Hòa Bình phục hồi phát triển kinh tế trong bối cảnh COVID-19

Thời gian qua, Hòa Bình đã thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, trong đó triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn.
Hòa Bình phục hồi phát triển kinh tế trong bối cảnh COVID-19 ảnh 1Một chốt kiểm soát phòng dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. (Nguồn: TTXVN)

Từ đầu năm nay, trong bối cảnh cả nước tiếp tục đối mặt với diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình cũng đã xuất hiện các ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng làm ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội, sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Thời gian qua, Hòa Bình đã thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, trong đó triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đầu giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Vẫn còn 5 chỉ tiêu khó đạt

Các cấp, các ngành của tỉnh Hòa Bình tiếp tục triển thực hiện hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ tại Nghị quyết, Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.

Tỉnh tập trung xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện 40 đề án, chương trình trọng điểm, trong đó có 5 đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để làm cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo, phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết đã đề ra; thực hiện quyết liệt, đồng bộ 4 đột phá chiến lược của tỉnh, bao gồm: làm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch theo quy định; hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư; phát triển nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm, tăng năng suất lao động; phát triển kết cấu hạ tầng.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 9 tháng đầu năm của Hòa Bình ước đạt 6,35%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 3.227,7 tỷ đồng, bằng 74% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 64% so với Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu ước đạt 807,834 triệu USD, tăng 10,51% so với cùng kỳ năm trước, bằng 66,34% so với kế hoạch năm.

Có 20 dự án đầu tư trong nước được quyết định chủ trương đầu tư với số vốn đăng ký là 32.517 tỷ đồng và 360 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký khoảng 14.000 tỷ đồng.
Kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đến ngày 30/9/2021 được 2.335 tỷ đồng, đạt 62% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 được quan tâm thực hiện.

[HĐND tỉnh Hòa Bình thông qua 24 nghị quyết về kinh tế và nhân sự]

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, công tác đảm bảo an sinh xã hội được chú trọng. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng được bảo đảm.

Bên cạnh các kết quả đạt được, dự báo tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh trong những tháng còn lại của năm 2021 còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trước tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục có diễn biến phức tạp.

Dự báo đến cuối năm 2021 có 14/19 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021, còn 5 chỉ tiêu khó đạt, cụ thể là: tăng trưởng kinh tế, GRDP bình quân đầu người; tổng đầu tư toàn xã hội; thu ngân sách Nhà nước; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế.

Giải pháp cho những tháng cuối năm

Để phấn đấu thực hiện đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2021, từ giờ đến cuối năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết việc làm, ổn định đời sống nhân dân, tranh thủ nắm bắt những thời cơ mới.

Tỉnh đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, góp phần thúc đẩy xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội cần thiết nhằm nâng cao sức cạnh tranh, hỗ trợ các hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, thu hút các nguồn vốn đầu tư xã hội khác.

Tỉnh tiếp tục nâng cao nhận thức về việc thực hiện các chủ trương, giải pháp phòng chống, kiểm soát dịch bệnh COVID-19, tuyệt đối không chủ quan trước dịch bệnh, kiểm soát chặt chẽ nguồn lây từ bên ngoài, quyết tâm không để dịch bệnh xâm nhập vào tỉnh; sẵn sàng mọi điều kiện về nhân lực, phương tiện và chủ động triển khai các phương án, kịch bản nhằm ứng phó với mọi tình huống; triển khai thực hiện tốt tiêm vaccine để đạt miễn dịch cộng đồng theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, trong đó ưu tiên cho các trường hợp tuyến đầu chống dịch và công nhân các khu, cụm công nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện việc tự mua và tiêm vaccine cho công nhân, lao động theo đúng quy định.

Tỉnh xác định nhiệm vụ quan trọng, cấp bách trong giai đoạn hiện nay là hỗ trợ doanh nghiệp, người dân nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo đời sống an sinh xã hội.

Hòa Bình phục hồi phát triển kinh tế trong bối cảnh COVID-19 ảnh 2Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình họp bàn tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư.

Bên cạnh đó, tỉnh tập trung ưu tiên phát triển vùng động lực kinh tế của tỉnh để thực sự trở thành đầu tàu, có vai trò tác động lan tỏa tới các vùng khác của tỉnh. Tỉnh linh hoạt trong cơ chế, chính sách thu hút các nguồn vốn đề đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, hạ tầng đô thị, khu, cụm công nghiệp, hạ tầng du lịch.

Hòa Bình cũng tăng cường hợp tác, liên kết phát triển kinh tế vùng với các tỉnh, thành phố lân cận và cả nước trên cơ sở phát triển hạ tầng giao thông kết nối, gắn với hình thành các hành lang phát triển kinh tế theo các tuyến đường giao thông liên vùng, trước hết với thành phố Hà Nội nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, tiêu thụ hàng hóa nông sản và khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển du lịch.

Tỉnh chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, hiệu quả, sản xuất hàng hóa tập trung; gắn kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến, du lịch, thị trường tiêu thụ, bảo vệ môi trường, sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng bộ với thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, phát triển công nghiệp thực sự trở thành động lực của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao, bền vững và hiệu quả; phát triển nhanh, đa dạng các loại hình và nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng yêu cầu sản xuất và tiên dùng của nhân dân; khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trường kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững; một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục