Giá dầu châu Á đi lên khi Trung Quốc nới lỏng hạn chế COVID-19

Theo đó, giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 28 xu Mỹ (tương đương 0,2%) lên 119,79 USD/thùng lúc 14 giờ 1 phút (giờ Việt Nam). Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tiến 31 xu Mỹ (0,3%) lên 118,81 USD/thùng.
Giá dầu châu Á đi lên khi Trung Quốc nới lỏng hạn chế COVID-19 ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: THX/TTXVN)

Giá dầu châu Á tăng trong chiều 7/6, với nhu cầu dự kiến phục hồi ở Trung Quốc khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nới lỏng các hạn chế kiểm soát dịch COVID-19.

Theo đó, giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 28 xu Mỹ (tương đương 0,2%) lên 119,79 USD/thùng lúc 14 giờ 1 phút (giờ Việt Nam). Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tiến 31 xu Mỹ (0,3%) lên 118,81 USD/thùng.

Hai thành phố lớn của Trung Quốc là Bắc Kinh và trung tâm tài chính thương mại Thượng Hải đã trở lại bình thường trong những ngày gần đây, sau hai tháng phong tỏa nghiêm ngặt để ngăn chặn sự bùng phát của biến thể Omicron. Lệnh cấm đi lại đã được dỡ bỏ và các nhà hàng đã được mở cửa phục vụ bữa tối từ hôm 6/6 ở hầu hết các khu vực của Bắc Kinh.

Bà Tina Teng, một nhà phân tích của công ty tư vấn tài chính CMC Markets, cho biết nhu cầu nhiên liệu ở Trung Quốc dự kiến sẽ tăng vọt, với việc ô tô lăn bánh trở lại trên đường phố lớn và các cảng dần trở lại hoạt động bình thường trở lại.

Một thông tin khác cũng được thị trường chú ý là nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới Saudi Arabia đã tăng giá bán chính thức (OSP) trong tháng Bảy cho loại dầu thô nhẹ hàng đầu của Arab sang châu Á thêm 2,10 USD so với mức tháng Sáu.

[Phiên 6/6: Giá dầu, giá vàng đều giảm, chứng khoán Mỹ tăng nhẹ]

Bên cạnh đó, những nghi ngờ rằng việc Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng các nhà sản xuất lớn ngoài khối (nhóm OPEC+) đặt mục tiêu sản lượng cao hơn sẽ giảm bớt tình trạng thắt chặt nguồn cung cũng giúp nâng đỡ giá dầu trong phiên này.

Tuần trước, OPEC+ đã quyết định tăng sản lượng trong tháng 7-8/2022 thêm 648.000 thùng/ ngày, tương đương hơn 50% so với kế hoạch trước đó.

Mục tiêu nâng sản lượng được chia sẻ giữa tất cả các thành viên OPEC+. Tuy nhiên, nhiều thành viên có rất ít dư địa để tăng sản lượng, bao gồm cả Nga, nước đang phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của phương Tây./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục