Hàn Quốc nhấn mạnh ý nghĩa của xây dựng lòng tin với Triều Tiên

Theo ông Noh Kyu-duk, Đặc phái viên của Hàn Quốc về các vấn đề an ninh trên bán đảo Triều Tiên, tuyên bố chấm dứt chiến tranh có thể tạo đà quan trọng cho việc tái khởi động đối thoại với Triều Tiên.
Hàn Quốc nhấn mạnh ý nghĩa của xây dựng lòng tin với Triều Tiên ảnh 1Đặc phái viên Hàn Quốc Noh Kyu-duk. (Ảnh: YONHAP/TTXVN)

Tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên do Hàn Quốc đề xuất, là cử chỉ mang tính biểu tượng cho thấy Seoul và Washington không muốn sự thù địch với Bình Nhưỡng để Triều Tiên sớm quay trở lại đối thoại.

Đây là tuyên bố của ông Noh Kyu-duk, Đặc phái viên của Hàn Quốc về các vấn đề an ninh và hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên ngày 25/10.

Phát biểu tại một diễn đàn ở Seoul, ông Noh nhấn mạnh :"Tuyên bố chấm dứt chiến tranh có thể xem là biện pháp mang tính biểu tượng nhất cho thấy Hàn Quốc và Mỹ không nuôi dưỡng chính sách chống Triều Tiên. Tôi tin rằng tuyên bố này có thể tạo đà quan trọng cho việc tái khởi động đối thoại với Triều Tiên."

Trong phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc hồi tháng 9 vừa qua, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jea-in đã đề xuất một lần nữa rằng hai miền Triều Tiên và Mỹ, có thể cả Trung Quốc cần đưa ra tuyên bố chấm dứt chiến tranh như biện pháp làm hồi sinh lại tiến trình hòa bình trong khu vực.

[Hàn Quốc cam kết tiếp tục nỗ lực đối thoại với Triều Tiên]

Ông Noh nhấn mạnh điều này rất có ý nghĩa như biện pháp xây dựng lòng tin. Ông Noh lưu ý rằng Triều Tiên nhanh chóng đáp lại đề xuất của ông Moon vào lúc đó với việc bà Kim Yo-jong, em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên, gọi đó là một ý tưởng thú vị và tuyệt vời, nhưng bà nói rằng các cuộc thảo luận chỉ có thể nối lại khi Hàn Quốc từ bỏ chính sách thù địch đối với Triều Tiên.

Ông Noh Kyu-duk cho biết ông và người đồng cấp Mỹ Sung Kim trong vài tháng qua đã có cuộc thảo luận sâu sắc về cách thức để Triều Tiên tham gia một loạt cuộc thảo luận song phương.

Ông Noh nhấn mạnh Seoul và Washington cũng sẽ tiếp tục thảo luận về tuyên bố chấm dứt chiến tranh và trợ giúp nhân đạo cho Triều Tiên.

Đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên vẫn bị đình trệ kể từ hội nghị thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai nước vào năm 2019. Hai miền Triều Tiên về hình thức vẫn trong tình trạng chiến tranh kể từ khi cuộc xung đột 1950-1953 kết thúc với thỏa thuận đình chiến, chứ không phải một hiệp đình hòa bình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục