Hà Nội sắp thí điểm trả lương hưu qua bưu điện

Thời gian tới, Hà Nội triển khai thí điểm chi trả lương hưu và một số khoản trợ cấp khác qua bưu điện tại hai huyện Phú Xuyên và Ba Vì.
Chiều 14/8, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã tổ chức giao ban trực tuyến về công tác lao động thương binh và xã hội 7 tháng đầu năm 2013, đồng thời sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020.”

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc chỉ đạo thời gian tới, Hà Nội tổ chức triển khai thí điểm chi trả lương hưu và một số khoản trợ cấp khác qua bưu điện tại hai huyện Phú Xuyên và Ba Vì. Sau thời gian thí điểm, nếu xét thấy phương thức trả lương hưu qua bưu điện tốt hơn phương thức hiện hành, bảo đảm thuận tiện cho các đối tượng thụ hưởng thì thành phố sẽ triển khai trên diện rộng.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố cũng nhấn mạnh dù thực hiện thí điểm hay theo phương thức cũ thì các đơn vị thực hiện đều cần nghiên cứu kỹ lưỡng, tránh thất thoát khi chi trả, tạo điều kiện thuận tiện tối đa với thái độ trân trọng khi tiếp xúc với người đến lĩnh lương.

Về nhiệm vụ từ nay đến cuối năm 2013, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc yêu cầu ngành Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội sớm lên kế hoạch chuẩn bị Tết cho các đối tượng chính sách; chú trọng công tác dạy nghề, giải quyết việc làm, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm; đẩy mạnh thực hiện kỷ cương hành chính, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo.

Theo Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Đình Đức, 7 tháng đầu năm nay, Hà Nội đã giải quyết việc làm cho hơn 74.000 lao động, đạt 53,2% kế hoạch năm; xét duyệt 2.010 dự án vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm với số tiền 194.540 tỷ đồng; tạo việc làm cho 10.000 lao động.

Thành phố đã tổ chức điều tra về nhu cầu tuyển dụng lao động tại 64.000 doanh nghiệp, đơn vị; điều tra tiền lương và thu nhập tại 5.007 doanh nghiệp, đơn vị. Công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội của thành phố đạt trên 48% kế hoạch; tiếp nhận hồ sơ, xét duyệt và giải quyết chế độ ưu đãi người có công cho gần 21.000 trường hợp; chi trả trên 900 tỷ đồng trợ cấp ưu đãi cho người có công.

Sau 3 năm thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thành phố Hà Nội đã tạo được sự chuyển biến trong việc triển khai thực hiện của các cấp, các ngành và người lao động nông thôn.

Hà Nội đã thực hiện vượt chỉ tiêu theo quy định của đề án khi tạo được việc làm cho 70% lao động nông thôn sau đào tạo. Trong 3 năm (2010-2012), tổng kinh phí thành phố Hà Nội bố trí để dạy nghề cho lao động nông thôn là 136.805 tỷ đồng, dạy nghề cho 33.939 người. Các ngành nghề tổ chức đa dạng, phong phú, tập trung vào 2 nhóm nghề, nông nghiệp chiếm 32,4% và phi nông nghiệp chiếm 67,6%./.

Kim Anh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục