tâm thực hiện theo đúng quy trình, có sự phối hợp tốt với phụ huynh, thông tin để phụ huynh nắm rõ lịch tiêm...
Để phụ huynh yên tâm đưa trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đi tiêm phòng COVID ảnh 1Nhân viên y tế tiêm vaccine cho học sinh lớp 6 tại Trường THCS Lê Quý Đôn, thành phố Vĩnh Long. (Ảnh: Lê Thúy Hằng/TTXVN)

Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành kế hoạch tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi với mục tiêu phấn đấu đạt 95% số trẻ em trong độ tuổi này được tiêm chủng 2 liều cơ bản, bảo đảm an toàn tiêm chủng, tăng diện bao phủ vaccine cho đối tượng nguy cơ và cộng đồng.

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa, toàn tỉnh có khoảng 123.242 trẻ trong diện được tiêm phòng. Mỗi trẻ sẽ được tiêm 2 mũi, cách nhau 4 tuần, với dự kiến số lượng vaccine là 282.600 liều.

Khánh Hòa triển khai tiêm chủng ngay khi nhận được vaccine, theo tiến độ cung ứng vaccine thực tế và các hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế.

[Đẩy mạnh tiêm vaccine cho trẻ em, xây dựng kế hoạch tiêm mũi 4]

Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố sẽ là đầu mối tổ chức triển khai kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho tất cả trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, theo hình thức cuốn chiếu mở rộng, lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp.

Đối với trẻ đang đến trường, các đơn vị tiêm chủng phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức tiêm theo hình thức chiến dịch, miễn phí tại cơ sở tiêm chủng cố định, điểm tiêm lưu động và trường học.

Trẻ trong độ tuổi này nhưng không đi học sẽ tiêm vaccine tại trạm y tế thôn hoặc cụm thôn. Riêng đối tượng mắc các bệnh bẩm sinh, bệnh mạn tính, nghe tim, phổi bất thường, có tiền sử phản vệ độ 3 với bất kỳ dị nguyên nào sẽ được tiêm vaccine tại bệnh viện.

Kế hoạch cũng hướng dẫn cụ thể việc điều tra đối tượng được tiêm chủng tại trường học và trong cộng đồng; cách thức tổ chức tiêm chủng; đảm bảo an toàn tiêm chủng và kế hoạch xử trí cấp cứu; ứng dụng công nghệ thông tin quản lý tiêm chủng; công tác truyền thông...

Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, các sở, ngành liên quan, Ủy ban Nhân dân các huyện, thị, thành phố thực hiện tốt công tác tiêm chủng và đảm bảo an toàn tiêm chủng.

Tính đến ngày 11/3, tổng số liều vaccine dành cho người từ 12 tuổi trở lên của toàn tỉnh Khánh Hòa được tiêm là 2.805.610 liều, trong đó mũi 1 là 1.096.381 người, mũi 2 là 1.086.064 người, mũi 3 là 796.946 người.

Ngày 20/4, Sở Y tế tỉnh Cà Mau triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ dưới 12 tuổi trên địa bàn tỉnh.

Qua rà soát, toàn tỉnh có trên 147.000 trẻ trong độ tuổi tiêm vaccine phòng COVID-19 (trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi).

Để phụ huynh yên tâm đưa trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đi tiêm phòng COVID ảnh 2Tiêm vaccine cho học sinh lớp 6 tại Hải Phòng. (Ảnh: Hoàng Ngọc/TTXVN)

Tỉnh đã tiếp nhận khoảng 25.000 liều vaccine phòng COVID-19 dành cho trẻ dưới 12 tuổi từ phía Bộ Y tế. Do đó, từ nay đến cuối tháng 4/2022, tỉnh ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1 cho trẻ 11 tuổi, phần lớn là học sinh lớp 5 đang học tại các huyện, thành phố Cà Mau.

Trường hợp trẻ mắc COVID-19 dưới 3 tháng và đang mắc các bệnh cấp tính, mãn tính tiến triển, tạm hoãn tiêm vaccine phòng COVID-19 trong đợt này.

Liên quan đến công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ dưới 12 tuổi, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân lưu ý Sở Y tế phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo, chính quyền các địa phương triển khai tiêm vaccine cho trẻ theo hướng đảm bảo an toàn, hoàn thành đúng thời gian, tiến độ đề ra; tiếp tục rà soát nắm chắc số lượng trẻ trong độ tuổi để tuyên truyền, vận động người dân, phụ huynh đưa con em đến điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, ngành y tế có phương án trong các tình huống sốc phản vệ, phản ứng phụ để kịp thời xử trí, đảm bảo an toàn sức khỏe cho trẻ sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19.

Theo Sở Y tế, tính đến ngày 20/4, tỉnh tiếp nhận tổng số trên 2,5 triệu liều vaccine các loại để tiêm cho người dân trong toàn tỉnh. Trong đó, trường hợp từ 12 tuổi trở lên được tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 2 là hơn 936.000 người, đạt 99,41%; đối tượng từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi 3 là hơn 679.580 người, đạt 83,44%.

Tỉnh Cà Mau đang đẩy nhanh tiến độ tiêm phủ vaccine phòng COVID-19 cho người dân trên địa bàn để tạo kháng thể cao trong cộng đồng, góp phần giảm tỷ lệ chuyển nặng và tử vong do COVID-19 trong thời gian tới.

Ngày 20/4, tỉnh Vĩnh Long đồng loạt tiêm vaccine phòng COVID-19 cho gần 8.700 học sinh lớp 6 không mắc COVID-19 hoặc mắc COVID-19 và đã khỏi trên 3 tháng.

Tại Trường Trung học Cơ sở Lê Quý Đôn, thành phố Vĩnh Long, công tác tổ chức tiêm được nhà trường chuẩn bị kỹ lưỡng. Học sinh được chia thời gian để đến tiêm theo thứ tự từng lớp.

Các bàn tiếp nhận, bàn tiêm được bố trí theo quy tắc 1 chiều và giữ khoảng cách nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch.

Đặc biệt, nhà trường chú trọng công tác theo dõi sức khỏe sau tiêm, yêu cầu học sinh ở lại để nhân viên y tế theo dõi sức khỏe trong 30 phút.

Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Lê Quý Đôn Nguyễn Tường Huy cho biếtviệc tiêm vaccine là cần thiết nhằm giúp học sinh có kháng thể để phòng, chống dịch. Tuy nhiên, một số phụ huynh và học sinh cũng có tâm lý lo lắng, e ngại.

Để tạo sự đồng thuận, yên tâm cho phụ huynh và học sinh, nhà trường đã tổ chức tuyên truyền, chú trọng thông tin về lợi ích của việc tiêm vaccine và những lưu ý phối hợp trong chăm sóc, theo dõi sức khỏe học sinh sau tiêm.

Theo Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long, toàn tỉnh có khoảng 106.800 trẻ trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 sẽ được tiêm vaccine. Để chuẩn bị cho công tác tiêm vaccine, ngành y tế đã phối hợp với ngành giáo dục chủ động tuyên truyền tạo sự đồng thuận và yên tâm cho phụ huynh, chuẩn bị tâm lý cho học sinh.

Ngành bố trí hơn 100 điểm tiêm ở các xã, phường, thị trấn và các cơ sở giáo dục; bố trí nhân lực, cơ sở vật chất đảm bảo công tác tiêm theo quy định.

Theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long Văn Công Minh, ngành yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm việc bố trí các điểm theo dõi sức khỏe sau tiêm để phát hiện kịp thời các trường hợp có biểu hiện bất thường của học sinh.

Song song đó, ngành y tế phối hợp với ngành giáo dục lưu ý phụ huynh chủ động theo dõi tình hình sức khỏe học sinh sau khi về nhà, thông báo ngành y tế xử trí kịp thời các trường hợp có biểu hiện phản vệ sau tiêm vaccine.

Qua kiểm tra thực tế tại các điểm tiêm, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh đánh giá các địa phương, đơn vị đã có sự chuẩn bị chu đáo trong khâu tổ chức tiêm vaccine cho học sinh lớp 6.

Việc bố trí nhân lực, cơ sở vật chất được địa phương quan tâm thực hiện theo đúng quy trình, có sự phối hợp tốt với phụ huynh, thông tin để phụ huynh nắm rõ lịch tiêm và các vấn đề lưu ý sau khi học sinh được tiêm vaccine./.

(TTXVN/ Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục