“Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu”: Vinh danh những cá nhân xuất sắc

Các doanh nghiệp của các doanh nhân TOP10 trung bình hàng năm nộp ngân sách nhà nước trên 24 nghìn tỷ đồng với doanh thu trên 140 nghìn tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 94 nghìn lao động.
Họp báo công bố các hoạt động kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 của VCCI. (Ảnh: Vietnam+)
Họp báo công bố các hoạt động kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 của VCCI. (Ảnh: Vietnam+)

60 doanh nhân sẽ được trao tặng danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” năm 2022 về quá trình lập nghiệp với bản lĩnh, ý chí cùng sức sáng tạo vượt khó, tinh thần tự hào dân tộc. Trong đó, người lớn tuổi nhất sinh năm 1940 (82 tuổi), người trẻ tuổi nhất sinh năm 1988 (34 tuổi), có 15 doanh nhân nữ, chiếm 25%.

Lần đần tiên vinh danh TOP 10

Tại buổi họp báo công bố các hoạt động kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cho biết Lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam và tôn vinh “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” năm 2022 sẽ được tổ chức vào ngày 12/10 với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá, thảo luận nghiêm túc và đầy trách nhiệm, hội nghị với sự thống nhất cao đã bình chọn được 60 ứng viên đạt danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” năm 2022, trong đó có 10 người đạt danh hiệu “Doanh nhân tiêu biểu nhất Việt Nam” năm 2022 (TOP 10 Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu).

[Chọn Doanh nhân VN tiêu biểu 2022: Đạo đức là tiêu chí hàng đầu]

“Đây là kết quả được cộng đồng doanh nhân cả nước mong đợi từ Chương trình bình xét danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” năm 2022 do VCCI phát động từ tháng 7/2022,” ông Công nói.

Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch Hội đồng bình xét danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” năm 2022, quy trình bình xét năm nay được tổ chức chặt chẽ, công phu thông qua 5 bước và 2 vòng bình xét sơ tuyển và chung tuyển đồng thời có thêm việc thẩm định thực tế.

“Chất lượng hồ sơ cũng cao hơn các kỳ trước, phần lớn doanh nghiệp đều có hồ sơ kiểm toán đi kèm, thể hiện tính minh bạch và quản trị ngày càng chuyên nghiệp hơn của các doanh nghiệp Việt Nam. Việc thẩm định đánh giá hồ sơ do Ban thư ký thực hiện, có sự tham gia của các chuyên gia của Công ty kiểm toán Deloitte,” ông Phòng nói.

Bên cạnh đó, ông Phòng cho biết Ban thư ký cũng phối hợp với Tổng cục Thuế tiến hành rà soát tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế của các doanh nghiệp do ứng viên lãnh đạo, quản lý đồng thời cũng rà soát các thông tin, dư luận phản ánh trên báo chí, trên mạng Internet liên quan đến ứng viên và doanh nghiệp để tham khảo.

Theo ông Phòng, đây là năm đầu tiên trong bình xét danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” có vinh danh TOP10 doanh nhân tiêu biểu nhất. Tổng hợp doanh nghiệp của các doanh nhân TOP10 trung bình hàng năm nộp ngân sách nhà nước trên 24 nghìn tỷ đồng, có doanh thu trên 140 nghìn tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 94 nghìn lao động trực tiếp.

Vinh danh tinh thần vượt qua đại dịch

Trong 2 năm 2020-2021, các doanh nghiệp và cả đất nước ta phải gồng mình chống chọi với đại dịch COVID-19, tổn thất về con người và kinh tế là vô cùng lớn. Trong giai đoạn khó khăn đó, nhiều doanh nhân, doanh nghiệp đã nêu tấm gương sáng về tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, trách nhiệm xã hội, khi vừa lo duy trì sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm, đời sống cho người lao động, vừa lăn xả hỗ trợ công tác phòng chống đại dịch của cả nước.

Căn cứ đề nghị của Hội đồng bình xét, ông Phòng cho biết Ban Chỉ đạo quốc gia đã nhất trí tuyên dương 6 doanh nhân tiêu biểu đã có thành tích, đóng góp xuất sắc trong công tác phòng chống đại dịch COVID-19. Trong Lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam có nội dung vinh danh các cá nhân này, trong đó có doanh nhân đã cùng doanh nghiệp của mình đã ủng hộ trị giá tới trên 1.200 tỷ đồng cho cuộc chiến chống đại dịch.

Bên cạnh đó, trong chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, VCCT sẽ tổ chức Hội thảo khoa học “Đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh mới.”

Chia sẻ về nội dung và ý nghĩa của hội thảo, bà Trần Thị Lan Anh, Tổng thư ký VCCI, cho biết xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh được Đại hội toàn quốc VCCI lần thứ 7 xác định là nhiệm vụ đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ 2021-2026.

"Đạo đức, văn hoá kinh doanh là sức mạnh mềm, là nguồn lực to lớn của mỗi doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp mỗi quốc gia, mỗi địa phương. Sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp các nước có văn hoá kinh doanh cao như Nhật Bản, Đức, Mỹ… luôn chiếm được niềm tin nơi khách hàng và có giá cả cao hơn, đem lại lợi thế lớn cho doanh nghiệp," bà Lan Anh chỉ ra.

Văn hoá kinh doanh có 3 tầng gắn với 3 chủ thể chính là doanh nhân, doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp, trong đó doanh nhân là chủ thể có vai trò hạt nhân, là cốt lõi để hình thành văn hoá doanh nghiệp và văn hoá kinh doanh quốc gia.

Do đó, trong xây dựng văn hoá kinh doanh Việt Nam, cần bắt đầu từ xây dựng từ con người doanh nhân Việt Nam, trong đó đạo đức là gốc, là nền tảng. Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9/9/2011 của Bộ Chính trị và văn kiện Đại hội XIII của Đảng đều yêu cầu “Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ…”.

Bà Lan Anh cho hay hội thảo do VCCI phối hợp cùng Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức, đây là hội thảo khoa học đầu tiên chuyên đề về đạo đức doanh nhân trong bối cảnh mới./.

Danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” là danh hiệu cao quý được trao tặng cho các doanh nhân Việt Nam có thành tích xuất sắc do VCCI tổ chức theo nhiệm vụ được Bộ Chính trị giao trong Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đây là năm đầu tiên các tiêu chí về đạo đức doanh nhân, tuân thủ pháp luật, trách nhiệm xã hội trở thành yêu cầu hàng đầu trong xem xét, bình chọn. Năm nay Chương trình cũng có biểu trưng mới với các cánh hướng lên cao, lấy cảm hứng từ vương miện của vua Hùng, thể hiện tinh thần tự hào dân tộc, lòng yêu nước và ý chí vươn lên của doanh nhân Việt Nam.

Biểu trưng có 6 cánh biểu tượng cho 6 tiêu chuẩn Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam do VCCI công bố: (1) Tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội; (2) Tuân thủ pháp luật; (3) Minh bạch, công bằng, liêm chính; (4) Sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; (5) Tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; (6) Yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục