Giới chức EU đánh giá quan hệ với Mỹ ngày càng lạnh nhạt

Một tuần sau những lời công kích của ông Trump tại NATO, một ngày sau thượng đỉnh Mỹ-Nga, Chủ tịch Hội đồng châu Âu lên tiếng ám chỉ "bóng tối ngày càng tăng trong quan hệ chính trị quốc tế."
Giới chức EU đánh giá quan hệ với Mỹ ngày càng lạnh nhạt ảnh 1Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk phát biểu tại cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ ngày 10/7. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 17/7, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk lên tiếng ám chỉ "bóng tối ngày càng tăng trong quan hệ chính trị quốc tế."

Nhận định trên được đưa ra một tuần sau những lời công kích của Tổng thống Donald Trump tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), và một ngày sau khi Tổng thống Mỹ cho thấy ông ngày càng xích lại gần hơn về phía đối thủ của EU là Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ vừa qua ở Helsinki.

Chủ tịch nhóm đảng Nhân dân châu Âu (EPP) tại Nghị viện châu Âu (EP) Manfred Weber đánh giá các sự kiện vừa qua cho thấy EU "phải tự nắm lấy vận mệnh của mình."

Nhiều dấu hiệu cho thấy EU đang cố thoát khỏi cái bóng của nước Mỹ, nhất là sau khi Tổng thống Trump rút khỏi Hiệp ước Paris về chống biến đổi khí hậu, hay thỏa thuận hạt nhân Iran mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Điều này thể hiện rõ khi các lãnh đạo chủ chốt của EU đã có mặt ở Trung Đông, Nhật Bản và cả Trung Quốc trong thời gian qua để tìm kiếm sự hợp tác.

[Tổng thống Mỹ: NATO cần bồi hoàn cho Mỹ chi phí quốc phòng]

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Đức, Norbert Roettgen cho biết đối với ông Trump, các khái niệm về bạn bè, đồng minh, đối tác, đối thủ hay kẻ thù không tồn tại một cách rõ ràng, vì vậy, không ngạc nhiên khi EU đã hướng đến những bạn bè ở nơi khác, và họ dường như đã tìm được điều này khi tuyên bố ngày 17/7 rằng EU và Nhật Bản đã ký kết "một thỏa thuận tự do thương mại song phương lớn hơn bao giờ hết."

Tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, ông Tusk phát biểu rằng đây là một hành động có tầm quan trọng chiến lược đặc biệt đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, vào thời điểm một số người nghi vấn về trật tự này. Ông nói thêm hai bên đang gửi một thông điệp rõ ràng rằng "chúng tôi sát cánh cùng nhau" chống lại chủ nghĩa bảo hộ.

Mặc dù mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đang bị chìm xuống mức thấp mới sau mỗi tuần, EU vẫn sẽ thực hiện một số nỗ lực khác trong tháng này để hàn gắn quan hệ, trong đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker có kế hoạch tới Mỹ vào ngày 25/7 tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục