Theo hãng Reuters, ngày 3/10, các đại sứ của Liên minh châu Âu đã nhất trí về một khuôn khổ trừng phạt sẽ được áp dụng đối với các tác nhân chính trong cuộc chiến ở Sudan và áp đặt lệnh phong tỏa tài sản và cấm nhập cảnh.
Giao tranh nổ ra ở Sudan vào tháng 4 năm nay giữa quân đội do Tướng Abdel Fattah al-Burhan lãnh đạo, người đã lật đổ nhà độc tài lâu năm Omar al-Bashir vào năm 2019, và một lực lượng bán quân sự do Tướng Mohamed Hamdan Dagalo, được gọi là Hemedti, lãnh đạo.
Giao tranh và đổ máu tiếp tục leo thang bất chấp nỗ lực quốc tế nhằm đạt được lệnh ngừng bắn lâu dài.
Đề xuất trừng phạt đã được gửi vào tháng 7 nhưng mãi đến ngày 2/10 mới được thông qua. Ngoại trưởng các nước thành viên EU vẫn cần đưa ra quyết định cuối cùng vào cuối tháng này trước khi khối có thể bắt đầu bổ sung các cá nhân và tổ chức vào danh sách trừng phạt.
Mỹ, Anh, Na Uy và Đức đang có kế hoạch đệ trình kiến nghị lên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc để tiến hành một cuộc điều tra về các cáo buộc tàn bạo ở Sudan, bao gồm cả các vụ giết người có động cơ sắc tộc.
[Tư lệnh quân đội Sudan kêu gọi cộng đồng quốc tế coi RSF là "khủng bố"]
Cuộc giao tranh giữa các bên đã khiến nhiều người phải rời bỏ nhà cửa và gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo. Báo cáo của Tổ chức Di cư Quốc tế cho biết hiện có gần 4,3 triệu người dân phải lánh nạn trong lãnh thổ Sudan và phần lớn trong số này đến từ thủ đô Khartoum, nơi giao tranh diễn ra ác liệt nhất.
Họ đã phải di chuyển tới các khu vực ở miền Bắc, miền Đông và miền Trung Sudan.
Trong khi đó, 1,2 triệu người còn lại đã rời khỏi Sudan để tới các nước láng giềng như Cộng hòa Chad, Ai Cập và Nam Sudan.
Tình hình càng trở nên đáng quan ngại hơn khi Văn phòng Điều phối các Vấn đề Nhân đạo Liên hợp quốc đã cảnh báo về sự lây lan của dịch tả ở Sudan.
Hiện dịch tả đã chính thức được xác nhận bùng phát tại bang miền Đông Gedaref và có khả năng bùng phát tại thủ đô Khartoum và bang Nam Kordofan.
Đến nay Văn phòng Điều phối các Vấn đề Nhân đạo Liên hợp quốc đã vận chuyển nhiều nhu yếu phẩm như thuốc kháng sinh cũng như dịch truyền tới 6 bang Sudan.
Tổ chức Y tế Thế giới cũng đã cử các đội phản ứng nhanh tới những vùng dịch để hỗ trợ Bộ Y tế Sudan giúp người dân tiếp cận nguồn nước sạch./.