Hà Nội: Hơn 40 y, bác sỹ bệnh viện Tuệ Tĩnh xuống đường "kêu cứu"

160 cán bộ, nhân viên của bệnh viện Tuệ Tĩnh đang chịu hệ quả của đề án "bệnh viện tự chủ" xây dựng không phù hợp với thực tế hoạt động của bệnh viện mà họ không được bàn bạc, thông qua.
Hà Nội: Hơn 40 y, bác sỹ bệnh viện Tuệ Tĩnh xuống đường "kêu cứu" ảnh 1Hàng trăm nhân viên y tế bị nợ lương. (Nguồn: nld.vn)

Chiều 12/1, hơn 40 người trong tổng số 160 y, bác sỹ, nhân viên y tế tại bệnh viện Tuệ Tĩnh bị thiếu lương, nợ lương từ tháng 5/2021 đến nay, đã xuống đường, tập trung trước cổng bệnh viện.

Trước đó, từ chiều 11/1, các nhân viên y tế này cũng đã xuống đường và mang theo băngrôn "kêu cứu."

Họ đều là những người đang ở trong độ tuổi lao động chính của gia đình (từ 30-40 tuổi). Nhiều người không biết bấu víu vào đâu khi hàng ngày vẫn phải đến bệnh viện, thậm chí khối lượng công việc nhiều hơn nhưng lại không mang về nhà đồng lương nào.

Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam chiều 12/1, các cán bộ, nhân viên y tế ở đây cho biết, 160 cán bộ, nhân viên của bệnh viện Tuệ Tĩnh đang chịu hệ quả của đề án "bệnh viện tự chủ" xây dựng không phù hợp với thực tế hoạt động của bệnh viện mà họ không được bàn bạc, thông qua.

Từ tháng 5-11/2021, toàn bộ 160 cán bộ, nhân viên của bệnh viện đang bị nợ 50% lương, còn từ tháng 12/2021 và tháng 1/2022 thì không được nhận một đồng lương nào. Trong khi các khoa, phòng vẫn hoạt động bình thường, cán bộ nhân viên y tế còn làm thêm công tác tiêm chủng, khối lượng công việc nhiều hơn.

[Hà Nội chỉ đạo xử lý việc công nhân môi trường bị nợ lương]

"Kêu nhiều nhưng lãnh đạo bệnh viện trả lời do cơ chế tự chủ, thu không đủ bù chi. Lãnh đạo bệnh viện thì vẫn nhận lương, thưởng, thu nhập tăng thêm đầy đủ, trong khi đó 160 cán bộ, nhân viên bệnh viện chỉ nhận được lời động viên cố gắng. Nhưng không có lương ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của chúng tôi," chị Lê Thanh Bình, Tổ trưởng tổ Công đoàn 1 Bệnh viện Tuệ Tĩnh chia sẻ. 

Lý giải nguyên nhân tại sao lãnh đạo bệnh viện vẫn đủ lương, thưởng hàng tháng, trong khi nhân viên bị nợ lương, không có lương, chị Lê Thanh Bình cho biết bệnh viện Tuệ Tĩnh, Viện Nghiên cứu Y Dược học cổ truyền Tuệ Tĩnh, Trung tâm Đào tạo và cung ứng dịch vụ theo nhu cầu xã hội là 3 đơn vị trực thuộc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam nhưng trong 3 đơn vị này chỉ có bệnh viện Tuệ Tĩnh hoạt động theo cơ chế tự chủ.

Lãnh đạo bệnh viện đều kiêm nhiệm nên vẫn hưởng lương và các khoản phụ cấp của học viện, không bị chi phối bởi cơ chế tự chủ tài chính, còn tất cả các cán bộ, nhân viên bệnh viện còn lại (là những người học y khoa được phân bổ về bệnh viện) thì các chế độ lương, thưởng đều bị chi phối bởi cơ chế tự chủ tài chính.

Hà Nội: Hơn 40 y, bác sỹ bệnh viện Tuệ Tĩnh xuống đường "kêu cứu" ảnh 2Hàng trăm nhân viên y tế bị nợ lương. (Nguồn: nld.vn)

Chị Đặng Thị Thu Hiền, Khoa Nội 2, năm nay 35 tuổi với 12 năm công tác cho biết trước đây chị được hưởng mức lương 6,6 triệu nhưng sau đó giảm 50% còn 3,3 triệu và bây giờ thì không còn đồng nào. Các ngày lễ, Tết cũng không được gì.

Trong khi Viện Nghiên cứu Y Dược học cổ truyền Tuệ Tĩnh, Trung tâm Đào tạo và cung ứng dịch vụ theo nhu cầu xã hội thì cán bộ, nhân viên vẫn được hưởng lương, thưởng bình thường. Chị Hiền cho biết cán bộ, nhân viên rất bức xúc vì đã kiến nghị nhiều lần nhưng lãnh đạo bệnh viện vẫn không có tiếng nói bảo vệ.

Theo các cán bộ, nhân viên bệnh viện Tuệ Tĩnh, từ năm 2019, Ban Giám đốc bệnh viện Tuệ Tĩnh tự ý xin chủ trương từ bệnh viện công sang tự chủ, cán bộ, nhân viên bệnh viện không được bàn bạc, lấy ý kiến.

Chính vì thế, 100% nguồn thu và hỗ trợ của bệnh viện đều đến từ lượng bệnh nhân đến khám. Nhưng trên thực tế, nếu xét về năng lực thì bệnh viện Tuệ Tĩnh không đáp ứng đủ điều kiện để tự chủ.

Nếu tình hình dịch COVID-19 kéo dài khiến lượng bệnh nhân đến bệnh viện ít hơn, cán bộ, nhân viên y tế của bệnh viện không biết sống ra sao khi không có lương.

Nửa tháng trước, nhiều người đã làm đơn xin nghỉ phép để ra ngoài kiếm thêm thu nhập cho gia đình nhưng lãnh đạo bệnh viện không đồng ý vì bệnh viện không có người làm.

Mới đây, sau khi Bộ Y tế và các ban ngành vào cuộc, lãnh đạo học viện hứa sẽ trả đủ số lương từ tháng 5 nhưng đến nay cán bộ, nhân viên y tế của bệnh viện vẫn chưa nhận được lương cũng như lời giải thích chính thức nào từ phía bệnh viện.

"Chúng tôi được Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam tuyển dụng và ký hợp đồng lao động nhưng sau khi được phân bổ về bệnh viện Tuệ Tĩnh hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính đã chịu thiệt thòi. Chúng tôi mong muốn vấn đề trên cần được sớm xử lý dứt điểm có thể an tâm làm đúng trách nhiệm của mình," chị Đặng Thị Thu Hiền bày tỏ.

Trước đó, chiều 19/11/2021, tại cuộc họp với lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam và Ban lãnh đạo bệnh viện Tuệ Tĩnh đã đề xuất xin tạm dừng tự chủ để có nguồn cấp ngân sách chi trả cho cán bộ công nhân viên.

Tại cuộc họp, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam cho biết thêm bệnh viện Tuệ Tĩnh tự chủ từ năm 2019-2020, khi thực hiện chi thường xuyên chủ động tăng nguồn thu nhưng bệnh viện đã không đạt được kế hoạch như dự kiến./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục