Đến ngày 2/3 sẽ có 7.484 lao động Việt rời Libya

Theo kế hoạch của Cục Quản lý lao động ngoài nước, đến ngày 2/3 sẽ có 7.484 lao động Việt Nam được đưa ra khỏi đất nước Libya.
Theo kế hoạch của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), đến ngày 2/3 sẽ có 7.484 lao động Việt Nam được đưa ra khỏi Libya. Cục này cũng cho biết, đã tiến hành làm việc với đại diện của IOM (Tổ chức di dân quốc tế) và đề nghị tổ chức này giúp đỡ lao động Việt Nam đang còn ở Libya hoặc đã di chuyển sang các nước lân cận để chờ làm thủ tục về nước. Hiện đoàn công tác liên ngành vẫn đang nỗ lực để thỏa thuận với các bên và các nước láng giềng lân cận Libya để tập trung lao động người Việt về một chỗ. Từ đó sẽ có phương án cụ thể đưa máy bay sang đón hoặc thuê máy bay để sớm đưa lao động về nước. Được biết, 7.484 lao động Việt Nam đã có kế hoạch di dời, trong đó có 3.400 người đã di dời ra khỏi Libya đến các nước lân cận để chuẩn bị về nước. Các bộ ngành, cơ quan, đơn vị hữu quan đang tìm giải pháp để đưa hơn 3.000 lao động Việt Nam còn lại, chủ yếu đang ở Tripoli và bến cảng Benghazi, di chuyển ra khỏi Libya. Tính đến hết ngày 27/2, trong tổng số hơn 10.000 lao động Việt Nam tại Libya  mới có 907 lao động đã về nước an toàn.  Về việc giải quyết quyền lợi cho người lao động sau khi trở về nước, ông Đào Công Hải, Cục phó Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho hay, những lao động từ Libya về nước sẽ được Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước hỗ trợ ban đầu một triệu đồng/người. “Sau khi toàn bộ lao động về nước, Bộ sẽ căn cứ mức độ thiệt hại để hỗ trợ thêm theo quy định của Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước. Các doanh nghiệp đưa lao động đi cũng dành một khoản hỗ trợ ban đầu cho lao động để về gia đình và ổn định cuộc sống,” ông Hải chia sẻ. Ông Hải cũng khẳng định: “Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sẽ xem xét mức hỗ trợ cho cả doanh nghiệp và người lao động. Bởi, doanh nghiệp có đông lao động thì mức hỗ trợ sẽ quá lớn và sẽ không thể gánh hết được chi phí của người lao động.”/.
Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước, khoảng 50% lao động Việt Nam sang Libya đã làm việc hơn 1/2 thời hạn hợp đồng (3 năm). Phần còn lại làm việc dưới 1/2 thời hạn hợp đồng, trong đó phần nhiều chỉ mới làm việc từ 1-6 tháng. Đây là số lao động bị thiệt hại lớn nhất do thời gian làm việc quá ít, chưa tích lũy được bao nhiêu, không đủ để bù đắp chi phí.

Được biết, để được sang Libya làm việc, người lao động phải nộp chi phí bình quân từ khoảng 1.150-1.500 USD/người.
Mạnh Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục