Đồng Nai chi hơn 20.000 tỷ đồng cho bồi thường, hỗ trợ, tái định cư

Giai đoạn từ 2007-2022, Đồng Nai thực hiện nhiều dự án trọng điểm quốc gia, phải thu hồi hàng nghìn ha đất như Sân bay Long Thành, cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây, cao tốc Bến Lức-Long Thành.
Đồng Nai chi hơn 20.000 tỷ đồng cho bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ảnh 1Cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Theo thống kê sơ bộ của Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai, trong giai đoạn từ 2007-2022, tỉnh đã thu hồi khoảng 18.000ha đất của hơn 60.000 tổ chức, cá nhân để triển khai trên 1.300 dự án.

Tổng vốn tạm tính để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hơn 20.000 tỷ đồng. Số liệu này chưa tính dự án Sân bay Long Thành.

Giai đoạn từ 2007-2022, Đồng Nai tập trung các nguồn lực triển khai các dự án hạ tầng giao thông, khu dân cư. Trong đó, nhiều dự án trọng điểm quốc gia, phải thu hồi hàng nghìn ha đất như Sân bay Long Thành, cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây, cao tốc Bến Lức-Long Thành. Đặc biệt, chỉ riêng dự án Sân bay Long Thành, tỉnh phải thu hồi 5.000ha đất của nhiều tổ chức và hơn 5.500 gia đình, số tiền để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là gần 23.000 tỷ đồng.

Tới đây, tỉnh tiếp tục thu hồi hàng nghìn ha đất để triển khai các dự án như Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, đường Vành đai 3, đường Vành đai 4-Thành phố Hồ Chí Minh, cao tốc Dầu Giây-Liên Khương, Đường tỉnh 770B, Đường tỉnh 769, Đường tỉnh 773. Đây là các dự án rất lớn, tỉnh phải thu hồi đất của hàng chục nghìn hộ. Riêng cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu có gần 4.000 hộ phải nhường đất phục vụ dự án.

Theo đánh giá của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, người dân cơ bản đồng tình, ủng hộ chủ trương của Nhà nước, sẵn sàng bàn giao đất triển khai các dự án. Tuy nhiên, công tác thu hồi đất gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân do hồ sơ đất phức tạp, nhiều trường hợp mua bán, cho tặng đất bằng giấy viết tay; người dân khiếu nại về giá bồi thường, hỗ trợ khi di dời. Đặc biệt, công tác tái định cư "đi sau" thu hồi đất, người dân gặp khó khăn về chỗ sau khi nhường đất phục vụ dự án. Nhiều trường hợp chuyển đến nơi mới sinh sống nhưng chưa tìm được việc làm phù hợp, sinh kế bị ảnh hưởng.

[20 hộ đầu tiên nhận bồi thường dự án đường kết nối sân bay Long Thành]

Đơn cử như tại Dự án cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây, dù dự án khởi công từ cuối năm 2020 và tháng 4 vừa qua đã thông xe tuyến chính. Song đến nay Khu tái định cư Gia Ray (huyện Xuân Lộc) phục vụ dự án vẫn chưa hoàn thành, hàng trăm trường hợp di dời nhường đất cho cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây vẫn chưa có nơi ở mới.

Đối với cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, dự kiến tháng 6 này sẽ khởi công, song hiện cả 4 khu tái định cư phục vụ dự án vẫn đang bị đình trệ.

Để có chỗ ở cho người dân, Đồng Nai đã kiến nghị Chính phủ cho phép tỉnh được bố trí tái định cư khoảng 1.500 hộ tại cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu vào Khu tái định cư Lộc An-Bình Sơn (là Khu tái định cư phục vụ sân bay Long Thành).

Xác định tái định cư phải đi trước nên trong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, các địa phương ở Đồng Nai đã bố trí gần 1.800ha đất để xây dựng các khu tái định cư.

Tỉnh đang tập trung xây dựng các khu tái định cư nhằm đảm bảo cho người dân có chỗ ở sau khi di dời phục vụ dự án đường Vành đai 3-Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến T1 và tuyến T2 kết nối Sân bay Long Thành, cũng như các dự án trọng điểm của địa phương; đồng thời tăng cường đào tạo nghề cho người dân bị thu hồi đất. Với những người ngoài độ tuổi lao động, đã làm nông nghiệp lâu năm, tỉnh sẽ nghiên cứu, đào tạo các ngành nghề thuộc loại hình nông nghiệp đô thị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục