Điều tra nguyên nhân vụ tai nạn thảm khốc làm 7 người chết ở Thanh Hóa

Điều tra nguyên nhân vụ tai nạn làm 7 người chết ở Thanh Hóa

Các cơ quan chức năng nghiên cứu sửa đổi quy định pháp luật gắn trách nhiệm và bổ sung chế tài đủ sức răn đe để xử lý trách nhiệm với đơn vị kinh doanh vận tải và chủ xe nếu gây tai nạn giao thông.
Hiện trường vụ tai nạn giao thông xe tải chở gỗ keo đâm vào ta luy đường làm 7 người tử vong ở Thanh Hóa. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Hiện trường vụ tai nạn giao thông xe tải chở gỗ keo đâm vào ta luy đường làm 7 người tử vong ở Thanh Hóa. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Liên quan đến vụ tai nạn giao thông thảm khốc làm 7 người chết tại Thanh Hóa vào tối ngày 22/3, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Trương Hòa Bình vừa có Công điện yêu cầu điều tra, xác minh nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp dẫn tới vụ tai nạn (làm rõ lái xe có sử dụng rượu bia, sử dụng ma túy, hoặc sử dụng điện thoại khi lái xe hoặc chở hàng quá tải trọng); xác định và xử lý nghiêm trách nhiệm của doanh nghiệp (nếu có vi phạm).

Theo báo cáo nhanh của Ban An toàn giao thông tỉnh ThanhHóa, vào 21 giờ 15 phút ngày 22/3, tại Km13+570, trên dốc Bả Vai, tỉnh lộ 530, bản Hắc, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh, Thanh Hóa đã xảy ra vụ tai nạn giao thông đường bộ đặc biệt nghiêm trọng.

Cụ thể, xe ôtô tải biển kiểm soát 36C-136.40 chở gỗ, trên xe có 7 người ngồi trên cabin (lái xe, phụ xe và 5 công nhân), khi xuống dốc đã đâm vào taluy dương bên phải đường, làm cả 7 người trên xe tử vong. Xe ôtô 36C-136.40 thuộc quyền quản lý của doanh nghiệp tư nhân sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu gỗ Huy Hảo, có trụ sở tại Thanh Hóa.

Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ tai nạn, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã gửi lời thăm hỏi và chia buồn tới gia đình các nạn nhân trong vụ việc đồng thời phân công đồng chí Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng cùng đoàn công tác của Ủy ban trực tiếp xuống hiện trường phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo xử lý, khắc phục hậu quả vụ tai nạn; trực tiếp thăm hỏi, động viên gia đình các nạn nhân.

Phó Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình có nạn nhân không may tử vong trong vụ tai nạn giao thông, đặc biệt là các hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, giúp các gia đình nhanh chóng ổn định đời sống, sinh hoạt.

[Khắc phục hậu quả vụ tai nạn ở Thanh Hóa khiến 7 người tử vong]

Cơ quan chức năng tỉnh điều tra, xác minh nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp dẫn tới vụ tai nạn (làm rõ lái xe có sử dụng rượu bia, sử dụng ma túy, hoặc sử dụng điện thoại khi lái xe hoặc chở hàng quá tải trọng); xác định và xử lý nghiêm trách nhiệm của doanh nghiệp (nếu có vi phạm).

Ngoài ra, lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa kiểm tra việc chấp hành các quy định kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô đối với doanh nghiệp tư nhân sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu gỗ Huy Hảo; xác định và xử lý trách nhiệm của cơ quan chức năng trong quản lý hoạt động vận tải và tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên tuyến tỉnh lộ 530 trong thời gian vừa qua.

Các đơn vị rà soát, xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông; bổ sung, hoàn thiện công tác tổ chức giao thông, hệ thống cảnh báo, hướng dẫn lái xe trong điều kiện đường đèo dốc dài, nhiều đường cong trên các tuyến đường bộ trên địa bàn, đặc biệt là trên tuyến đường tỉnh 530 và đoạn tuyến dốc Bả Vai, tỉnh lộ 530, qua bản Hắc, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh, Thanh Hoá.

Điều tra nguyên nhân vụ tai nạn làm 7 người chết ở Thanh Hóa ảnh 1Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng và đoàn công tác thăm hỏi, động viên gia đình có nạn nhân tử vong trong vụ tai nạn giao thông làm 7 người chết ở Thanh Hóa. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Bên cạnh đó, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chấp hành quy định pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, không đi trên xe tải, xe khách khi không có chỗ ngồi đảm bảo an toàn; tăng cường tuần tra, kiểm soát phát hiện và xử lý nghiêm hành vi chở hàng hoá quá tải trọng, chở quá số người quy định, sử dụng xe hết niên hạn để vận chuyển hàng hoá và tham gia giao thông, đặc biệt là trên địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu sửa đổi quy định pháp luật gắn trách nhiệm và bổ sung chế tài đủ sức răn đe để xử lý trách nhiệm đối với đơn vị kinh doanh vận tải và chủ phương tiện nếu có phương tiện gây tai nạn giao thông kể cả trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng và trường hợp chưa tới mức xử lý hình sự; tăng nặng mức phạt và các hình phạt bổ sung với hành vi chở hàng hoá quá tải trọng xe và cầu đường; đưa phương tiện hết niên hạn sử dụng tham gia giao thông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục