Đối thoại Shangri-La 2018: Nhật - Hàn "đấu khẩu" về Triều Tiên

Tại diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La lần thứ 17 đang diễn ra ở Singapore, hai đồng minh của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc đã "đấu khẩu" về Triều Tiên.
Đối thoại Shangri-La 2018: Nhật - Hàn "đấu khẩu" về Triều Tiên ảnh 1Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera phát biểu tại Shangri-La (Nguồn: Global News)

Tại diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La lần thứ 17 đang diễn ra ở Singapore, hai đồng minh của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc đã "đấu khẩu" về Triều Tiên.

Hãng tin Reuters dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera phát biểu tại Shangri-La cho rằng không nên "thưởng" cho Triều Tiên chỉ vì đã đồng ý đối thoại, mà họ cần có hành động cụ thể dỡ bỏ mọi chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa của mình. Ông nhắc nhở rằng Triều Tiên đã từng ký kết một số thỏa thuận chấm dứt chương trình hạt nhân, nhưng cuối cùng chỉ tăng cường hoạt động phát triển loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này.

Ông nói: "Nhìn vào cách hành xử của Triều Tiên trong quá khứ, điều quan trọng là không nên thưởng cho họ vì đã đồng ý đối thoại". Bộ trưởng Onodera nhấn mạnh cách duy nhất để đem lại hòa bình là đảm bảo rằng Triều Tiên có các hành động cụ thể nhằm chấm dứt toàn bộ chương trình hạt nhân và chương trình phát triển vũ khí đạn đạo tầm xa, tầm trung hay tầm ngắn.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo kêu gọi ủng hộ đối thoại để giúp Triều Tiên gia nhập cộng đồng quốc tế, đồng thời nhấn mạnh rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un phải được hưởng quyền suy đoán vô tội khi chưa có bằng chứng buộc tội. Phát biểu tại Shangri-La, Bộ trưởng Song Young-moo thừa nhận có một cuộc tranh luận về mức độ giải giáp hạt nhân mà Triều Tiên cần phải thỏa hiệp, song ông nhấn mạnh nếu quá chú trọng vào việc giải giáp thay vì cách thức tiến hành, thì đối thoại sẽ không bao giờ đạt kết quả.

Ông nói: "Cần đạt mục tiêu giải pháp hạt nhân một cách hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược, và tôi tin rằng ông Kim Jong-un sẽ cam kết điều này. Nếu các bạn tiếp tục nghi ngờ các động lực của nhà lãnh đạo Triều Tiên, đó sẽ chỉ là một trở ngại đối với đối thoại và tiến bộ".

[Toàn văn bài phát biểu của Đại tướng Ngô Xuân Lịch tại Shangri-La 17]

Khi lên cầm quyền, Chính phủ của Tổng thống Moon Jae-in ở Hàn Quốc đã đặt ưu tiên hàng đầu là đưa Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán để giải quyết mối hận thù kéo dài nhiều thập kỷ qua giữa hai miền, và đem lại hòa bình vĩnh viễn trên Bán đảo Triều Tiên. Seoul công khai cam kết không theo đuổi chính sách lật đổ nước láng giềng.

Cuộc "đấu khẩu" trên giữa hai đồng minh của Mỹ diễn ra trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa Mỹ và Triều Tiên, dự kiến ngày 12/6 tới tại Singapore, nhằm thảo luận chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Sau một cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch Ban Chấp hành trung ương đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump khẳng định Mỹ và Triều Tiên sẽ "bắt đầu một mối quan hệ" vào ngày 12/6 tới và bày tỏ hy vọng đạt "kết quả rất tích cực" với Triều Tiên dù không kỳ vọng đạt đột phá tại Singapore.

Trong một diễn biến khác cùng ngày, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết Nhật Bản sẽ nỗ lực góp phần vào thành công của hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp tới. Phát biểu tại tỉnh Shiga, ông Abe khẳng định: "Nhật Bản quyết tâm nỗ lực cao nhất để đây sẽ là một hội nghị thượng đỉnh lịch sử, giải quyết vấn đề hạt nhân, tên lửa và công dân Nhật bị bắt cóc". Theo kế hoạch, Thủ tướng Abe sẽ gặp Tổng thống Trump ngày 7/6 trước khi đến Canada dự hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển (G7) vào ngày 8-9/6./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục