Giá dầu tại châu Á đi xuống phiên 14/7 sau báo cáo CPI của Mỹ

Giá dầu đã giảm trong 2 tuần qua do những lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu, mặc dù xuất khẩu dầu thô từ Nga đã giảm do các lệnh trừng phạt của phương Tây và gián đoạn nguồn cung ở Libya.
Giá dầu tại châu Á đi xuống phiên 14/7 sau báo cáo CPI của Mỹ ảnh 1Giếng dầu ở thành phố Almetyevsk, Cộng hòa Tatarstan, Liên bang Nga. (Ảnh: TASS/TTXVN)

Giá dầu tại thị trường châu Á đi xuống trong phiên giao dịch 14/7, khi giới đầu tư bị giằng co giữa xu hướng thắt chặt nguồn cung và triển vọng tăng mạnh lãi suất của Mỹ, có thể ngăn chặn đà leo thang của lạm phát và hạn chế nhu cầu dầu mỏ.

Chiều phiên này, tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 9/2022 giảm 18 xu Mỹ, xuống 99,39 USD/thùng, sau khi “tuột” khỏi mốc 100 USD/thùng phiên thứ hai liên tiếp vào ngày 13/7.

Giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao tháng 8/2022 cũng mất 43 xu Mỹ, xuống 95,84 USD/thùng.

Giá dầu đã giảm trong hai tuần qua do những lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu, mặc dù xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu tinh chế từ Nga đã giảm do các lệnh trừng phạt của phương Tây và gián đoạn nguồn cung ở Libya.

Howie Lee, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng OCBC của Singapore, cho biết: “Tôi không nhận thấy bất kỳ thay đổi đáng kể nào trong các nguyên tắc cơ bản về nguồn cung dầu và đó có lẽ là lý do tại sao chúng ta vẫn thấy giá dầu Brent neo quanh mức 100 USD/thùng."

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang quyết liệt chống lạm phát, hiện đang ở mức cao nhất trong hơn 40 năm và ngân hàng này được dự báo sẽ tăng lãi suất thêm 1 điểm phần trăm trong tháng này, sau khi báo cáo về chỉ số giá tiêu dùng mới nhất cho thấy áp lực giá cả tại nước này đang gia tăng.

Ngày 13/7, Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo cho thấy tỷ lệ lạm phát tại nước này trong tháng Sáu đã tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 11/1981.

Việc tăng lãi suất của Fed dự kiến sẽ diễn ra sau một động thái bất ngờ tương tự của Ngân hàng trung ương Canada vào ngày 13/7.

[IEA cảnh báo giá dầu cao vẫn chưa thể làm giảm nhu cầu]

Các nhà đầu tư cũng đang đổ xô vào đồng USD, thường được coi là tài sản trú ẩn an toàn. Chỉ số đồng USD đạt mức cao nhất trong 20 năm vào ngày 13/7, khiến dầu trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Những lo ngại về quy định hạn chế liên quan tới dịch COVID-19 ở nhiều thành phố của Trung Quốc để kiềm chế chủng virus mới có khả năng lây nhiễm cao cũng khiến giá dầu đi xuống.

Dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy, nhập khẩu dầu thô hàng ngày của Trung Quốc trong tháng Sáu đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2018.

Báo cáo từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cũng chỉ ra rằng, nhu cầu nhiên liệu của nước này cũng giảm xuống 18,7 triệu thùng/ngày, thấp nhất kể từ tháng 6/2021. Trong khi đó, lượng dầu thô tồn kho tăng, do đợt xuất dầu từ kho dự trữ chiến lược.

Dự kiến, ngày 15/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ bay đến Saudi Arabia để  tham dự hội nghị thượng đỉnh của các đồng minh vùng Vịnh và kêu gọi họ bơm thêm dầu ra thị trường.

Tuy nhiên, công suất dự phòng của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đang ở mức thấp, khi hầu hết các nhà sản xuất đều đang sản xuất với công suất tối đa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục