Ngày 5/2, tại Hà Nội đã khai mạc Hội thảo quốc tế về chủ đề “Thực tiễn và thách thức trong chuyển hóa pháp luật tại Việt Nam: Chia sẻ kinh nghiệm của Liên minh châu Âu.”
Hội thảo do Văn phòng Quốc hội phối hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam tổ chức để chia sẻ những kinh nghiệm về chuyển hóa luật giữa các học giả châu Âu và quốc tế với các đại biểu Quốc hội, đại diện các cơ quan và các học giả Việt Nam.
Chủ trì Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết Việt Nam đang thực hiện chiến lược cải cách hệ thống pháp luật trong đó trọng tâm là hoàn thiện các thể chế trung tâm, đáp ứng yêu cầu xây dựng pháp quyền và hội nhập kinh tế quốc tế.
Quốc hội Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để không ngừng nâng cao hoạt động lập pháp thông qua việc tham khảo và du nhập pháp luật nước ngoài (chuyển hóa luật).
Tuy nhiên, chuyển hóa luật vẫn là thuật ngữ tương đối mới và hoạt động này chưa được quan tâm nghiên cứu đúng mức. Hệ thống pháp luật của Việt Nam cũng bị coi là có một số điểm chưa tương thích với thực tiễn chuyển hóa luật trên thế giới.
Nói về ý nghĩa Hội thảo, bà Delphine Malard, Tham tán thứ nhất, Trưởng ban chính trị, báo chí và thông tin của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam tin tưởng rằng việc chia sẻ kinh nghiệm của châu Âu về vấn đề này có thể mang lại giá trị to lớn cho các nhà lập pháp của Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh ban hành Hiến pháp 2013 và nhu cầu sửa đổi hệ thống pháp luật Việt Nam thích ứng Hiến pháp mới.
Trình bày tổng quan về vấn đề chuyển hóa luật tại Việt Nam, tiến sỹ Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết hiện nay, chuyển hóa luật là vấn đề mới vì các nghiên cứu của Việt Nam về vấn đề này vẫn thiếu và chưa toàn diện nên cách hiểu về chuyển hóa luật chưa sâu sắc, thống nhất.
Tuy nhiên đây, cũng là vấn đề đã từng diễn ra tại Việt Nam vì thực tế pháp luật Việt Nam đã có hiện tượng du nhập pháp luật từ lâu đời.
Ông Nguyễn Sĩ Dũng cho biết hiện nay ở Việt Nam đang sử dụng các thuật ngữ khác nhau về vấn đề này như du nhập pháp luật, tham khảo luật nước ngoài, chuyển hóa luật, cấy ghép pháp luật.
Chuyển hóa luật được hiểu như cách hiểu thông lệ của thế giới theo hai hướng cơ bản, đó là chiều dọc (từ tham khảo các quy định của các tổ chức quốc tế và hướng quy định của các quốc gia) và chiều ngang (tham khảo pháp luật của các quốc gia khác trong cùng một vấn đề để xây dựng quy định pháp luật trong nước).
Đánh giá nhu cầu tham khảo luật nước ngoài ngày càng lớn, tiến sỹ Nguyễn Sĩ Dũng cũng đã nêu những khó khăn, thách thức của việc du nhập pháp luật nước ngoài vào Việt Nam. Đó là thiếu triết lý về việc tiếp nhận và du nhập pháp luật vào Việt Nam, việc lựa chọn giải pháp pháp luật có thể bị ảnh hưởng bởi những quan điểm chủ quan của nhà soạn thảo…
Hội thảo có sự tham gia của những chuyên gia nước ngoài hàng đầu về chuyển hóa luật.
Hai chuyên gia của châu Âu đã chia sẻ kiến thức và thông tin về chuyển hóa luật và văn hóa trong quá trình và thực tiễn lập pháp của EU, giáo sư Helen Santhaki, Viện nghiên cứu pháp luật cao cấp thuộc Đại học London đã trình bày về chính sách của các quốc gia châu Âu về chuyển hóa luật và thực tiễn chuyển hóa luật trong hoạt động lập pháp tại nghị viện các nước thành viên Liên minh châu Âu.
Giaos sư Norbert Reich, Đại học Bremen, Cộng hòa Liên bang Đức đã trình bày về những vấn đề lý thuyết về chuyển hóa luật và thực tiễn chuyển hóa luật tại một số nước châu Á.
Giáo su Higuchi Yoichi, Đại học Tokyo đã chia sẻ kinh nghiệm về chuyển tải luật của nước ngoài vào Nhật Bản.
Về phía Việt Nam, Hội thảo đã được nghe các tham luận về thực trạng, thách thức và một số khuyến nghị ban đầu đối với chuyển hóa luật tại Việt Nam của đại diện lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và các học giả.
Thông qua Hội thảo, các đại biểu mong muốn tìm hiểu về những lý thuyết phổ biến trên thế giới và Liên minh châu Âu về chuyển hóa luật để Việt Nam có thể tham khảo và nghiên cứu ứng dụng những hạt nhân hợp lý; tham khảo các kinh nghiệm thực tiến của các nước về du nhập và tiếp nhận pháp luật nước ngoài; những thành công, thất bại mà các nước đã trải qua. Qua đó xem xét những yếu tố, nhân tố trực tiếp và gián tiếp ảnh hưởng và liên quan đến hoạt động chuyển hóa luật, nhất là trong giai đoạn soạn thảo và thông qua dự án luật để từ đó có những khuyến nghị cho việc tham khảo luật nước ngoài hiệu quả.
Trong khuôn khổ Hiệp định đối tác và hợp tác toàn diện EU-Việt Nam, Liên minh châu Âu có mục tiêu chiến lược là tăng cường các mối quan hệ chính trị, kinh tế và văn hóa thông qua việc mở rộng phạm vi hợp tác với Việt Nam.
Chia sẻ kinh nghiệm của châu Âu về chuyển hóa pháp luật có thể góp phần giúp Việt Nam thực hiện Hiệp định đối tác và hợp tác toàn diện EU-Việt Nam một cách hiệu quả./.