Điều trị thành công cho bệnh nhi bị vết thương sọ não hở do chó cắn

Các bác sỹ khuyến cáo các gia đình có trẻ nên hạn chế nuôi chó, nếu nuôi chó thì con vật phải được tiêm phòng dại, xích nhốt ở khu vực xa trẻ em, có rọ mõm đầy đủ.
Điều trị thành công cho bệnh nhi bị vết thương sọ não hở do chó cắn ảnh 1Bệnh nhi đã hồi phục sau ca phẫu thuật. (Ảnh: Hoa Mai/TTXVN)

Ngày 5/3, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Nhi Thanh Hóa), Bác sỹ Phùng Đức Toàn cho biết đơn vị đã điều trị thành công cho một bệnh nhân nhỏ tuổi bị thương do chó cắn khiến sọ não hở ở vùng chẩm và thái dương trái.

Trước đó, ngày 20/2, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa tiếp nhận bệnh nhi T.V.D. (hơn 4 tuổi, trú ở xã Thọ Hải, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) nhập viện trong tình trạng đa vết thương vùng đầu do chó cắn.

Bệnh nhi đã được sơ cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thọ Xuân sau đó chuyển Bệnh viện Nhi Thanh Hóa trong tình trạng mơ màng, trả lời chậm khi được gọi, có nhiều vết thương vùng đầu, trong đó vết thương dài nhất 15cm, sưng nề thấm dịch đục.

Các bác sỹ đã chụp cắt lớp vi tính (CT) sọ não, hồi sức, dùng kháng sinh phòng chống nhiễm khuẩn. Phim chụp CT sọ não thể hiện rõ hình ảnh của vỡ nát xương thái dương, xương chẩm trái gần với vị trí xoang tĩnh mạch, mảnh xương di trú vào bên trong não. Chẩn đoán vết thương sọ não hở vùng chẩm và thái dương trái do chó cắn, các bác sỹ đã hội chẩn liên chuyên khoa và có chỉ định mổ cấp cứu.

[Cấp cứu kịp thời bé trai 2 tuổi bị chó nhà cắn trúng cổ, rách khí quản]

Ca mổ được tiên lượng rất phức tạp, nguy cơ mất máu nhiều vì vết thương ở vùng có xoang tĩnh mạch não. Các bác sỹ đã để lộ vùng tổn thương, gắp bỏ mảnh xương vụn nát, mảnh xương di trú vào trong não, lấy bỏ não dập, bơm rửa, cầm máu vùng não bị tổn thương, đồng thời tạo hình vá kín màng não bị rách, cuối cùng là cắt lọc, bơm rửa, khâu phục hồi vết thương da đầu.

Sau 3 giờ, ca mổ được hoàn thành, bệnh nhân tiếp tục được hồi sức sau mổ, dùng kháng sinh, thay băng vết mổ. Sau 3 ngày bệnh nhân tỉnh hoàn toàn, không có di chứng não, vết mổ khô. Hiện tại bệnh nhi T.V.D. đã được xuất viện, sức khỏe ổn định.

Được biết, hằng năm, có nhiều trẻ em bị chó cắn phải vào Bệnh viện Nhi Thanh Hóa phẫu thuật cấp cứu. Trẻ thường bị chó tấn công vào vùng đầu, mặt, cổ. Do đó, các bác sỹ khuyến cáo các gia đình có trẻ nên hạn chế nuôi chó, nếu nuôi chó thì con vật phải được tiêm phòng dại, xích nhốt ở khu vực xa trẻ em, có rọ mõm, nhắc nhở trẻ tránh tiếp xúc, đùa nghịch khi chó đang ăn, ngủ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục