Điều tra cô hầu phòng

Cô hầu phòng tố cáo ông Strauss-Kahn bị điều tra

Cô hầu phòng từng cáo buộc ông Strauss-Kahn cưỡng bức đã gian dối trong lời khai, đồng thời bị nghi liên quan đến chuyện phi pháp.

Vụ việc ông Dominique Strauss-Kahn bị cáo buộc cưỡng bức đã chuyển sang ngã rẽ mới, bởi giờ đây tất cả mũi dùi lại được hướng vào cô hầu phòng gốc Guinea, trong khi ông cựu Tổng giám đốc IMF lại đang tận hưởng niềm vui tự do.

Bữa cơm tự do

Hiện ông Strauss-Kahn vẫn sống trong căn nhà mặt phố ở Hạ Manhattan với vợ là bà Anne Sinclair sau khi được tòa dỡ bỏ mọi giới hạn đi lại đối với ông (trừ phi đi ra ngoài nước Mỹ), trước khi tiếp tục ra hầu tòa một lần nữa vào 18/7 tới.

Bên ngoài tòa nhà không còn bóng dáng lính gác như trước nữa, song thay vào đó là một đội quân báo chí hùng hậu. Ngày hôm qua 3/7, giới truyền thông không thấy ông Strauss-Kahn rời nhà, song bà Sinclair thì chui vào một chiếc Mercedes sang trọng đi thăm bảo tàng nghệ thuật Metropolitan, theo sau là một đoàn rồng rắn các phóng viên.

Trước đó một ngày, theo AFP, một cặp đôi trung niên đã tới đi ăn tối với ông Strauss-Kahn tại một nhà hàng Italy, với hóa đơn bữa ăn vào khoảng 600 USD. Báo chí Mỹ bình luận có lẽ đó là bữa ăn ngon miệng nhất của ông Strauss-Kahn kể từ khi bị giam giữ ở nhà tù Risker Island hồi tháng Năm.


“Đã có thỏa thuận”?

Trong khi đó, tờ New York Post số ra ngày Chủ nhật đã cho biết ông Strauss-Kahn và cô hầu phòng khách sạn 32 tuổi gốc Guinea “có thỏa thuận” về chuyện “đổi tình lấy tiền” trong cái ngày xảy ra vụ việc, song ông này đã tỏ ra “quá thô bạo.”

Tờ này cũng dẫn nguồn tin từ một điều tra viên nói rằng cô hầu phòng nói trên thường xuyên gạ gẫm các vị khách nghỉ lại khách sạn Sofitel.

Tuy nhiên, các luật sư của ông Strauss-Kahn đã cực lực bác bỏ những thông tin nói trên. “Không có vấn đề gì xảy ra giữa hai bên nên cũng chẳng có tiền nong gì ở đây cả,” thông cáo do hai luật sư Benjamin Brafman và William Taylor phát đi, viết.

Hiện tại, vụ kiện ông Strauss-Kahn đang có nguy cơ sụp đổ bởi các công tố viên đã phát hiện ra nhiều điểm gian dối trong lời khai của bên nguyên.

Trong một bức thư gửi cho luật sư bên nguyên, công tố viên Cyrus Vance của quận Manhattan nói rằng người phụ nữ này đã cung cấp nhiều thông tin “sai sự thật” về cuộc đời của cô ta, trong đó có vấn đề liên quan đến chuyện nhập cư vào Mỹ.

[Tâm sự của cô hầu phòng tố cáo mình bị cưỡng bức]

Ngoài ra, cô hầu phòng này cũng được cho là có khả năng dính líu đến một số hoạt động phạm pháp như buôn ma túy và rửa tiền, theo tờ New York Times.

Trong ngày xảy ra vụ việc ở khách sạn Sofitel thì cô hầu phòng đã có cuộc điện thoại với bạn trai đang phải ngồi tù vì tội tàng trữ 180 kg marijuana. Theo NYT, cuộc nói chuyện này đã bị ghi âm lại, trong đó cô hầu phòng đã nói với bạn trai bằng ngôn ngữ Fulani (của người Guinea) sau đó được dịch sang tiếng Anh rằng “đừng lo, lão này có nhiều tiền lắm, em biết phải làm gì.”

Tờ NYT cũng cho biết gã bạn trai của cô hầu phòng đã nhiều lần chuyển vào tài khoản của cô này số tiền lên tới 100.000 USD trong vòng 2 năm qua .

Trở lại chính trường?

Còn về con đường chính trị của ông Strauss-Kahn, hiện vẫn có nhiều phán đoán khác nhau về vai trò của ông trong cuộc bầu cử vào năm 2012, rằng liệu ông Strauss-Kahn có đại diện cho Đảng Xã hội để ra tranh cử với đương kim Tổng thống Pháp Nikolas Sarkozy hay không.

Bà Segolene Royal, một ứng cử viên trong Đảng Xã hội nói rằng bà không có lý do gì để trì hoãn tiến trình tranh cử nhằm dọn chỗ cho ông Strauss-Kahn. Thời hạn để Đảng Xã hội công bố ứng cử viên sẽ đại diện cho đảng này ra tranh cử là 13/7, tức 5 ngày trước khi ông Strauss-Kahn ra hầu tòa một lần nữa.

Hiện các cơ quan chức năng Mỹ vẫn tạm giữ hộ chiếu của ông Strauss-Kahn, đồng nghĩa với việc ông không thể đi ra khỏi nước Mỹ, mặc dù ông sẽ được trả lại 1 triệu USD tiền bão lãnh và 5 triệu USD phí bảo hiểm.

Công tố viên Vance cho biết vẫn sẽ tiếp tục tiến hành truy tố ông Strauss-Kahn cho tới khi mọi bằng chứng buộc tội ông này bị bác bỏ. Nhưng theo các chuyên gia về luật thì vụ này “coi như đã chết.”

Căn cứ vào lời khai của cô hầu phòng trước bồi thẩm đoàn thì cô đã rời phòng ngay sau khi xảy ra vụ việc hôm 14/5 rồi đợi ở sảnh trước khi thông báo với nhân viên quản lý. Nhưng trước cơ quan điều tra thì cô lại nói rằng mình tiếp tục đi lau dọn tại một căn phòng khác, thậm chí còn quay lại lau dọn phòng của ông Strauss-Kahn rồi sau đó mới báo quản lý.

Chính luật sư Kenneth Thompson cũng đã thừa nhận thân chủ của mình có phạm “một số sai lầm,” song cũng khẳng định rằng vẫn còn có đủ bằng chứng để kết tội ông Strauss-Kahn đã có hành vi tấn công tình dục.

Thế nên, việc ông Strauss-Kahn có thể nhanh chóng trở lại chính trường hay không vẫn sẽ là một câu chuyện dài kỳ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục