Đổi mới công nghệ sản xuất clanhke, không xuất khẩu cát tự nhiên

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050. Quyết định nhiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021.
Đổi mới công nghệ sản xuất clanhke, không xuất khẩu cát tự nhiên ảnh 1Sản xuất vật liệu xây dựng không nung tại Nhà máy của Công ty cổ phần Đại Hồng Sơn, thành phố Bà Rịa. (Ảnh: TTXVN)

Theo đề nghị của Bộ Xây dựng về phát triển ngành vật liệu xây dựng hiệu quả, bền vững, đáp ứng cơ bản nhu cầu trong nước, từng bước tăng cường xuất khẩu, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050.

Trong đó, chiến lược đặt ra mục tiêu đến năm 2025, các nhà máy xi măng có công suất nhỏ hơn 2.500 tấn clanhke xi măng/ngày phải đầu tư chiều sâu đổi mới công nghệ; giai đoạn 2021-2030, không xuất khẩu cát xây dựng khai thác từ tự nhiên, hướng tới đầu tư cát trắng thủy tinh, hạn chế tối đa sử dụng cát tự nhiên trong xây dựng…

Tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường

Theo quyết định, mục tiêu tổng quát của Chiến lược nhằm phát triển ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng đạt trình độ tiên tiến, hiện đại; sản phẩm có chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước.

Ngoài ra, chiến lược cũng hướng đến việc loại bỏ hoàn toàn công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng lạc hậu, tiêu tốn nhiều tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường; xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có tính cạnh tranh mạnh trên thị trường quốc tế; hạn chế xuất khẩu những sản phẩm sử dụng nhiều tài nguyên khoáng sản không tái tạo.

Theo đó, Chiến lược đặt mục tiêu từ năm 2021-2030, chỉ đầu tư mới nhà máy sản xuất clanhke xi măng có công suất một dây chuyền không nhỏ hơn 5.000 tấn clanhke/ngày, gắn với vùng nguyên liệu và đầu tư hệ thống phát điện tận dụng nhiệt khí thải, đáp ứng đầy đủ các chỉ tiêu quy định.

[Gấp rút báo cáo tình hình xuất khẩu cát trắng silic làm khuôn đúc]

Trong đó, đến năm 2025, các nhà máy xi măng có công suất nhỏ hơn 2.500 tấn clanhke/ngày, tiêu hao nhiều nguyên-nhiên liệu và năng lượng lớn, phải đầu tư chiều sâu đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, đầu tư các trạm nghiền xi măng có công suất phù hợp ở những khu vực không thuận lợi về nguyên liệu để sản xuất clanhke xi măng. Tỷ lệ sử dụng clanhke trong sản xuất xi măng trung bình toàn ngành tối đa ở mức 65%; phụ gia cho xi măng sử dụng tối thiểu 35%.

Theo quy Chiến lược, tổng công suất thiết kế các nhà máy xi măng đến năm 2025 không vượt quá 125 triệu tấn/năm; đến năm 2030 không vượt quá 150 triệu tấn/năm.

Đổi mới công nghệ sản xuất clanhke, không xuất khẩu cát tự nhiên ảnh 2Tổng công suất thiết kế các nhà máy xi măng đến năm 2025 không vượt quá 125 triệu tấn/năm. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Về công nghệ, chiến lược đặt ra mục tiêu đến năm 2025, 100% các dây chuyền sản xuất xi măng có công suất từ 2.500 tấn clanhke/ngày trở lên phải lắp đặt và vận hành hệ thống phát điện tận dụng nhiệt khí thải; sử dụng tối thiểu 20% tro bay nhiệt điện hoặc chất thải công nghiệp khác làm nguyên liệu thay thế trong sản xuất clanhke và làm phụ gia trong sản xuất xi măng.

Không xuất khẩu cát xây dựng từ tự nhiên

Đối với cát, chiến lược đặt ra mục tiêu giai đoạn 2021-2030, từng bước hạn chế sử dụng cát sông làm vật liệu san lấp; không sử dụng cát sông đạt tiêu chuẩn kỹ thuật dùng cho bê tông làm vật liệu san lấp; không xuất khẩu cát xây dựng khai thác từ tự nhiên.

Cùng với đó, chiến lược khuyến khích đầu tư nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất các dây chuyền chế biến cát nghiền, cát biển, cát vùng nước mặn, cát nước lợ, cát mịn thành cát đủ tiêu chuẩn sử dụng cho bê tông và vữa.

Về sản phẩm, tăng cường phát triển các sản phẩm cát nhân tạo đáp ứng nhu cầu sử dụng; phấn đất đạt mục tiêu sử dụng cát nghiền, cát tái chế từ phế thải công nghiệp và xây dựng để thay thế tối thiểu 40% lượng dùng cát thiên nhiên trong xây dựng; đẩy nhanh việc sản xuất cát nước lợ, cát mịn, cát biển, phấn đấu đạt mục tiêu sử dụng thay thế cho 10% cát tự nhiên trong xây dựng.

Trong giai đoạn 2031-2050, hạn chế tối đa sử dụng cát tự nhiên trong xây dựng; nâng cao tỷ lệ sử dụng cát nghiền, cát tái chế từ phế thải công nghiệp và xây dựng, cát nước lợ lên tối thiểu 60% tổng lượng cát dùng trong xây dựng.

[Nghiên cứu xử lý bùn đỏ - chất thải nguy hại thành gạch gốm xây dựng]

Đặc biệt là đầu tư cát trắng thủy tinh. Cụ thể là phát triển các sơ sở khai thác, chế biến cát trắng với công nghệ hiện đại, chế biến sâu, sản xuất cát trắng chất lượng cao làm nguyên liệu cho sản xuất kính và thủy tinh, nhất là các loại kính đặc chủng, sợi thủy tinh.

Về công nghệ, sử dụng công nghệ khai thác tiên tiến kết hợp với tuyển rửa loại bỏ tạp chất để nâng cao chất lượng cát; phế thải sinh ra trong quá trình xử lý phải được thu gom, lưu chứa đúng kỹ thuật hoặc tái sử dụng; sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản…

7 giải pháp phát triển vật liệu xây dựng

Để đạt được các mục tiêu phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050, Chiến lược đề ra 7 giải pháp thực hiện.

Đổi mới công nghệ sản xuất clanhke, không xuất khẩu cát tự nhiên ảnh 3Dây chuyền sản xuất gạch men ốp lát. (Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN)

Đầu tiên là hoàn thiện thể chế, chính sách. Trong đó hoàn thiện các văn bản pháp luật theo hướng khuyến khích đầu tư mới, chuyển sang công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng sử dụng tiết kiệm; hạn chế, tiến tới dừng các hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng không hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường.

Tiếp đó là khai thác tài nguyên khoáng sản hiệu quả, tiết kiệm bằng cách tổ chức lập quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng theo đúng quy định; đẩy mạnh thăm dò các mỏ khoáng sản đảm bảo nguồn cung; hình thành các khu vực, cơ sở chuyên gia công chế biến nguyên liệu đảm bảo cung cấp ổn định về chất lượng, số lượng cho cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng.

Thứ ba là đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ. Trong đó nghiên cứu phat triển sản phẩm mới, công nghệ mới, sử dụng phế thải làm nguyên liệu, nhiên liệu thay thế, giảm tiêu hao năng lượng; đẩy mạnh nghiên cứu trong lĩnh vực chế tạo cơ khí, sản xuất thiết bị, phụ tùng thay thế; tăng cường ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất vật liệu xây dựng.

Giải pháp thứ tư là đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm vật liệu xây dựng trong nước và xuất khẩu. Tăng cường quảng bá sản phẩm nhằm thúc đẩy thị trường tiêu thụ nội địa; đẩy nhanh xây dựng thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm vật liệu xây dựng có lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Thứ năm là đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo đội ngũ chuyên gia, kỹ sư có trình độ chuyên môn cao; đào tạo nhân viên kỹ thuật và đội ngũ công nhân lành nghề, có khả năng nắm bắt công nghệ mới, làm củ dây chuyền sản xuất hiện đại…

Hai giải pháp tiếp theo là nâng cao năng lực chế tạo thiết bị và bảo vệ môi trường trong sản xuất. Trong đó đặc biệt là tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường và an toàn lao động../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục