Gần 50% nhà khoa học nữ trên thế giới từng bị quấy rối tình dục

Theo kết quả khảo sát do Ipsos thực hiện, 49% các nhà khoa học nữ được hỏi cho biết bản thân họ đã “trải qua ít nhất một tình huống” bị quấy rối.
Gần 50% nhà khoa học nữ trên thế giới từng bị quấy rối tình dục ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: phys.org)

Theo kết quả của cuộc khảo sát do Ipsos thực hiện và công bố ngày 16/3, gần 50% số nhà khoa học nữ trên thế giới từng là nạn nhân của quấy rối tình dục tại nơi làm việc, vào một thời điểm nào đó trong sự nghiệp của họ.

Cuộc khảo sát được thực hiện theo ủy quyền của Quỹ L’Oreal, kéo dài từ ngày 26/7-12/9/2022 với sự tham gia của 5.000 nhà nghiên cứu hoạt động trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.

Các nhà nghiên cứu này làm việc tại hơn 50 tổ chức công và tư tại 117 quốc gia.

[Người có hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc bị xử lý thế nào?]

Theo kết quả khảo sát, 49% các nhà khoa học nữ được hỏi cho biết bản thân họ đã “trải qua ít nhất một tình huống” bị quấy rối.

Gần một nửa số trường hợp trong đó xảy ra sau khi #MeToo - phong trào chống quấy rối và bạo lực tình dục - nổi lên vào năm 2017.

Ngoài ra, 65% cho biết việc quấy rối đã ảnh hưởng tiêu cực tới sự nghiệp của họ, nhưng chỉ có 20% nạn nhân báo cáo việc này với tổ chức.

Khoảng 25% số người được hỏi cho biết họ đã từng ở trong tình huống bị người khác gọi bằng những từ ngữ thiếu tôn trọng, khiếm nhã.

Một số trường hợp bị hỏi nhiều lần theo cách mang tính xâm phạm về đời sống riêng tư hoặc tình dục.

Phần lớn các vụ quấy rối xảy ra khi nạn nhân mới bắt đầu sự nghiệp. Khoảng một nửa số nạn nhân cho biết hậu quả của việc bị quấy rối tình dục là họ tìm cách tránh mặt các nhân viên khác tại nơi làm việc, trong khi đó 20% người được hỏi cho biết cảm thấy không an toàn tại nơi làm việc.

Gần 65% người có ý kiến cho rằng các giải pháp chống nạn quấy rối tình dục nơi công sở hiện nay là chưa đủ.

Trao đổi với báo giới, bà Alexandra Palt của Quỹ L’Oreal nhấn mạnh cuộc khảo sát cho thấy sự cấp thiết phải thiết lập một hệ thống báo cáo hiệu quả và minh bạch để giải quyết vấn nạn quấy rối tình dục, giúp cho phụ nữ cảm thấy an toàn và có thể thể hiện hết tiềm năng của họ trong nghiên cứu khoa học.

Bà Palt cũng cho biết Quỹ L’Oreal đã hợp tác với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) để hỗ trợ các nhà khoa học nữ, đồng thời kêu gọi các tổ chức nghiên cứu và học thuật áp dụng các chính sách không khoan nhượng tình trạng quấy rối tình dục và đưa ra các cam kết ngân sách để giải quyết vấn đề này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục