Hơn 2.500 trẻ mồ côi vì dịch COVID-19, nhiều em mất cả cha lẫn mẹ

Thời gian tới, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục rà soát các chính sách đã có, chính sách nào không còn phù hợp sẽ trình Chính phủ cho sửa đổi, đối tượng nào còn thiếu sẽ bổ sung.
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, đến nay, các gói hỗ trợ và an sinh xã hội của Trung ương và địa phương ban hành đã hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, nghĩa cử cao đẹp lan tỏa.

Chính sách đã bao phủ việc hỗ trợ các đối tượng yếu thế

Trả lời tại phiên chất vấn chiều 10/11, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin do tác động của dịch COVID-19, thế giới có 1,5 triệu trẻ em mồ côi, trong khi Việt Nam có 2.532 trẻ mồ côi với 81 trẻ mất cả cha và mẹ vì dịch bệnh.

Thời gian qua, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ động các chính sách liên quan đến trẻ em. Mức chung hiện nay hỗ trợ trẻ em trong các làng trẻ SOS của Việt Nam tương đối đồng bộ với thế giới, khoảng 1,8 triệu đồng/tháng.

Riêng Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam hỗ trợ tất cả các cháu mồ côi 5 triệu đồng, các cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ được tặng sổ tiết kiệm 20 triệu đồng.

Với số cháu mồ côi do dịch COVID-19, ông Dung cho biết ngoài các chính sách đã có, các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể đã vận động hỗ trợ các cháu tương đối tốt, trường hợp xấu nhất mới đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội.

“Phương châm của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội là vận động để tất cả các cháu đều có mái ấm gia đình, đều có người thân đỡ đầu. Hiện nay cả 81 cháu đều được sống với người thân, trong trường hợp không có người thân chúng tôi và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sẽ tìm mẹ đỡ đầu cho các cháu. Trường hợp xấu nhất mới đưa vào các trung tâm bảo trợ xã hội," Bộ trưởng Dung khẳng định.

[Chính phủ ban hành nhiều gói chính sách an sinh lớn, chưa có tiền lệ]

Giải đáp chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Lệ (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) cho giải pháp xử lý xâm hại trẻ em, Bộ trưởng Dung cho biết trong vấn đề này, quan niệm các nước rất khác nhau.

Ông dẫn thông tin Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) đánh giá xâm hại trẻ em trên thế giới xấp xỉ 30%. Với Việt Nam, chưa có điều tra tổng thể trên cả nước về xâm hại trẻ em nhưng vừa qua Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội kết hợp với một số tổ chức quốc tế điều tra bước đầu ở một số địa phương cho thấy xâm hại bạo lực, tình dục trẻ em tương đương các nước châu Á.

Nhấn mạnh dù hệ thống pháp luật tương đối rõ, tính chất chưa đủ sức răn đe nên phải điều chỉnh, thời gian tới, ông khẳng định sẽ cùng ngành công an thực hiện “3 nhất” gồm phát hiện sớm nhất, xử lý nghiêm minh nhất, chăm sóc các em bị tổn thương tốt nhất.

Đề cập đến các đối tượng chính sách, người già, người tàn tật, lao động đường phố… tiếp tục bị ảnh hưởng sau đại dịch COVID-19, ông Dung đánh giá với hàng loạt chính sách được ban hành trong thời gian qua như Nghị định 20, Nghị định 36 và Nghị định 75… đã cơ bản đã bao phủ việc hỗ trợ các đối tượng yếu thế.

Trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4, các địa phương hầu hết mở rộng việc hỗ trợ các nhóm này. Thời gian tới, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục rà soát các chính sách đã có, chính sách nào không còn phù hợp sẽ trình Chính phủ cho sửa đổi, đối tượng nào còn thiếu sẽ bổ sung.

Có hiện tượng trục lợi chính sách hỗ trợ

Ông Dung cũng cho hay thời gian qua Đảng và Nhà nước cùng các địa phương đã chủ động tiến hành các chủ trương hỗ trợ người lao động và người hỗ trợ lao động. Đến nay, các gói hỗ trợ và an sinh xã hội của Trung ương và địa phương ban hành đã hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, nghĩa cử cao đẹp lan tỏa.

“Tuy nhiên lĩnh vực lao động, an sinh, an dân và xã hội có nhiều hệ lụy do tác động của dịch, quy mô hỗ trợ thấp, đòi hỏi sớm phải có chính sách hỗ trợ với quy mô lớn hơn, thời gian đủ dài, phạm vi đủ rộng để phục hồi, phát triển thị trường lao động và các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội,” Bộ trưởng Dung nói.

[Hỗ trợ người lao động ở tỉnh quay lại TP.HCM và tìm kiếm việc làm]

Bày tỏ sự bức xúc với việc trục lợi chính sách hỗ trợ, Bộ trưởng Dung cho biết đối với việc trục lợi chính sách, các quy định đều nêu rõ phân công trách nhiệm cho người đứng đầu tổ chức, địa phương, người đứng đầu của các ngành được phân công. Ví dụ liên quan đến chính sách vay cho người lao động là Thống đốc Ngân hàng, liên quan đến gói hỗ trợ tiền mặt, chỉ đạo là Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội…

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Ủy ban Nhân dân Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức 12 đoàn đi kiểm tra ở 33 tỉnh, thành phố.

“Đối với câu hỏi có trục lợi không, chúng tôi trả lời có. Ở gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42, phát hiện và xử lý 4 trường hợp ở 4 địa phương, trong đó có những địa phương phải cách chức cả Bí thư đoàn Thanh niên, Chủ tịch Mặt trận vì để người nhà trong danh sách hộ nghèo, trong danh sách hưởng chính sách,” ông Dung chỉ rõ thực tế và cho biết tất cả địa phương đều quan tâm đến việc điều tra, giám sát các gói chính sách hỗ trợ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục