Hợp tác y tế là điểm sáng trong 25 năm quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ

Trong bối cảnh Hoa Kỳ và Việt Nam kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao, hoạt động hợp tác trong lĩnh vực y tế đã đóng vai trò nền tảng cho mối quan hệ song phương.
Hợp tác y tế là điểm sáng trong 25 năm quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ ảnh 1Bộ Y tế tổ chức lễ trao Kỷ niệm chương 'Vì sức khỏe nhân dân' cho các chuyên gia nước ngoài tại Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong bối cảnh Việt Nam và Hoa Kỳ đang tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao, hoạt động hợp tác trong lĩnh vực y tế đã đóng vai trò nền tảng cho mối quan hệ song phương. VietnamPlus trân trọng giới thiệu bài viết của Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink về hợp tác giữa hai quốc gia trong lĩnh vực y tế. 

Bác sỹ Lương Chấn Quang đã trải qua nhiều trường hợp khẩn cấp liên quan tới y tế cộng đồng. Tuy nhiên, không trường hợp nào trong số đó giống với những gì ông gặp phải vào cuối tháng 3/2020, khi các ca lây nhiễm COVID-19 xuất hiện trong cộng đồng người Việt và người nước ngoài tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Là một trong những nhà khoa học hàng đầu tại Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, bác sỹ Lương Chấn Quang cũng là cộng tác viên quan trọng của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ) tại Việt Nam cũng như các đối tác trong nước khác tại Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh.

Khi Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận các ca nhiễm COVID-19 liên quan tới những người từng tới quán bar Buddha ở quận 2, bác sỹ Lương Chấn Quang đã có cơ hội sử dụng những hỗ trợ kỹ thuật do CDC Hoa Kỳ và các đối tác khác cung cấp trong năm năm vừa qua, góp phần vào công tác ứng phó khẩn cấp với dịch bệnh của chính quyền thành phố.

Bác sỹ Quang chia sẻ: "Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình trong việc khoanh vùng và ngăn ngừa một ổ dịch có khả năng bùng phát trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Sự hỗ trợ từ CDC Hoa Kỳ cho công tác chuẩn bị ứng phó với dịch bệnh đã giúp những nỗ lực của chúng tôi trở nên hiệu quả hơn rất nhiều."

Trong bối cảnh Hoa Kỳ và Việt Nam kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao, hoạt động hợp tác trong lĩnh vực y tế đã đóng vai trò nền tảng cho mối quan hệ song phương.

Từ những hoạt động nhằm hỗ trợ người khuyết tật từ 30 năm về trước, cho tới những nỗ lực gần đây nhằm ngăn ngừa và kiểm soát đại dịch COVID-19, chúng ta đã cùng nhau nâng cao chất lượng cuộc sống cho rất nhiều người dân Việt Nam.

Trong hơn 20 năm qua, Hoa Kỳ đã cung cấp cho Việt Nam các khoản hỗ trợ trị giá hơn 1,8 tỷ USD, trong đó có hơn 925 triệu USD dành cho lĩnh vực y tế. Tôi tin rằng mối quan hệ song phương giữa hai nước nói chung, cũng như hợp tác y tế nói riêng, sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa trong 25 năm tới.

Hỗ trợ người khuyết tật

Trước khi Hoa Kỳ và Việt Nam bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1995, Hoa Kỳ đã triển khai nhiều hoạt động nhằm xử lý những vấn đề chiến tranh để lại thông qua chương trình hỗ trợ dành cho người khuyết tật.

Trong 30 năm qua, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã hỗ trợ hơn một triệu người khuyết tật tại Việt Nam, tài trợ hơn 125 triệu USD cho các thiết bị hỗ trợ, cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng, cải thiện nhà ở cũng như nhiều hoạt động khác.

Hợp tác y tế là điểm sáng trong 25 năm quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ ảnh 2Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AMCHAM Việt Nam), Công ty Intel Products Việt Nam trao tặng xe cứu thương và thiết bị y tế chuyên dụng có trị giá hơn 2,2 tỷ đồng cho Trung tâm Cấp cứu 115 Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: TTXVN)

Bảy tỉnh thành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dioxin trong chiến tranh được ưu tiên hỗ trợ, cùng với việc phân bổ nguồn lực nhằm cung cấp và duy trì các dịch vụ chăm sóc toàn diện dành cho người khuyết tật.

Phòng, chống HIV/AIDS

Trong gần 20 năm qua, Hoa Kỳ đã đồng hành cùng Việt Nam trong cuộc chiến chống lại HIV/AIDS. Năm 2003, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á nhận được hỗ trợ từ Chương trình Cứu trợ Khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng, chống HIV/AIDS (PEPFAR). Từ đó đến nay, PEPFAR đã tài trợ hơn 800 triệu USD nhằm giúp Việt Nam đối phó với HIV/AIDS.

Trong khu vực, Việt Nam là nước đi đầu trong việc hưởng ứng các mục tiêu toàn cầu đầy tham vọng do Chương trình Phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAID) đề ra, thông qua việc thực hiện những đổi mới như: tiếp cận các nhóm dân số có nguy cơ cao nhất trong cộng đồng thông qua các tổ chức phi chính phủ dựa vào cộng đồng, tiến hành các thử nghiệm dựa vào cộng đồng, cho phép khu vực tư nhân tham gia cung cấp các dịch vụ quan trọng như điều trị dự phòng trước phơi nhiễm, và cuối cùng là khởi động chiến dịch “Không phát hiện = Không lây truyền” (K=K) nhằm hoàn thành các mục tiêu trong việc kiểm soát dịch bệnh và dần xóa bỏ kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.

Nhờ những đổi mới này, Việt Nam hiện có hơn 140.000 người được sử dụng thuốc điều trị HIV, và đặc biệt là có tỷ lệ giảm tải lượng virus cao nhất trong số các nước được PEPFAR hỗ trợ. Điều này có nghĩa rằng hầu hết những người dương tính với HIV và đang sử dụng thuốc điều trị HIV đều có sức khỏe tốt và không thể truyền virus sang người khác.

[Hoa Kỳ coi trọng thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam]

Chính phủ Việt Nam xứng đáng với những lời khen ngợi khi đã lãnh đạo xuất sắc việc thực hiện các nhiệm vụ trong lĩnh vực này. Kể từ năm 2014, Chính phủ Việt Nam đã tiếp quản trách nhiệm quản lý hành chính và tài chính trong cuộc chiến chống HIV từ các nhà tài trợ, đồng thời đáp ứng nhu cầu của người dân thông qua việc cho ra đời những chương trình bảo hiểm y tế mở rộng cứu giúp bảo vệ tính mạng nhiều người dân.

Ứng phó với bệnh lao

Việt Nam là một trong những quốc gia có số người mắc bệnh lao cao nhất trên thế giới. Từ năm 1997, CDC Hoa Kỳ đã cung cấp các hỗ trợ về mặt kỹ thuật cho Chương trình Chống Lao Quốc gia của Việt Nam nhằm tăng cường hiệu quả cho các hoạt động phát hiện, điều trị và ngăn ngừa bệnh lao. Có thể kể đến các hoạt động như ứng dụng các biện pháp điều trị bệnh lao mới hoặc đang sử dụng, tăng cường hiểu biết nhằm kiểm soát và ngăn ngừa bệnh một cách hiệu quả hơn, cũng như đưa ra các quyết định dựa trên bằng chứng cụ thể.

USAID cũng đang cải thiện các nền tảng cung cấp dịch vụ điều trị lao, tăng cường các mạng lưới phát hiện bệnh lao, cải thiện công tác giám sát bệnh lao và xây dựng nền tảng vững chắc nhằm chuyển giao công tác ứng phó với bệnh lao cho Chính phủ Việt Nam và khu vực tư nhân.

Phòng, chống cúm mùa

Kể từ năm 2005, Chính phủ Hoa Kỳ đã hợp tác cùng Chính phủ Việt Nam trong công tác phòng, chống bệnh cúm mùa. CDC Hoa Kỳ đã hỗ trợ Việt Nam thành lập hai Trung tâm Cúm Quốc gia và hợp tác với USAID xây dựng hệ thống giám sát các trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp nặng, hệ thống giám sát có sự hỗ trợ từ phòng thí nghiệm đối với bệnh viêm phổi nặng do virus, và chương trình giám sát có sự hỗ trợ từ phòng thí nghiệm đối với cúm gia cầm tại một số chợ gia cầm sống được lựa chọn trên phạm vi cả nước.

Năm 2019, Việt Nam đã cấp phép cho vắcxin cúm mùa đầu tiên được sản xuất trong nước - thành quả đạt được từ khoản hỗ trợ trị giá hàng triệu USD của Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Y sinh Tiên tiến thuộc Bộ Y tế Hoa Kỳ trong hơn 25 năm qua.

Ngoài ra, kể từ năm 2017, CDC Hoa Kỳ đã hỗ trợ Việt Nam tiến hành tiêm vắcxin cúm cho hơn 32.000 nhân viên y tế tại sáu tỉnh, thành phố.

Vào năm 2020, dự kiến sẽ có 136.000 liều vắcxin được cấp cho các nhân viên y tế tại 24 tỉnh, thành phố, giúp bảo vệ sức khỏe cho những y bác sỹ ở tuyến đầu.

Tăng cường chăm sóc sức khỏe cho lực lượng quân đội

Vào năm 2007, Cục Quân y Hoa Kỳ bắt đầu triển khai chương trình “Đối tác Thái Bình Dương” của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ nhằm thúc đẩy thiện chí, hợp tác và khả năng tương tác thông qua các hoạt động chăm sóc y tế khi xảy ra thảm họa hay các vấn đề nhân đạo.

Cụ thể, đơn vị này đã cung cấp các khóa đào tạo giúp tăng cường kỹ thuật phẫu thuật, kiểm soát lây nhiễm và đảm bảo an toàn trong truyền máu. Đồng thời, đơn vị này cũng tiến hành một số buổi trao đổi về chăm sóc y tế tại các bệnh viện ở Việt Nam.

Ví dụ, vào năm 2018, 12 cán bộ của chương trình Tham gia y tế toàn cầu trực thuộc lực lượng Hải quân Hoa Kỳ đã đến làm việc tại Bệnh viện Quân y 103 ở Hà Nội trong tám tuần.

Cùng với các đồng nghiệp Việt Nam, họ đã giúp cải thiện năng lực cấp cứu và điều trị tích hợp cho các trường hợp thương tật, nhằm cải thiện chất lượng điều trị cho các bệnh nhân mang thương tật trong nhiều năm tới.

Kể từ năm 2014, Đơn vị Nghiên cứu Y tế số 2 thuộc Hải quân Hoa Kỳ cũng đã hỗ trợ các chương trình giám sát và xóa bỏ căn bệnh sốt rét tại một số vùng của Việt Nam.

Với sự phối hợp cùng các lực lượng nòng cốt của Việt Nam, đơn vị này đã nghiên cứu các trường hợp kháng thuốc ngăn ngừa sốt rét, sự thay đổi sinh thái học ở loài muỗi và tính hiệu quả của các phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh sốt rét, với hy vọng một ngày nào đó chúng ta có thể hoàn toàn loại trừ căn bệnh này tại Việt Nam.

Ứng phó với đợt bùng phát dịch tả lợn châu Phi

Kể từ khi dịch tả lợn châu Phi bắt đầu bùng phát tại Việt Nam vào năm 2019, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã hỗ trợ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam giải quyết một số vấn đề, bao gồm xóa đàn, tiêu hủy, tiêu độc khử trùng, cũng như xây dựng chính sách.

Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã hỗ trợ các dự án hợp tác khoa học giữa các viện nghiên cứu và trường đại học tại Hoa Kỳ và tại Việt Nam, trong đó có một số dự án nhằm mục đích tìm hiểu sâu hơn về dịch tễ học và các đặc điểm của dịch tả lợn châu Phi.

Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam cũng đã ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong phát triển vắcxin cho dịch tả lợn châu Phi.

Khi dịch COVID-19 bùng phát, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã sử dụng các nền tảng số để hỗ trợ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam xây dựng Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, giai đoạn 2020-2025, vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 7/7.

Ngăn ngừa và kiểm soát đại dịch COVID-19

Kể từ năm 2015, Hoa Kỳ và Việt Nam đã phát triển quan hệ hợp tác trong lĩnh vực y tế thông qua Chương trình An ninh Y tế Toàn cầu, một chương trình quốc tế nhằm ứng phó với những mối đe dọa tới sức khỏe cộng đồng, chẳng hạn như COVID-19.

CDC Hoa Kỳ và USAID đã cùng hỗ trợ Bộ Y tế Việt Nam trong việc giám sát, phân tích dữ liệu, thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, điều tra thực địa, cũng như ngăn ngừa và kiểm soát lây nhiễm. Hoa Kỳ đã hỗ trợ y tế và tài chính cho Việt Nam hơn 13 triệu USD nhằm giúp đỡ Việt Nam trong cuộc chiến chống lại COVID-19.

Ngoài ra, USAID cũng đã cung cấp 100 máy thở do Mỹ sản xuất cho Việt Nam để hỗ trợ điều trị cho các bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2.

Sự hợp tác trong ứng phó với COVID-19 của hai quốc gia không chỉ được thực hiện từ một phía. Chính phủ Việt Nam đã quyên góp hàng trăm nghìn khẩu trang y tế cho người dân Hoa Kỳ, thể hiện mạnh mẽ tình đoàn kết và sự ủng hộ của Việt Nam với Hoa Kỳ.

[Việt Nam-Hoa Kỳ trao đổi biện pháp ứng phó với dịch COVID-19]

Chúng tôi vô cùng cảm kích trước sự giúp đỡ và lòng tốt của người dân Việt Nam, đồng thời tin rằng sự hợp tác này là biểu hiện về cách hai quốc gia sử dụng thế mạnh của mình để giúp đỡ đối tác thân thiết, cả trong lúc yên bình lẫn lúc khó khăn. Chúng tôi cũng muốn dành lời khen ngợi cho Chính phủ và nhân dân Việt Nam khi đã ứng phó với đại dịch COVID-19 một cách xuất sắc và hiệu quả.

Hướng tới tương lai

Trên nhiều phương diện, cuộc chiến chống COVID-19 là cột mốc tiêu biểu nhất đánh dấu nỗ lực chung trong việc hỗ trợ và học hỏi lẫn nhau giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong suốt 25 năm qua. Sự thành công của quan hệ đối tác ngày nay sẽ không thể đạt được nếu không có những nỗ lực hợp tác trong những năm trước đó. Nhân dịp nhìn lại những thành tựu mà chúng ta đã đạt được, chúng ta cũng dành một chút thời gian để hướng đến 25 năm tới.

Cũng giống như việc không ai có thể lường trước những mối đe dọa đến từ đại dịch COVID-19 trong năm 2020, chúng ta cũng không thể dự đoán một cách chắc chắn những thách thức về y tế mà chúng ta có thể phải đối diện trong tương lai.

Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể cam kết sẽ cùng chung tay giải quyết những thách thức này, và chúng ta đang cùng làm điều đó. Hoa Kỳ sẽ tiếp tục là một đối tác đáng tin cậy của Việt Nam, và cùng nỗ lực ngăn chặn và giải quyết các thách thức về y tế bất cứ khi nào chúng xuất hiện./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục