Dự án BOT Hòa Lạc-Hòa Bình thi công 'nước rút' để thông xe ngày 10/10

Dự án BOT Hòa Lạc-Hòa Bình dự kiến thông xe ngày 10/10

Nhà đầu tư tuyến đường BOT Hòa Lạc-Hòa Bình đang dốc toàn bộ nhân lực để chạy đua với thời gian nhằm đưa dự án thông xe dự án vào ngày 10/10 tới đây.
Dự án BOT Hòa Lạc-Hòa Bình dự kiến thông xe ngày 10/10 ảnh 1Đường BOT Hòa Lạc-Hòa Bình có chiều dài khoảng 31km dự kiến khánh thành, thông xe dự án vào ngày 10/10. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Tuyến đường BOT Hòa Lạc-Hòa Bình dự kiến khánh thành, thông xe dự án vào dịp kỷ niệm ngày giải phóng Thủ đô (ngày 10/10) tới đây sau khi các hạng mục thi công của dự án đang được nhà đầu tư và nhà thầu gấp rút hoàn thành.

Dốc lực chạy đua thời tiết, thời gian

Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc-Hòa Bình được khởi công vào tháng 5/2014, hoàn thành vào 31/8/2016 (28 tháng), sau đó được lùi thời gian thông xe kỹ thuật vào 31/8/2018 và khai thác toàn tuyến và ngày 10/10. Tổng mức đầu tư dự án hơn 2.989 tỷ đồng.

[Lộ rõ ‘hình hài’ tuyến đường BOT nghìn tỷ nối Hà Nội-Hòa Bình]

Tại hiện trường, nhà đầu tư đã huy động các nhà thầu mạnh của Tổng công ty 36 tập trung đầy đủ nhân lực, máy móc, thiết bị thi công đáp ứng tiến độ yêu cầu. Từng mẻ bê tông nhựa đang được nhà thầu trải thảm theo đúng quy trình, quy phạm thiết kế.

Theo ông Bùi Quang Bát, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn BOT Quốc lộ 6 Hòa Lạc-Hòa Bình (doanh nghiệp dự án), toàn tuyến hiện không còn vướng về mặt bằng, vì vậy các đơn vị đang thi công đồng loạt, khối lượng tiến độ đạt 98%. Dự kiến đến ngày 20/9 tới sẽ hoàn thành xong công tác thảm bê tông nhựa gần 26/26km.

“Hiện tại, các nhà thầu tập trung hoàn thiện hệ thống an toàn giao thông, biển báo, vạch sơn, hộ lan để đảm bảo tuyến đường khai thác vận tốc 80km/giờ. Sau khi dự án thông xe, đường đi từ Hà Nội-Hòa Bình rút ngắn được 20km và cả thời gian lưu thông,” ông Bát cho hay.

Ông Lưu Việt Khoa, Phó giám đốc Ban quản lý dự án 2 cho biết, Ban và doanh nghiệp dự án thường xuyên duy trì bộ phận hiện trường có mặt trên công trường trực tiếp theo dõi, đôn đốc, xử lý các vấn đề nảy sinh. Hàng tuần đều họp giao ban tại công trường, tranh thủ thời tiết gấp rút hoàn thành các công các cuối cùng (hệ thống thoát nước, hộ lan, sơ kẻ mặt đường, biển báo...) đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc đảm bảo chất lượng thi công, nghiệm thu, hoàn thiện thủ tục, thanh toán kịp thời.

“Với sự vào cuộc quyết liệt của nhà đầu tư, nhà thầu cùng với nguồn vốn tín dụng được giải ngân, chắc chắn tuyến đường BOT Hòa Lạc-Hòa Bình sẽ hoàn thành trước hạn vào ngày 10/10 tới để thông xe theo đúng chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải,” ông Khoa khẳng định.

Ông Khoa chỉ ra những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng (cuối tháng Tư vừa qua mới bàn giao 100% mặt bằng cho nhà thầu), Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn-Hà Nội (Ngân hàng SHB) tài trợ nguồn vốn “rót” cho công trình dừng giải ngân trong thời gian dài đã ảnh hưởng đến việc dự án liên tục được gia hạn tiến độ và chậm hoàn thành đúng 2 năm so với hợp đồng BOT.

[Dự án BOT Hòa Lạc-Hòa Bình đứng trước nguy cơ bị vỡ tiến độ]

Cụ thể, dự án được Ngân hàng SHB cung cấp vốn vay tín dụng với hạn mức 1.999 tỷ đồng, tuy nhiên từ ngày 1/11/2017, Ngân hàng SHB đã tạm dừng giải ngân nguồn vốn vay với các lý do dự án không được tăng giá vé theo quy định tại hợp đồng dự án; dư nợ vay tối đa có thể đạt 4.355 tỷ đồng (theo tính toán dòng tiền vào năm thứ 16) khi đó sẽ vượt mức 15% vốn tự có của ngân hàng, do vậy, ngân hàng SHB chỉ có thể giải ngân tiếp cho dự án này khi có chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước theo quy định (ngày 11/7/2018 mới nối lại giải ngân).

Cân đối phương án tài chính nhà đầu tư

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể yêu cầu nhà đầu tư phải khẩn trương hoàn thiện toàn bộ hạng mục an toàn giao thông, vạch sơn, biển báo, gia cố mái taluy, rãnh dọc... yêu cầu hoàn thành trước ngày 10/10 tới đây để làm cơ sở khánh thành, đưa vào khai thác chính thức dự án.

Nhìn nhận tuyến đường Hòa Lạc-Hòa Bình là công trình làm mới, còn nhiều hạng mục thi công trong mùa mưa, khó đảm bảo chất lượng, Bộ trưởng yêu cầu nhà đầu tư, Ban quản lý dự án 2 và các đơn vị tư vấn đặc biệt quan tâm đến chất lượng công trình, không vì tiến độ mà bỏ qua việc kiểm soát chặt chẽ chất lượng, đặc biệt các hạng mục bê tông nhựa, tất cả các hạng mục phải được thi công tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn của dự án.

“Mặc dù là tuyến đường làm mới nhưng dân cư 2 bên tuyến khá đông nên trong quá trình thi công phải quản lý công trường, bố trí đầy đủ biển cảnh báo, người hướng dẫn giao thông, hạn chế để phương tiện giao thông đi lại trên tuyến,” người đứng đầu ngành giao thông chỉ đạo.

Dự án BOT Hòa Lạc-Hòa Bình dự kiến thông xe ngày 10/10 ảnh 2Dự kiến đến ngày 20/9 tới sẽ hoàn thành xong công tác thảm bêtông nhựa gần 26km. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Về phía nhà đầu tư, ông Nguyễn Đăng Giáp, Tổng giám đốc Tổng công ty 36 thừa nhận, các đơn vị thi công đang chạy đua thời tiết, thời gian thì tiến độ dự án mới đáp ứng.

“Tổng công ty 36 dốc tất cả tiền bạc, sức lực để hoàn thành dự án. Tuy nhiên, việc giảm phí cho phương tiện và không được tăng phí theo lộ trình hợp đồng BOT ký kết trước đó đã ảnh hưởng tới thời gian hoàn vốn dự án khi phải kéo dài, phá bỏ phương án tài chính ban đầu của nhà đầu tư,” ông Giáp thừa nhận.

[Dự án BOT Hòa Lạc-Hòa Bình sẽ thông xe kỹ thuật cuối tháng Tám]

Cụ thể, theo phương án tài chính dự kiến sẽ tăng phí từ 1/1/2016, sau 3 năm tăng phí một lần, mỗi lần tăng 18%, tuy nhiên, thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP, Bộ Giao thông Vận tải và nhà đầu tư đã giảm giá vé cho các phương tiện nhóm 2, 4, 5 và miễn giảm giá vé cho người dân sống xung quanh khu vực trạm thu phí.

“Theo phương án tài chính cập nhật tháng Sáu vừa qua, thời gian hoàn vốn dự kiến là 27 năm 6 tháng 9 ngày (từ ngày 1/9/2018-10/3/2046), dài hơn dự kiến ban đầu là 2 năm 9 tháng đã ảnh hưởng đến phương án tài chính nhà đầu tư,” ông Giáp nhấn mạnh đồng thời cảnh báo những thay đổi về thể chế, chính sách Nhà nước, hành lang pháp lý Luật PPP chưa hoàn thiện sẽ làm nhà đầu tư “nhụt chí” đổ tiền vào làm BOT giao thông, nhất là đối với tuyến đường có lưu lượng xe thấp.

Tháo gỡ khó khăn này, Bộ Giao thông Vận tải cam kết, trường hơp dự án đưa vào khai thác có doanh thu thấp hơn phương án tài chính, cho phép điều chỉnh mức giá theo lộ trình tính toán trong phương án tài chính của hợp đồng đã ký kết.

Trường hợp doanh thu thực tế cao hơn dự báo, Bộ Giao thông Vận tải sẽ chủ động phối hợp với nhà đầu tư tính toán giảm giá vé để đảm bảo hiệu quả dự án, hài hòa lợi ích của người dân, nhà đầu tư và Nhà nước./.

Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc-Hòa Bình có điểm đầu tại ngã tư Hòa Lạc (km17+85-Quốc lộ 21), điểm cuối tại km32 +367, tương ứng với km67+510-lý trình Quốc lộ 6 thuộc xã Trung Minh, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.

Theo thiết kế, tuyến có chiều dài khoảng 31km, đoạn 6,7km đầu đi trùng với đường Hòa Lạc-Làng Văn hóa (hiện là đường cấp 3 đồng bằng) tận dụng hoàn toàn; đoạn tiếp theo xây dựng mới qua các huyện Thạch Thất (Hà Nội) và Kỳ Sơn, thành phố Hòa Bình có chiều dài khoảng 25,6km. Đoạn tuyến này sẽ được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, nền đường rộng 12m, mặt đường rộng 11m.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục