Các nhà đầu tư nhận định rằng cổ phiếu của Credit Suisse sẽ vẫn tiếp tục giảm sau khi họ phải đối mặt với một cơn bão truyền thông trên mạng xã hội buộc mọi người phải có một cái nhìn mới về các vấn đề của ngân hàng Thụy Sĩ này.
Lượng cổ phiếu của Credit Suisse được các nhà đầu tư vay mượn đã tăng gấp bốn lần trong hai tuần qua, phản ánh sự gia tăng đột biến xu hướng "bán khống" cổ phiếu.
Đồn đoán của các nhà đầu cơ được đưa ra sau khi chứng kiến một số tuần hỗn loạn đối với Credit Suisse và nhấn mạnh thách thức đối với ngân hàng này khi nó chuẩn bị cho một cuộc đại cơ cấu để vực dậy sau hàng loạt vụ bê bối và thua lỗ nặng nề.
Dữ liệu từ S&P Global Market Intelligence cho thấy 15,9% cổ phiếu của ngân hàng này được cho vay vào ngày 19/10, một trong những mức cao nhất trong số các ngân hàng châu Âu.
Con số này so với mức chỉ 3-4% cách đây hai tuần, khoảng thời gian mà Credit Suisse bắt đầu nhận thấy mình đang là tâm điểm của hàng loạt bình luận trên mạng xã hội Reddit và Twitter khi suy đoán về “sức khỏe” tài chính của họ.
Số liệu từ S&P cho thấy, mức cổ phiếu của Credit Suisse được vay cao hơn gấp ba lần so với mức trung bình 4,4% được cho vay đối với cổ phiếu của một công ty Thụy Sĩ.
[Ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sĩ tròng trành trước sóng dữ]
Tính đến thời điểm hiện tại, giá cổ phiếu của ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sĩ đã mất khoảng một nửa giá trị trong năm nay, xuống còn khoảng 4,5 franc/cổ phiếu. Những người bán khống vay những cổ phiếu này để bán chúng, với niềm tin rằng sau đó họ có thể mua lại với giá thấp hơn trước khi trả lại và bỏ túi phần chênh lệch.
Ở Thụy Sĩ, các quỹ đầu cơ và những quỹ khác thường không phải tiết lộ về thời điểm họ nắm giữ các vị thế bán khống lớn trong một ngân hàng nào đo, do vậy các dữ liệu tiết lộ về kế hoạch bán khống thường bị che giấu.
Ivan Ćosović, người sáng lập công ty dữ liệu Breakout Point, chuyên theo dõi tâm lý của các nhà giao dịch bán lẻ trên các nền tảng như Reddit, cho biết: “Các nhà đầu tư bán lẻ đều đang quan tâm đến sự phát triển của Credit Suisse, vốn là chủ đề của một loạt các tin đồn không có căn cứ và các meme chỉ trích bao gồm các tiêu đề như: "Mọi thứ vẫn ổn chứ?" hoặc "Debit Suisse."
"Cơn bão" dư luận mà Credit Suisse đang gánh chịu xuất phát từ lá thư nội bộ do Tổng Giám đốc Ulrich Körner gởi cho nhân viên. Lá thư có mục đích trấn an các quan ngại nếu có nào về sức khỏe tài chính của ngân hàng trước khi Credit Suisse triển khai một kế hoạch tái cơ cấu lớn sẽ được công bố vào cuối tháng 10 này.
Nhưng thay vì làm an lòng nhân viên, lá thư lại dấy lên nỗi lo trong giới tài chính khi bị rò rỉ ra bên ngoài. Bên cạnh đó, một tác nhân khác làm tin đồn lan mạnh là tình hình rối ren của kinh tế Anh dẫn đến một cuộc khủng hoảng bất ngờ trên thị trường trái phiếu./.